Vị CEO cứu tinh và cú chuyển mình lịch sử của Ford

Vị CEO cứu tinh và cú chuyển mình lịch sử của Ford

Chuyển mình từ một hãng ô tô truyền thống sang nhà sản xuất xe điện là một quyết định mang tính lịch sử của Ford.

Vào một buổi chiều tháng 4, Jim Farley, Giám đốc Điều hành của Ford Motor đã tham gia vào một thử nghiệm được xem là bước tiến to lớn trong lịch sử 118 năm của công ty – chạy thử chiếc xe bán tải Ford F-150 chạy điện.

Ngồi sau vô lăng của mẫu thử nghiệm tại đường thử của công ty tại Dearborn, từ điểm dừng, chiếc xe tải nặng 6.000 pound (2,72 tấn) lao về phía trước. 4 giây là thời gian xe đạt được tốc độ 60 dặm/h. Ông phấn khích hét lên và cho rằng điều này là không thể tin được với chiếc xe cỡ này.

Trong lượt cuối cùng, ông đi vòng quanh khúc cua dốc và lại lao trên đường thẳng cho đến khi đạt 99 dặm/h, chỉ cách một chút so với giới hạn 100 dặm/h của đường đua.

Ông bước xuống xe với giọng phấn khích: “Tôi không thể đợi được thêm nữa cho đến khi chiếc xe này đến tay khách hàng”.

Đây là thời điểm nhạy cảm đối với ngành công nghiệp ô tô, bởi sự thành công của Tesla cũng như doanh số bán xe điện của họ đang không ngừng tăng. Việc chuyển từ sản xuất ô tô và xe bán tải chạy bằng xăng sang các loại xe điện không thải ra các chất gây ô nhiễm sẽ có những tác động lớn đến môi trường, biến đổi khí hậu cũng như nền kinh tế và những chính sách.

Ford đang chi hàng chục tỉ USD để tái cấu trúc các nhà máy cũng như gấp rút đào tạo lại công nhân để chuẩn bị cho bước chuyển mình lớn nhất, kể từ khi Henry Ford đem đến cuộc cách mạng hoá ngành sản xuất với dây chuyền lắp ráp vào năm 1913. Họ cũng không ngừng đấu tranh và nỗ lực để bắt kịp với đà phát triển của Tesla.

Câu hỏi được đặt ra cho Ford là liệu hãng xe hơi đến từ Detroit có thể bắt kịp được Elon Musk, Giám đốc Điều hành của Tesla, người đang sở hữu công ty đang ngày càng phát triển và mở rộng nhanh chóng, hiện đang được các nhà đầu tư định giá cao gấp khoảng 16 lần so với Ford.

Tesla đã tăng gần gấp đôi sản lượng xe bán ra trên toàn cầu vào năm vừa qua, lên gần 1 triệu chiếc. Ford bán được nhiều xe hơn, gần 4 triệu chiếc xe, nhưng doanh số bán hàng lại giảm 6% do họ phải vật lộn để có đủ chip máy tính, pin cũng như các bộ phận khác. Tesla sở hữu thương hiệu mà mọi người thường hay liên tưởng đến sự sang trọng và tinh tế trong kỹ thuật. Trong khi đó, Ford được coi là nhà sản xuất xe tải lớn, tiện dụng và đa dụng.

Earl J. Hesterberg, Giám đốc Điều hành của nhà bán lẻ ô tô Group 1 Automotive, người đã biết Farley trong hai thập kỷ cho biết: “Ngành công nghiệp ô tô truyền thống đang đi sau Tesla khá xa. Nếu như trước đây, họ chỉ đi sau vài năm thì các ông lớn có thể nhanh chóng đuổi kịp, nhưng ngày nay tốc độ thay đổi đã lớn hơn rất nhiều”.

Các chuyên gia ô tô cho rằng xe điện F-150 Lightning chịu áp lực buộc phải thành công nếu Ford muốn phát triển mạnh trong thời đại xe điện hoá. William C. Ford Jr., Chủ tịch công ty, là chắt của Henry Ford, cho biết việc ra mắt chiếc xe tải điện vào thời điểm hiện tại là một sự “đánh cược với công ty”. Ông cho biết nếu lần ra mắt này diễn ra không suôn sẻ sẽ có thể gây ra hoen ố cho danh tiếng của công ty cũng như các hoạt động nhượng quyền thương mại.

