Quảng cáo bằng sex: Nhiều người xem, nhưng...

Ngày nay, mọi người bị bao quanh bởi những thông điệp quảng cáo lan tràn trên các phương tiện truyền thông. Trung bình, một ngày một người xem và bị ép buộc phải xem một cách vô thức khoảng 3.000 quảng cáo khác nhau. Đó là lý do con người ngày càng né tránh quảng cáo

Shock marketing - Sex marketing

Những người làm marketing hiện đại đứng trước áp lực làm sao phải tạo ra một mẩu quảng cáo để thu hút được nhiều người xem nhất. “Nào, chúng ta hãy tạo ra một mẩu quảng cáo thật ấn tượng. Khán giả sẽ phải thật shock. Truyền thông sẽ tranh cãi không ngớt về mẩu quảng cáo của chúng ta. Nếu mẩu quảng cáo bị cấm đoán, có lẽ đó còn là điều tuyệt vời hơn bởi không có gì gây tò mò hơn điều bị cấm đoán”.

Đó là lý do nhiều công ty đưa ra những mẫu quảng cáo shock.

Và điều gì có thể gây shock dễ nhất? Sex dĩ nhiên luôn nằm trong số những lựa chọn hàng đầu.

Quảng cáo bằng sex - Phải chăng đó sẽ là một con đường tuyệt vời dẫn đến một công thức tạo ra những mẩu quảng cáo hiệu quả?

Hiệu quả tưởng như đã rõ ràng, mọi người sẽ chú ý, tranh cãi, bàn luận, tò mò. Đó chẳng phải là những yếu tố quan trọng bậc nhất của một chiến dịch quảng cáo thành công hay sao?

Có và không!

Sex marketing có hiệu quả?

Trở lại về lời hứa của một phương án giúp quảng cáo của bạn có nhiều người xem ở đầu bài, bạn có thể làm theo cách này: Hãy thuê một cô người mẫu vừa bị bắt trong vụ bán dâm quảng cáo cho nhãn hàng của bạn. Đảm bảo quảng cáo đó sẽ gây chú ý và thương hiệu của bạn sẽ có một mức độ phủ rộng trên các phương tiện truyền thông một cách bất thường.

Nhưng liệu đó có phải là một chiến dịch marketing thành công hay không?

Bạn đã có câu trả lời: Nhiều người xem là một yếu tố quan trọng nhưng không phải là mấu chốt của quảng cáo.

Mục đích lớn nhất của một chiến dịch quảng cáo là gì? Đó là nâng cao vị thế sức mạnh của thương hiệu trong tâm trí khách hàng, chuyển tải đến khách hàng thông điệp của sản phẩm và kích thích tiêu dùng từ khách hàng.

Nhiều người xem? Đó chỉ là yếu tố phụ của một chiến dịch quảng cáo. Bởi quảng cáo dù có bao nhiêu người xem đi chăng nữa cũng không có giá trị nếu nó không kích thích khách hàng mua hàng.

Đó là chưa kể việc sử dụng sex trong marketing có thể gây phản ứng tiêu cực từ xã hội. Bài nghiên cứu “Sexualized Images in Advertising” đã đưa ra kết luận của các chuyên gia về sức khỏe tâm thần: “Tình trạng các hình ảnh về giới tính trên truyền thông tăng nhanh sẽ gây nên những nhầm tưởng sai lầm cho giới trẻ về sự phổ biến của tình dục và xem đó là điều bình thường”.

Dùng sex bằng cách nào?

Thực ra, có nhiều công ty đã sử dụng sex trong quảng cáo để tạo nên những thương hiệu thành công. Yếu tố sex được sử dụng mạnh mẽ trong các quảng cáo, đặc biệt của các ngành hàng đặc trưng như rượu, beer, đồ nội y hay bao cao su.

Sử dụng sex để ban đầu gây chú ý không có điều gì sai. GoDaddy đã tung ra một quảng cáo ướt át trong giờ nghỉ giữa hiệp trận chung kết bóng đá Mỹ - Super Bowl, một trong những sự kiện thể thao lớn nhất trong năm, và sau đó nhanh chóng trở thành công ty cung cấp dịch vụ hosting lớn nhất thế giới. Tạp chí Play Boy với các nàng “thỏ” gợi cảm đã trở thành một trong những biểu tượng của ngành công nghiệp sex trong thế kỷ XX. Tuy nhiên, sử dụng sex như một chiến lược marketing cốt lõi là sai lầm.

