CLB Arsenal du đấu tại Việt Nam: Mỹ Đình “phủ” đỏ, thương hiệu “nhuộm” xanh

“Thảm đỏ” không chỉ được trải từ trái tim của những người hâm hộ mà còn đến từ giới kinh doanh. Ai cũng hiểu, sự kiện Arsenal đến Việt Nam sẽ là cơ hội “trăm năm có một” để có thể thu về những món lợi khổng lồ, cả về tài chính và thương hiệu.

Chuyến du đấu của CLB Arsenal có thể được xem là một dấu mốc lịch sử đối với những người hâm mộ thể thao trong nước, bởi đây là lần đầu tiên dải đất hình chữ S được chào đón một CLB bóng đá đến từ giải Ngoại hạng Anh (PL), một trong những giải đấu hấp dẫn nhất hành tinh hiện nay. Bên cạnh việc được xem là một sự kiện thể thao dấu mốc, mở đường cho khả năng những “ông lớn” khác của PL cũng có thể ghé thăm Việt Nam trong các kỳ nghỉ hè sắp tới, giới kinh doanh cũng đang đặt ra câu hỏi liệu việc đưa các “Pháo thủ thành London” đến Hà Nội có phải là một thương vụ “vớ bẫm” của những người chủ trì sự kiện này.


“Chảo lửa” Mỹ Đình chào đón Arsenal

“Thảm đỏ” trải từ Nội Bài

Có lẽ hơn bao giờ hết, những cổ động viên trung thành với CLB Arsenal tại Việt Nam, mà theo như thuật ngữ trong giới những người hâm mộ Arsenal thì họ được gọi là các Gooner, là những người được hưởng niềm vui tinh thần lớn nhất với việc Arsenal đến Việt Nam. Điều này đã được minh chứng qua hàng loạt các sự kiện trước và trong khi các “Pháo thủ” có mặt tại Thủ đô Hà Nội.

Sẽ là không sai khi nói rằng ban tổ chức và những người hâm mộ Arsenal đã “trải thảm đỏ” đón đội bóng ngay khi họ còn chưa đặt chân đến sân bay Nội Bài. “Thảm đỏ” đó chính là sự đón tiếp nồng nhiệt, công tác chuẩn bị chu đáo và đặc biệt là sắc đỏ của hàng nghìn cổ động viên suốt dọc đường từ sân bay về đến nơi nghỉ chân của các cầu thủ tại khách sạn Inter Continental, cho dù thời điểm đội bóng hạ cánh tại sân bay Nội Bài là tờ mờ sáng ngày 15-7 và chuyên cơ của Arsenal thậm chí còn đến sớm hơn lịch trình dự kiến.

Chỉ dành một khoảng thời gian nhất định nghỉ ngơi tại khách sạn - trong ngày 15-7, các “Pháo thủ” tiếp tục được chứng kiến sự nồng nhiệt của những trái tim hâm mộ Việt Nam khi đoàn người áo đỏ luôn sát cánh bên chiếc xe của các cầu thủ trong hành trình tham quan các thắng cảnh nối tiếng tại Thủ đô. Sự đón tiếp nồng nhiệt này kéo dài sang tận ngày tiếp theo, tức là ngày mà các cầu thủ Arsenal có buổi tập làm quen với mặt sân cỏ Mỹ Đình. Chưa biết không khí của buổi thi đấu chính thức sẽ ra sao. Tuy nhiên, chắc chắn những cái tên Theo Walcott, Lucas Podoski, Alex Oxlade-Chamberlain, Per Mertesacker, Kieran Gibbs, Mikel Arteta, Aaron Ramsey… và đặc biệt là HLV Arsenal Wenger đã không khỏi ngỡ ngàng trước những gì mà các Gooner Việt Nam dành cho họ.

“Thảm đỏ” không chỉ được trải từ trái tim của những người hâm hộ mà còn đến từ giới kinh doanh. Ai cũng hiểu, sự kiện Arsenal đến Việt Nam sẽ là cơ hội “trăm năm có một” để có thể thu về những món lợi khổng lồ, cả về tài chính và thương hiệu. Vì vậy, không “trải thảm đỏ” sao được khi các “Pháo thủ” rất có thể sẽ là thỏi nam châm hút tiền cho những người đã tận dụng được thời cơ, có tên trong danh sách những đơn vị tham gia tổ chức sự kiện này. Những cái tên có thể được chỉ ra ở đây là Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF), Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai (HAGL), Ngân hàng Xuất nhập khẩu (EximBank) và kể cả khách sạn Inter Continental.