Công ty đã có được khoảng 200.000 đơn hàng đặt trước cho mẫu F-150 Lightning, tuy nhiên vẫn có thể còn gặp nhiều khó khăn. Sản xuất có thể bị gián đoạn do tình trạng thiếu chip trên toàn cầu hoặc chi phí tăng cao của lithium, nickel và các nguyên liệu thô khác rất quan trọng đối với pin xe điện. Hoặc, phần mềm mà Ford đã phát triển cho chiếc xe tải có thể còn nhiều thiếu sót, một vấn đề đã từng gây cản trở doanh số bán hàng của chiếc xe điện Volkswagen vào năm 2020.

Ford và CEO Farley sẽ có một số việc cần phải làm. Không giống nhiều mẫu xe điện khác, F-150 Lightning có giá tương đối phải chăng, khởi điểm từ 40.000 USD. Chiếc xe có giá rẻ nhất của Tesla là chiếc sedan Model 3 nhỏ gọn, có giá khởi điểm hơn 48.000 USD. Lightning có khả năng chứa đến hàng tấn hàng hoá, bao gồm cả thùng xe khổng lồ, thu hút các gia đình cũng như doanh nghiệp vận chuyển. Việc Tesla sẽ không bắt đầu sản xuất Cybertruck – mẫu bán tải điện cho đến năm sau là một sự thuận lợi hơn cho Ford.

Ford cũng đã bước vào đường đua xe điện với mẫu Mustang Mach-E, một chiếc xe điện thể thao đa dụng. Doanh số của dòng xe này đạt hơn 27.000 chiếc vào năm 2021, năm đầu tiên có mặt trên thị trường và nhận được nhiều đánh giá tích cực.

Quá trình sản xuất F-150 Lightning dự kiến sẽ bắt đầu vào tuần sau. Các mẫu xe của General Motors, Stellantis và Toyota – những đối thủ chính của Ford trong lĩnh vực xe bán tải – sẽ ra mắt ít nhất trong vòng 1 năm nữa. Rivian, một nhà sản xuất xe điện mới mà Ford đã rót vốn đầu từ vào đã bắt đầu bán những chiếc xe tải điện, tuy nhiên đang gặp phải khó khăn trong việc tăng sản lượng.

“Nếu việc đưa Lighting vào vận hành diễn ra suôn sẻ, đó sẽ là một cơ hội vô cùng lớn”, ông Farley chia sẻ.

Theo nhiều cách, CEO Farley là một người kỹ tính, có nguồn gốc gia đình trong ngành sản xuất. Ông nội của ông từng làm việc tại một nhà máy Ford. Mỗi khi đến thăm ông nội, Farley sẽ tham quan các nhà máy của Ford và những địa điểm quan trọng đối với lịch sử của công ty.

Khi 15 tuổi, Farley đã mua một chiếc Mustang tại California vào mùa hè và lái nó về nhà mình tại Michigan mà không cần bằng lái. Ông nội của anh đã đặt cho chiếc xe đó tên gọi là Jimmy Car. Cũng giống Elon Musk, Jimmy Farley đã từng làm rất nhiều công việc và tham gia vào việc thành lập các doanh nghiệp.

Sinh ra ở Argentina khi cha đang làm việc tại một ngân hàng, ông sống ở Brazil và Canada. Khi lớn lên, sự nghiệp của ông bắt đầu không phải trong ngành công nghiệp ô tô mà là tại một tập đoàn về công nghệ máy tính đa quốc gia có trụ sở tại Armonk, New York. Ông cũng đã trải qua một thời gian dài làm việc tại Toyota, đã có cống hiến to lớn bằng việc giúp Toyota thoát khỏi cái mác sản xuất những chiếc xe nhàm chán và tiết kiệm bằng cách phát triển nên thương hiệu xe sang Lexus, hiện đang phát triển mạnh mẽ trên thế giới.

