Thị trường thời trang Việt: Hấp dẫn hơn cả ngành dệt may với giá trị ước đến 68 tỉ USD/năm và còn rất manh mún

Thị trường thời trang Việt: Hấp dẫn hơn cả ngành dệt may với giá trị ước đến 68 tỉ USD/năm và còn rất manh mún

Tương ứng, ngành công nghiệp thời trang Việt Nam cũng ước tính tăng lên mức 68 tỉ USD/năm. Dù vậy, thời trang nước ta vẫn còn khá manh mún, đây cũng là mảnh đất hấp dẫn để khai thác, theo chia sẻ của ông Vũ Đức Giang – Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam.

Dệt may là một trong những ngành sản xuất chủ lực của nền kinh tế, chiếm từ 12 – 16% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước. Năm 2021, dù chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch COVID-19, toàn ngành vẫn về đích với kim ngạch xuất khẩu hơn 39 tỉ USD kim ngạch, tăng 11,2% so với năm 2020 và tăng 0,3% so với năm 2019. Thị phần xuất khẩu dệt may của Việt Nam đã vượt qua Bangladesh, vươn lên vị trí thứ hai thế giới và được nhiều tổ chức quốc tế đánh giá ở vị trí cao nhất trong cơ hội phục hồi năm 2022.

Các chuyên gia dự báo, tổng kim ngạch thương mại dệt may toàn cầu sẽ hồi phục hoàn toàn với khoảng trên 700 tỉ USD. Đây là cơ hội cho ngành dệt may Việt Nam nối tiếp đà tăng trưởng, hướng tới mục tiêu xuất khẩu đạt trên 40 tỉ năm nay.

Tương ứng, ngành công nghiệp thời trang Việt Nam cũng ước tính tăng lên mức 68 tỉ USD/năm. Dù vậy, thời trang nước ta vẫn còn khá manh mún, đây cũng là mảnh đất hấp dẫn để khai thác, theo chia sẻ của ông Vũ Đức Giang – Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam.

Thực tế, thị trường thời trang nhanh toàn cầu khá phân mảnh với số lượng lớn các công ty nhỏ trên thị trường. Theo một thống kê, 10 đối thủ cạnh tranh hàng đầu trên thị trường hiện chiếm 29,13% tổng thị trường, trong đó các công ty lớn phải kể đến Inditex (Zara SA), H&M Group, Fast Retailing (Uniqlo), The Gap, Inc., ASOS Plc…

Khi Metaverse trở thành xu hướng thì công nghiệp thời trang sắp tới sẽ thay đổi rất nhiều

Trải qua 2 năm bị ảnh hưởng bởi COVID-19, thị trường thời trang thế giới trước và sau COVID-19 có sự khác biệt rõ rệt chính là hành vi khách hàng đã thay đổi. Góc nhìn các chuyên gia tại sự kiện Fashion Design Voices năm nay cho biết, từ điểm A đến B, đi đến là tất yếu nhưng đại dịch đã và đang khiến quá trình đi đến này diễn ra nhanh hơn. Và hành vi thay đổi, cách mua sắm thay đổi nhưng nhu cầu thì không. Nên, cơ hội vẫn ở đó cho doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp biết thay đổi, nắm bắt được xu hướng và tiện lợi hoá điểm tiếp cận khách hàng. Chưa kể, khi Metaverse trở thành xu hướng thì công nghiệp thời trang sắp tới sẽ thay đổi rất nhiều.

Hiện, các chiến lược dựa trên xu hướng cho thị trường thời trang nhanh đã và đang phát triển bao gồm sử dụng thực tế ảo và thực tế tăng cường (VR / AR), trí tuệ nhân tạo trong thiết kế quần áo, sử dụng Internet vạn vật (IoT), các mô hình sở hữu mới, in 3D và nhu cầu về sợi nhân tạo tăng lên.

Nguồn: ELLE Man

Để tận dụng các cơ hội, chuyên gia khuyến nghị các công ty thời trang nhanh tăng cường sự hiện diện kinh doanh của họ trong lĩnh vực thương mại điện tử, thông qua các khoản đầu tư và sáng kiến ​​nhằm phát triển các giải pháp công nghệ tiên tiến để tích hợp các cửa hàng thực, thị trường trực tuyến hoặc nền tảng.

Song song, tập trung vào việc phát triển và khai trương các cửa hàng trực tuyến để tăng khả năng tiếp cận và sự thuận tiện cho khách hàng, cũng như mở rộng sự hiện diện hoạt động và kinh doanh của mình thông qua các thoả thuận chiến lược và kế hoạch mở rộng ở các khu vực đang phát triển. Đồng thời các công ty cũng có thể tập trung vào tăng trưởng thông qua chiến lược mua lại…

Sau COVID-19 mọi người thích mặc đồ nhà nhiều hơn

Bên cạnh công nghệ, nhận định về ví von sau COVID-19 mọi người thích mặc đồ nhà nhiều hơn, nhà thiết kế Võ Việt Chung cũng chia sẻ: “Đúng là trước đây khách hàng của tôi, đặc biệt khách hàng quốc tế đặt lần 6 bộ, nhưng nay số lượng tối đa chỉ dừng lại ở 2 bộ cho một bữa tiệc, thậm chí họ còn phải cân nhắc. Điều đáng nói, không phải thu nhập giảm khiến họ thắt lưng buột bụng mà họ dành tiền làm chuyện khác.

Nguồn: Đẹp

Hoặc với khách hàng nội địa, trước đây khi có tiệc cưới, thì khách hàng đặt hàng cho cả họ hàng, thậm chí cho cặp phụ… đơn hàng lên đến trăm ngàn USD. Nhưng nay thì dè dặt hơn nhiều, không còn đặt ồ ạt như trước. Nên người trong ngành thời trang phải thay đổi”.

Báo cáo từ researchandmarkets.vn cũng ghi nhận, tác động đáng chú ý của COVID-19 đến thị trường thời trang nhanh bao gồm: Giảm nhu cầu, Sự thay đổi hướng tới tính bền vững, Tiết kiệm trong việc mua hàng may mặc trực tuyến và Giảm chi tiêu của người tiêu dùng cho hàng may mặc thời trang.

“Người tiêu dùng đang có xu hướng thích mặc đồ thoải mái hơn, họ không còn chi tiêu cho một món đồ xa xỉ độc quyền. Thay vào việc trả giá cao cho một bộ quần áo thì họ sẽ bỏ tiền vào thứ khác cần thiết hơn. Nên xu hướng cần đáp ứng thời gian tới là giá phải chăng, không còn chạy theo sự độc quyền để ra giá cao”, ông Chung nói thêm.

Bảo An
Nguồn CafeF