Cái bắt tay “chiến lược” giữa bầu Đức với HLV Wenger.

Thương vụ đã có tiền lệ

Lẽ tất nhiên, bỏ ra hàng núi tiền để mời một tên tuổi như Arsenal đến Việt Nam thì những người tổ chức sự kiện này không chỉ muốn làm cho vui hay vì niềm đam mê bóng đá. Họ làm vì kinh doanh, điều này là hoàn toàn hợp lý và cũng không có gì xấu. Sẽ là hoàn hảo khi thương vụ kinh doanh của những tên tuổi này thành công, kèm theo đó là thành công cho một sự kiện đánh dấu bước ngoặt cho thể thao nước nhà khi rất có thể trong những mùa hè sau, những cái tên như Manchester United hay Chelsea sẽ đến Việt Nam để người hâm mộ bóng đá đỉnh cao nước ngoài không thấy tủi thân khi chứng kiến niềm vui của những cổ động viên các nước làng giềng như Thái Lan, Malaixia… vốn có truyền thống đón được nhiều tên tuổi bóng đá lớn.

Hơn thế nữa, thành công của những thương vụ kiểu này đã có tiền lệ. Gần đây nhất, hẳn nhiều người còn nhớ, Tập đoàn Tôn Hoa Sen đã thành công vượt mong đợi khi mời chàng trai khuyết tật Nick Vujicic đến Việt Nam. Cũng chỉ vỏn vẹn với những sự kiện giao lưu trong vài ngày, hiệu ứng lan tỏa của “thỏi nam châm” mang tên Nick đã đem đến món lợi khổng lồ cho Tôn Hoa Sen, mà rõ ràng nhất là món lời về truyền thông và tài chính. Cho dù không thể gắn kết một cách trực tiếp việc giá cổ phiếu của Tôn Hoa Sen tăng cao với sự kiện Nick đến Việt Nam, song đó là một thực tế. Và dù rằng con số tăng là hơn 180 tỷ đồng hay gần 200 tỷ đồng giá trị của tài sản cổ phiếu của ông Lê Phước Vũ, Chủ tịch HĐQT Cty CP Tập đoàn Tôn Hoa Sen, chính xác được bao nhiêu, thì rõ ràng doanh nhân nào cũng thèm muốn được như vậy.

Về mặt truyền thông, Tôn Hoa Sen cũng đã rất thành công khi tên tuổi của họ được nâng tầm với tư cách là đơn vị đã chủ trì một sự kiện đem lại “nguồn cảm hứng cho hàng triệu ước mơ”. Bất chấp không ít những ý kiến trái chiều, mà chắc chắn là không thể tránh khỏi, thì thành công về mặt truyền thông của một sự kiện tầm cỡ như vậy là điều không cần bàn cãi. Thậm chí, những ý kiến trái chiều đó đôi khi còn làm tăng thêm sức hút cho sự kiện và cho những người tổ chức ra một sự kiện kiểu như này.

Như vậy, thành công của kiểu thương vụ “kinh doanh” nhờ các tên tuổi là đã có tiền lệ và không khó để những cái tên như Hoàng Anh Gia Lai hay EximBank “ngửi” được mùi lợi ích từ đó. Do đó, cho dù là trong thời buổi kinh tế khó khăn, khi mà “các đại gia bỏ bóng đá”, thì việc Hoàng Anh Gia Lai và EximBank phối hợp với VFF để đầu tư thương vụ đưa Arsenal đến Việt Nam là điều không có gì lạ. Viễn cảnh về một cú huých thương hiệu và tài chính là điều nhiều người đã nghĩ đến.


Arsenal vào sân, “đá” cổ phiếu mã HAG lên.

Từ cầu trường đến thương trường

Gác sang một bên chuyện tiền bạc, đầu tiên phải khẳng định tên tuổi của cả HAGL, EximBank và VFF sẽ được nâng tầm khi tổ chức sự kiện đưa một đội bóng hàng đầu của PL đến du đấu tại Việt Nam.

