ON: Tay không bán hàng

ON: Tay không bán hàng

ON đóng vai trò là mạng lưới phân phối hàng hoá cho doanh nghiệp thông qua hệ thống cộng tác viên rộng khắp cả nước.

Khái niệm social commerce (thương mại xã hội), còn được biết đến với cái tên truyền miệng “tay không bán hàng”, đã bắt đầu bùng nổ từ năm 2020 và ON là một trong các startup hạt giống trong cuộc đua trị giá hàng tỉ USD ở Việt Nam.

Mô hình Win-Win-Win

Là một người phụ nữ nội trợ, lúc rảnh rỗi, chị Trang (quận Tân Phú) viết review về sản phẩm lên trang cá nhân của mình và tư vấn bạn bè cùng mua hàng dùng thử. Khi đơn hàng thành công, chị sẽ được hưởng hoa hồng trên mỗi sản phẩm bán ra. Tuỳ vào dòng sản phẩm, mức hoa hồng sẽ khác nhau.

Có khoảng 50.000 người như chị Trang, chủ yếu là nữ, đang là cộng tác viên bán hàng cho ON, một nền tảng social commerce thành lập chưa đầy 2 năm. Lợi thế khi bán hàng qua ON là người bán không phải nhập hàng, vận chuyển, vì đã có ON xử lý. Điều duy nhất họ làm là sử dụng tốt các mối quan hệ trên mạng xã hội để bán sản phẩm từ ON.

Thông thường, một doanh nghiệp sản xuất, để đưa hàng vào thị trường, phải xây dựng hệ thống phân phối hoặc phát triển mạng lưới nhân viên kinh doanh để đưa hàng đến các đại lý bán hàng. Cả 2 cách đều cần thời gian, nguồn lực và kinh nghiệm. ON đóng vai trò là mạng lưới phân phối hàng hoá cho doanh nghiệp thông qua hệ thống cộng tác viên rộng khắp trên cả nước – một mô hình mà 2 năm qua đã phần nào chứng minh được lợi ích cho các bên tham gia: doanh nghiệp đưa hàng ra thị trường nhanh và hiệu quả, người bán hàng có nguồn hàng mà không cần bỏ vốn và cuối cùng là ON có lợi nhuận để tiếp tục phát triển mạng lưới bán hàng, mở rộng quy mô.

Thực ra, mô hình social commerce không mới. Đã có các kỳ lân hoặc công ty tiệm cận mức định giá 1 tỉ USD trong khu vực như Meesho của Ấn Độ (được định giá 8 tỉ USD) hay Evermos của Indonesia (gọi vốn hơn 40 triệu USD).

Còn đối với anh Nguyễn Hoàng Giang, đồng sáng lập kiêm Giám đốc Điều hành ON, ý tưởng thành lập mô hình social commerce đã được anh và các đồng sự ấp ủ từ năm 2018 sau khi giành giải nhất từ cuộc thi IDEAS Show APEC. “Nhưng thời điểm đó rất khó có thể thuyết phục các nhà cung cấp cung ứng sản phẩm cho nền tảng như ON nên chúng tôi triển khai một số mô hình khác để tối ưu việc giao hàng ở Việt Nam”, anh Giang nói.

Đến năm 2020, dịch bệnh ảnh hưởng đến chuỗi phân phối và hành vi tiêu dùng, cùng với hơn 30,8 triệu người bị tác động tiêu cực bởi dịch bệnh (theo Tổng cục Thống kê) đã khiến các mô hình social commerce như ON lại bắt đầu được chú ý. Việc hợp tác diễn ra nhanh chóng bởi ON không chỉ giải quyết vấn đề hàng hoá, mà còn trực tiếp đem lại nguồn thu nhập mới cho lực lượng lao động bị ảnh hưởng.

Bên cạnh đó, hệ thống giao nhận thương mại điện tử, kho bãi và thanh toán trực tuyến đã hoàn chỉnh ở Việt Nam nên ON không mất quá nhiều thời gian để phát triển. Có 3 ngành hàng đang là thế mạnh của ON là mẹ và bé, thực phẩm dinh dưỡng và đồ gia dụng. Anh Giang cho biết trong thời gian tới Công ty sẽ mở rộng thêm các ngành hàng mỹ phẩm và sản phẩm chăm sóc sức khỏe. “Doanh thu của ON hiện đến từ hoa hồng bán hàng, hiện ở mức 5-10% doanh số ghi nhận”, anh nói.

Những rào cản mới

Tính đến thời điểm hiện tại, có 2 doanh nghiệp cùng mô hình với ON ở Việt Nam là Selly và Mio. Tuy nhiên, đây không phải là thời điểm các bên cạnh tranh thị phần với nhau vì dư địa tăng trưởng còn rất lớn. Họ còn phải cùng nhau giải 2 bài toán khá hóc búa hiện nay là mở rộng ngành hàng và giữ chân người dùng.

Đối với doanh nghiệp sản xuất, việc xây dựng và quản lý một mạng lưới người bán hàng, đặc biệt trên online không hề đơn giản, khi họ vốn chỉ quen với việc quản lý đại lý vật lý truyền thống. Để quản lý được mạng lưới hàng chục ngàn cộng tác viên bán hàng ở khắp các tỉnh, thành, họ cần một hệ thống quản lý và cập nhật thông tin tức thời và phần mềm dành cho từng đối tượng khác nhau. Đây chính là điểm mạnh của ON. Công ty cũng ứng dụng các công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo hay dữ liệu lớn để hỗ trợ đưa các thông tin về thị trường, giúp doanh nghiệp hiểu rõ nhu cầu của khách hàng. Ngoài ra, ON xây dựng một hệ thống vận hành hỗ trợ khách hàng thường xuyên để giải đáp thắc mắc cũng như hỗ trợ người bán trong quá trình bán hàng.

Đáng nói là lực lượng lao động dồi dào bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh từng là lợi thế của các công ty social commerce thì nay đã không còn khi nền kinh tế mở cửa trở lại, nhiều người đã tìm được công việc mới và mức độ cam kết tham gia cũng giảm đi phần nào so với trước dịch.

Để giữ chân lực lượng này, theo anh Giang, điều quan trọng nhất là cải thiện thu nhập của họ bằng cách mở rộng các mặt hàng kinh doanh. Anh Giang ví von dân gian có câu “bán bia kèm lạc”, đầu tiên người bán có thể bán thêm những mặt hàng gần với các mặt hàng mà bình thường hay bán, ví dụ như một nhà bán hàng thường bán tã, sữa thì có thể bán thêm sách truyện, đồ chơi cho trẻ em, sau đó có thể mở rộng tiếp sang những ngành hàng khác.

Nhằm hỗ trợ cho quy trình bán hàng nói trên, ON cung cấp các công cụ hỗ trợ quản lý đơn hàng, quản lý cộng tác viên bán hàng và các sản phẩm tài chính giúp giải quyết vấn đề dòng tiền của người bán. Ngoài ra, ON cung cấp cổng vận chuyển kết nối người bán với 12 đơn vị vận chuyển, giúp người bán hàng online tiết kiệm tới 50% chi phí giao hàng.

“Điều quan trọng nhất là phải hiểu được người mua của mình là ai, nhu cầu của họ là gì và nên bán sản phẩm gì. Và trên nền tảng của ON, chúng tôi đều có các công cụ hỗ trợ người bán những thông tin cần thiết ấy để họ có thể bán hàng tốt hơn”, anh Giang nói.

Huy Vũ
Nguồn Nhịp cầu Đầu tư