Spirit Airlines từng tung ra slogan quảng cáo: “More Bang for your Buck - Nhiều “rung động” hơn cho tiền của bạn (từ “Bang” là từ lóng của hành động giao hợp, chủ yếu dùng trong trường hợp quan hệ với gái mại dâm) cho tuyến bay đến Colombia. Hình ảnh quảng cáo được sử dụng là những cô gái mặc bikini hồng và một chàng mật vụ đang để tay lên môi hàm ý “dịch vụ bí mật”.

Chương trình quảng cáo ấy tung ra khiến người dân Colombia tức giận. Nhà nhân quyền Fabio Andrade nói: “Trong khi chúng tôi làm việc cực nhọc, thay đổi hình ảnh đất nước cho đẹp hơn trong mắt khách du lịch thì quảng cáo này là sự sỉ nhục”. Cuối cùng, Spirit Airlines phải dừng chương trình quảng cáo này lại.

Hãng hàng không Hooters Air thu hút khách bằng dàn tiếp viên mặc quần áo bó sát ngực như những hooter (những cô gái ăn mặc mát mẻ trong các quán bar). Khách hàng đi máy bay cần gì? Đó là máy bay không hoãn, không đến trễ, chỗ ngồi thoải mái, dịch vụ nhân viên thân thiện, đồ ăn thức uống trên máy bay ngon lành. Còn những cô gái mặc đồ bó với bộ ngực khiêu khích? Quán bar sẽ là chỗ thích hợp hơn. Cuối cùng, nhân viên của hãng phải chật vật đối mặt với những hành khách bệnh hoạn và dĩ nhiên là không có khách hàng nữ nào chọn Hooters Air. Sau ba năm hoạt động, Hooters Air đóng cửa vào năm 2006.

Chiến dịch chống thuốc lá ở Pháp đã tung ra một loạt quảng cáo shock với những hình ảnh hàm ý sex cao độ. Đó là hình ảnh những thanh niên, nam hoặc nữ, quỳ gối trước một gã đàn ông lớn tuổi, môi họ ngậm điếu thuốc. Điều đáng nói, điếu thuốc đó dường như mọc ra từ bên trong quần của người đàn ông. Bên dưới bức hình là dòng chữ: “Hút thuốc là làm nô lệ cho thuốc lá”.

Một chiến dịch có ý nghĩa tốt, có hình ảnh gây shock nhưng hệ quả là phát biểu của bà Nadine Morano, Bộ trưởng Các vấn đề về gia đình: “Đó là sự sỉ nhục công khai đối với các phép lịch sự”. Còn bà Florence Montreynaud, Chủ tịch Hiệp hội Giám sát nữ quyền cho rằng "Điều kinh khủng nhất là quảng cáo này đã bình thường hóa bạo lực tình dục".

Bài học

Thế nên, trước khi sử dụng sex để thu hút khách hàng, hãy quay lại bản chất mục đích của những chương trình quảng cáo:

1. Quảng cáo với sex có thể giúp tên thương hiệu xuất hiện ở các phương tiện truyền thông nhưng không giúp thương hiệu đi vào tâm trí khách hàng. Chiếm lĩnh tâm trí khách hàng mới là điều quan trọng bậc nhất.

2. Tâm trí khách hàng chỉ có thể chiếm lĩnh bằng những đặc tính ưu việt của sản phẩm được đưa ra với những thông điệp rõ ràng chứ không phải là bộ ngực hay đôi chân dài của cô người mẫu.

3. Khách hàng của bạn là ai? Đó có phải là những người thích ám ảnh sex hay không?

Quảng cáo với sex ư? Tôi ủng hộ duy nhất chiến dịch “I′d Rather Go Naked Than Wear Fur - Tôi thà khỏa thân hơn mặc quần áo lông thú” của các nhóm hoạt động môi trường.

Nguồn Lanta Brand