Với HAGL, có lẽ đây cũng chỉ là bước tiếp theo trong chiến lược nâng tầm thương hiệu của Tập đoàn này bởi việc hợp tác với Arsenal là điều mà bầu Đức (tức ông Đoàn Nguyên Đức - Chủ tịch Tập đoàn HAGL) đã thực hiện từ lâu. Thành quả và cũng là minh chứng rõ ràng nhất cho đến thời điểm này chính là sự ra đời và hoạt động thành công của Học viện bóng đá HAGL Arsenal JMG. Và hẳn những ai theo dõi các trận đấu trên sân nhà Emirates của Arsenal không khó để nhận ra dòng chữ “Tap doan Hoang Anh Gia Lai Viet Nam” có mặt trên biển quảng cáo dưới mặt sân. Thế nên, chiến lược đầu tư cho bóng đá đồng thời khuếch trương thương hiệu thông qua hợp tác với Arsenal là điều đã được khẳng định và cũng không phải việc mà bây giờ bầu Đức mới làm.

Cái tên thứ hai - EximBank, cũng là một tên tuổi đã gắn liền với bóng đá từ lâu. Việc EximBank luôn đồng hành với V-league, giải đấu cao nhất của bóng đá Việt Nam trong những năm qua cũng cho thấy chiến lược “song hành cùng bóng đá” của những người điều hành EximBank. Ngoài ra, trong giới làm ăn việc thua kém các đối thủ cạnh tranh về mặt này mặt kia đôi khi cũng khiến giới lãnh đạo của các tập đoàn, Cty không khỏi cay mũi. Không thể khẳng định ban lãnh đạo của EximBank cũng có tâm lý này, song việc Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) cho ra mắt thẻ tín dụng đồng thương hiệu BIDV - Manchester United, có lẽ cũng là một sự kiện gợi mở để EximBank phải làm một điều gì đó cho “ra ngô ra khoai”. Và vì vậy, với lợi thế sẵn có là đã quen với bóng đá và làm bóng đá trong suốt những năm qua, việc BIDV nhảy vào cuộc trong sự kiện Arsenal cũng là rất hợp lý. Chưa có phép tính chính xác nào so sánh việc EximBank “dựa hơi” Arsenal và BIDV “kết giao” với Manchester United, song cả hai “ông lớn” ngân hàng này có quyền tự hào về những gì mình đã làm được”.


Các fan sẽ được mê đắm khi xem Arsenal trình diễn

Còn lại một cái tên - VFF. Liên đoàn bóng đá thì vốn không phải là một doanh nghiệp hay tập đoàn, thế nên chẳng ai nói được là họ kinh doanh nhưng về cơ bản đã là một tổ chức thì phải khuếch trương hình ảnh, tên tuổi. Đặc biệt với VFF, đơn vị vốn đã trải qua một thời gian thăng trầm cùng những sự kiện lình xình, cùng những rắc rối nghiệp vụ và thậm chí là cả những rắc rối liên quan đến chiếc ghế người đứng đầu của Liên đoàn. Do vậy, việc lấy lại hình ảnh trong mắt người hâm mộ thể thao nước nhà để khẳng định VFF có năng lực, có thể mang lại niềm vui và đáp ứng nguyện vọng chính đáng của người hâm mộ bóng đá đỉnh cao là điều mà VFF cần làm. Với sự lựa chọn là Arsenal, ít nhiều VFF đã cho thấy nỗ lực của mình. Bên cạnh đó, một cá nhân của VFF cũng được cho là hưởng lợi từ hiệu ứng Arsenal. Nhiều nguồn tin cho hay ông Lê Hùng Dũng có thể sẽ là một ứng viên nặng ký cho chức Chủ tịch VFF vào đại hội của cơ quan này, dự kiến sẽ được tổ chức vào tháng 10 tới. Nếu điều này thành hiện thực, thương vụ Arsenal rõ ràng là một “bàn thắng đẹp” của vị doanh nhân nhiều duyên nợ với bóng đá.