Jim Press, cựu Giám đốc Điều hành cấp cao của Toyota và Chrysler cho biết: “Bộ não của anh ấy luôn hoạt động không ngừng nghỉ, không bao giờ rảnh rỗi và luôn luôn suy tư. Sự táo bạo của anh ấy vượt xa những gì người khác dám nghĩ”.

Vào năm 2007, Alan R. Mulally, Giám đốc Điều hành của Ford vào thời điểm đó, đã thuê Farley về làm việc để giúp xoay chuyển Ford. Ông đã giúp cản thiện hoạt động tiếp thị của công ty, tận dụng Facebook và mạng xã hội, đồng thời điều hành các hoạt động của công ty ở Châu Âu.

Trong một vài năm gần đây, ông Farley đã đánh giá lại chiến lược của Ford, đến thăm quan các công ty công nghệ ở California và nhận ra rằng: “Họ đang nhắm đến khách hàng của chúng tôi”.

Vào năm 2018, Ford nhận thấy rằng công ty đang có nguy cơ bị tụt hậu so với Tesla, GM và Rivian, trong sản xuất ô tô điện và xe bán tải điện. Ford quyết định sẽ không chế tạo nên một chiếc xe tải điện và pin từ đầu giống như các nhà sản xuất ô tô khác đang làm mà sửa đổi một chiếc F-150 hiện có và mua pin từ một nhà cung cấp khác. Động thái này được coi là mạo hiểm bởi việc chuyển đổi các phương tiện truyền thống sang chạy bằng pin sẽ rất khó khăn. Pin nặng hơn động cơ xe và nên được đặt dưới sàn xe hơn là dưới mui xe phía trước.

CEO Farley chia sẻ: “Chúng tôi không biết chuyện này sẽ diễn ra như thế nào, nhưng nếu chúng tôi không vượt qua được những thử thách, chúng tôi sẽ chịu một hình phạt rất nặng”.

Theo ước tính ban đầu, Ford sẽ có thể bán được khoảng 20.000 chiếc xe Lightning mỗi năm, con số này thấp một cách kỳ lạ vì Tesla đang đạt được mức tăng trưởng doanh số khoảng 50% mỗi năm và có kế hoạch xây dựng thêm 2 nhà máy lớn.

Một phần vì ước tính về doanh số xe điện thấp, một phần với cương vị Giám đốc Điều hành của công ty kể từ tháng 12/2020, Farley càng tin rằng Ford cần có một cuộc cải tổ.

Nhiều nhà lãnh đạo trong ngành ô tô thừa nhận rằng một trong những lợi thế chính của Tesla là bỏ xa những đối thủ còn lại bằng việc phát triển phần mềm vận hành động cơ, quản lý pin, cung cấp thông tin và giải trí cho người lái và hành khách. Kết quả là Tesla, sinh ra ở Thung lũng Silicon đã tạo ra những chiếc xe điện chạy bằng pin có nhiều tính năng hơn những chiếc xe do những đối thủ khác sản xuất ra.

Tesla cũng có thể cập nhật phần mềm từ xa trên tất cả các ô tô của mình, việc mà Ford và các nhà sản xuất ô tô khác chỉ mới bắt đầu sử dụng gần đây. Hầu hết ô tô đến từ các nhà sản xuất lâu đời đều phải được đưa đến các đại lý để nâng cấp hoặc sửa chữa dù là những lỗi nhỏ. Do đó, không có gì ngạc nhiên khi ông Farley lo lắng nhất là ở khả năng xảy ra lỗi phần mềm trong hàng triệu dòng mã của Lightning.

“Là một công ty ô tô, chúng tôi đã đào tạo để đưa các phương tiện ra đời ở trạng thái hoàn hảo nhất. Nhưng với phần mềm, các phiên bản có thể thay đổi bằng các bản cập nhật qua mạng. Hệ thống chất lượng của chúng tôi chưa quen với định hướng phần mềm này”.

Ông cũng cho biết điều quan trọng đối với công ty là phải nâng cấp các phần mềm của mình, đến nỗi ông đã dành hàng tháng trời để tuyển dụng được một trong những tên tuổi hàng đầu trong lĩnh vực công nghệ ô tô, Doug Field, người từng giữ các vị trí cấp cao tại Tesla và Apple. Trong một cuộc phỏng vấn, ông Field, người làm việc tại Ford thời kỳ đầu cho biết ông đã có cơ hội xây dựng một nhóm công nghệ tại một công ty có chuyên môn hàng thế kỷ về sản xuất và kỹ thuật. “Nếu chúng ta có thể kết hợp những thứ đó lại với nhau sẽ tạo thành một điều gì đó đáng gờm”.

