[Nhật ký sáng tạo] Cuộc săn

Những cuộc pitching phá sức khủng khiếp. Đã quắn đít lên với những việc hàng ngày từ các nhãn hàng đã có của Agency, nay thêm cái đấu thầu ý tưởng trên trời rớt xuống nên việc nhiều lên gấp bội. Thường thì pitching là lý do chính khiến dân quảng cáo bỏ cha bỏ mẹ, giăng mùng trải chiếu ở công ty.

Nhưng đó là lúc lũ sáng tạo thích nhất vì được tự do tối đa với ý tưởng của mình. Là dịp để tung ra những gì mình có, ém bấy lâu nay, chưa xả được trong những job hàng ngày. Mọi người bỗng sinh động hơn hẳn, sáng ý hơn hẳn. Vì có thêm tính ăn thua.

Trong những cuộc pitching, Agency được đặt vào vai trò người đi săn đói khát trong cuộc đua chỉ một người thắng cuộc. Càng kịch tính hơn nếu đó là nhãn hàng lớn nhiều tiềm năng, sếp trên chỉ định bằng mọi giá phải rước về hầu hạ cho bằng được. Chiến thắng này sẽ củng cố ghế cho một ai đó hay ngược lại, tống tiễn vài người lên đường do pitching nhiều trận rồi mà sao trận nào cũng…

Trên đời không có gì xấu hoàn toàn và tốt hoàn toàn. Không phải creative nào cũng thích pitching vì 99% các ý tưởng trong pitching sẽ không được biến thành sự thật. Bản brief cho pitching thường tương đối tổng quát, rộng rãi cho sáng tạo để phía nhãn hàng đo được thú tính sáng tạo và lòng ham hố muốn hầu hạ cho nhãn hàng của các Agency đến đâu. Khi Agency giành được con mồi và bắt tay làm thiệt thì mới biết đá biết vàng, ý tưởng cũng gãy cánh ít nhiều.

Mẹ nó, anh thấy làm cả ngày mệt gần chết, đến tối lục đục lôi pitch ra làm, thắng rồi sao chứ, mớ idea đó cũng vứt hết, Account nào qua brief pitching nữa là anh đá đít!

Có lẽ vì vậy trong ngành cũng có một số Agency nhất quyết không pitching, nếu Marketer sau khi nhìn hồ sơ năng lực, ngồi nói chuyện đôi bên thấy tâm đầu ý hợp thì đặt trọn niềm tin, bắt tay vào quất luôn. Vậy là sướng nhất nhưng số Agency ngầu vậy thường không nhiều. Một là Agency cực tầm cỡ, hai là Agency quá nhỏ nên chủ yếu lấy job về từ mối quan hệ chứ sức lực đâu, nhân lực đâu mà pitch.

Vòng 1, vòng 2, vòng 3… có những cuộc pitching lê thê, các Agency kèn cựa nhau rồi bị loại từng thằng một, tháng này qua tháng khác. Xong pitching về ý tưởng thì thời buổi kinh tế thị trường lại đẻ ra thêm vòng pitching về cost (giá). OK, tui chọn bạn làm creative agency của tui nhưng bạn làm mắc quá, tui trả tiền ý tưởng rồi quăng cho bên khác làm, bạn chỉ giám sát và tư vấn thôi. Kết quả cuối cùng cũng hên xui. Vì bên ý tưởng thì bực bội khó chịu do ý của mình nhưng thằng khác làm, chửi lộn từ sáng đến chiều. Còn bên kia thì làm nhưng không nắm chắc concept nên thường không linh hoạt lắm trong execution. Bên nào cũng có một tâm sự Ngọc Hân.

Sau cuộc đi săn, người thắng thì mở tiệc linh đình, kẻ thua thì lại được nghe những câu quen thuộc như “Tụi A thắng được lần này chẳng qua là do lobby tốt thôi!” hay “Bên nhãn B chọn Agency A này là đúng rồi, không hẳn là idea tốt hơn tụi mình đâu, chẳng qua là bên đó giá cả vừa miệng hơn!” hoặc “Nghĩ sao vậy, pitch trận này cho vui thôi, cho theo đúng thủ tục bên công ty nó chứ thằng Brand Manager chơi với con Managing Director của Agency A cả chục năm rồi, dĩ nhiên là giao cho tụi nó làm rồi!”.

Như bao nhiêu cuộc đấu thầu ở những ngành khác, đằng sau vinh quang là rất nhiều câu hỏi. Bản chất của pitching không hẳn là đọ ý tưởng giữa các Agency mà là cuộc chơi để Client (Các bạn Marketers) tìm partner cho mình trong dự án Communication sắp tới. Đó có thể là chất lượng ý tưởng. Có thể là sự nhiệt tình. Sự phù hợp trong hệ thống làm việc. Hoặc một lý do căn bản gì đó xảy ra dưới gầm bàn.

Sau cuộc săn, bọn sáng tạo mót được vài ý tưởng bỏ vào portfolio, chút hào quang loi lé vì giành được khách hàng mới, củng cố lại cái tôi của một nhân viên sáng tạo, chút tiền thưởng vào dịp cuối năm (nếu vẫn còn ở công ty).

Vậy âu cũng là niềm an ủi cho công sức và thời gian đáng lẽ dành vun vén cho cuộc sống cá nhân.

Nguồn Tôi Yêu Marketing