Ngoài ra, còn một cái tên được hưởng lợi từ sự kiện Arsenal, đó là khách sạn Inter Continental. Kể từ khi khai trương chính thức vào tháng 4-2010, khách sạn Inter Continental chưa được đánh giá là số 1 Việt Nam. Nhưng sau sự kiện được Arsenal lựa chọn là nơi lưu trú trong chuyến du đấu Việt Nam, Inter Continental đã có được một trong những “lá bài tẩy” tuyệt vời cho những chiến dịch truyền thông trong tương lai. Sinh sau đẻ muộn, Inter Continental lâu nay vẫn “lép vế” so với bề dày truyền thống của Sofitel Metropole hay ít nhất là nhóm khách sạn đã song hành cùng quá trình mở cửa và phần nào đã xây dựng được thương hiệu, bao gồm Daewoo, Melia Hanoi, Nikko… Cho dù có cùng tiêu chuẩn 5 sao, với 359 phòng nghỉ và hàng loạt công trình dịch vụ cao cấp, khách sạn này vẫn khá “lặng lẽ”. Nhưng từ nay, chiếc tem Arsenal đã được dán lên những tài liệu quảng bá về khách sạn này, và cho dù ban lãnh đạo khách sạn có xoa tay hài lòng về giá trị hợp đồng với ban tổ chức trận đấu, thì những giá trị vô hình mà Arsenal để lại cho Inter Continental, có lẽ sẽ còn nhiều hơn thế.

Tuy nhiên, thành công trên thương trường không thể chỉ đo bằng lợi ích thương hiệu, lợi ích truyền thông, đó còn là bài toán tài chính. Xét về mặt này, cho đến thời điểm hiện tại, cả HAGL và EximBank, những đơn vị kinh doanh, cũng mới cho thấy những mức độ thành công “hữu hạn”.

Sắc màu trắng đỏ đặc trưng của Arsenal đã tràn ngập website của Hoàng Anh Gia Lai trong mấy ngày qua, dù không hoạt động chính thức nào được Cty tổ chức. Nhưng dư luận đang bàn tán về việc tài sản tính theo cổ phiếu của ông Đoàn Nguyên Đức đã tăng thêm vài trăm tỷ đồng trong một tuần vừa qua, dù không ai biết được “hiệu ứng Arsenal đã đóng góp bao nhiêu trong đó”.

Trên thị trường tài chính, tính đến đầu tuần này, tức là đúng thời điểm Arsenal đến Việt Nam, cổ phiếu của Hoàng Anh Gia Lai (mã cổ phiếu là HAG) đã thu hút được một dòng tiền đầu tư khá mạnh, đặc biệt là dòng đầu tư từ nước ngoài. Cụ thể, HAG khởi đầu tuần mới với thanh khoản đạt 2,2 triệu cổ phiếu trong phiên giao dịch sáng 15-7. Đáng chú ý, nhà đầu tư nước ngoài mua vào rất mạnh mã này gần 600 nghìn cồ phiếu. Ngoài ra, HAG đã tăng giá 5 phiên liên tiếp, mức tăng gần 8%. Và cũng chưa thể khẳng định hiệu ứng Arsenal đóng góp bao nhiêu trong đó nhưng rõ ràng tầm ảnh hưởng của đội bóng này đối với những diễn biến trên là điều không thể phủ nhận. Thậm chí, có những nguồn tin không chính thức còn tiết lộ, giá trị cổ phiếu của bầu Đức cũng đã tăng mạnh trong tuần qua, mặc dù con số cụ thể là bao nhiêu thì chưa ai khẳng định được.

Cổ phiếu của EximBank (mã cổ phiếu là EIB), cũng không có mức biến động đáng kể nào khi chỉ tăng ở các mức nhẹ. Trong phiên giao dịch 15-7 cũng chỉ tăng nhẹ 100 đồng với giá tham chiếu cho dù cũng đã có lúc tăng lên 29.800 đồng/cổ phiếu. Như vậy, hiện chưa có sự bứt phá nào từ thị trường tài chính để chứng minh cho việc hiệu ứng Arsenal mang lại món lợi khổng lồ về kinh tế cho các nhà tổ chức. Song dẫu sao, việc các cổ phiếu của HAGL và EximBank đều được nhuộm sắc xanh trong giai đoạn giao dịch không mấy khả quan đối với cả thị trường chứng khoán cũng là một tín hiệu vui cho những ông chủ của các tập đoàn này.

Thời gian Arsenal ở lại Việt Nam không còn nhiều, sau trận đấu tối ngày hôm nay, các “Pháo thủ” sẽ sớm rời Hà Nội để tiếp tục chuyến du đấu châu Á của mình, đến đất nước mặt trời mọc Nhật Bản. Sắc đỏ tràn ngập sân cỏ Mỹ Đình, sắc xanh nhuộm lên cổ phiếu của HAGL và EximBank sẽ là tín hiệu vui cho tất cả các bên liên quan đến sự kiện đáng chú ý nhất trong mùa hè này đối với người hâm mộ bóng đá Việt Nam.

Nguồn Bóng Đá