Vào tháng 3 vừa qua, Ford đưa ra thông báo rằng họ đang tách thành hai bộ phận. Bộ phận đầu tiên là Ford Blue, sẽ tiếp tục sản xuất các mẫu xe động cơ đốt trong và một bộ phận khác, và bộ phận E, do ông Farley và ông Field đứng đầu, sẽ tham gia vào việc phát triển xe điện.

Cho đến nay các nhà đầu tư vẫn rất ủng hộ chiến lược của ông Farley. Trước khi xung đột Nga – Ukraine xảy ra, cổ phiếu của Ford đã giao dịch ở mức 25 USD, tăng hơn 300% kể từ khi ông Farley lên nắm quyền lãnh đạo, tuy nhiên giờ đây đã giảm còn khoảng 15 USD. Mặc dù vậy nhưng giá trị thị trường của Ford hiện vượt xa giá trị của GM, vốn được coi là nhà sản xuất ô tô lớn nhất của Mỹ.

Tuy nhiên phố Wall vẫn nghĩ rằng Tesla, công ty có giá trị hơn 1 nghìn tỉ USD sẽ thống trị ngành công nghiệp và các công ty như Ford, trị giá 62 tỉ USD và GM với 58 tỉ USD sẽ trở nên tương đối nhỏ. Bởi vậy không có gì ngạc nhiên khi ông Farley dành phần lớn thời gian của mình dành cho Lightning.

Trong một bữa tối gần nhà ở Birmingham, phía bắc Detroit, ông rút điện thoại ra và lướt qua một email dài mà ông nhận được vào buổi tối, với các cập nhật về mọi khía cạnh của kế hoạch ra mắt như: phần mềm, sản xuất, pin, chip, lắp ráp thân máy... ông vừa đọc vừa nói to. Gần đây, mỗi ngày ông nhận được ít nhất 2 bản báo cáo cập nhật như vậy.

Tuy nhiên chip lại là vấn đề đáng quan tâm hơn, tình trạng thiếu hụt đã làm gián đoạn sản xuất ô tô trên toàn cầu trong hơn 1 năm qua. Bên ngoài nhà máy sản xuất xe tải ở Dearborn, vài trăm chiếc xe tải chạy bằng xăng F-150 đang đậu và chờ một bộ phận nhỏ nữa để xuất xưởng vì thiếu chip, tuy nhỏ nhưng là bộ phận rất quan trọng – thiết bị điều khiển kính chắn gió tự động, cần gạt nước.

Trước khi lái thử, ông Farley đã tham quan dây chuyền lắp ráp chiếc Lightning để ước tính khối lượng công việc còn lại. Tại một phần của dây chuyền sản xuất, ông đã được xem những đường trượt robot tự dẫn mới mang theo giường hoặc hộp thép do chiếc xe điện Lightning đưa từ trạm làm việc này sang trạm làm việc tiếp theo, loại bỏ sự cần thiết của một hệ thống băng tải trên cao rất tốn kém và phức tạp.

Bill Dorley, Trưởng bộ phận lắp ráp đã báo cáo với ông Farley rằng mọi thứ đã sẵn sàng, chỉ còn thiếu 1 vài bộ phận.

Khi ông Farley di chuyển dọc theo dây chuyền lắp ráp, các công nhân liên tục vẫn tay chào và chụp ảnh với vị CEO của mình. Trò chuyện với một nhóm công nhân, ông hỏi han họ rằng họ đang làm thế nào và họ cần những gì.

Ngay bên ngoài khu vực đó của nhà máy, những cỗ máy đang phá dỡ những bức tường và sàn bê tông của một toà nhà được xây dựng vào những năm 1930 để sản xuất Ford Model A. Không gian đó sẽ cho phép công ty mở rộng sản xuất mẫu Lightning.

Huyền Như
Nguồn CafeF