Ngân hàng mở cuộc đua tài chính

Ngân hàng mở cuộc đua tài chính

Quy mô gia tăng cùng áp lực lợi nhuận buộc các ngân hàng chạy đua đa dạng hoá sản phẩm đầu tư tài chính.

VPBank mới đây tiếp tục lên kế hoạch tăng mạnh vốn điều lệ lên gần 80.000 tỉ đồng. Không chỉ tăng quy mô vốn điều lệ, VPBank còn lên nhiều kế hoạch tham vọng khác như mua lại gần như toàn bộ vốn của Công ty Bảo hiểm Opes. Theo đó, VPBank tiếp tục tiến sâu vào thị trường bảo hiểm, cả phân khúc bảo hiểm nhân thọ lẫn phi nhân thọ khi có cả hợp đồng phân phối bảo hiểm nhân thọ độc quyền với AIA. Ngân hàng này cũng lấn sân vào mảng kinh doanh chứng khoán, trái phiếu khi đã mua phần lớn cổ phần Công ty Chứng khoán ASC và đổi tên thành VPBank Securities.

Cũng như VPBank, MB đang mở rộng hoạt động trong mảng tài chính. Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2021, ông Lưu Trung Thái, Tổng Giám đốc MB, khẳng định, định hướng của ngân hàng này là xây dựng và triển khai mô hình tập đoàn tài chính ngân hàng. Hiện MB có tới 6 công ty con: Công ty Mua bán nợ MB AMC, Công ty Chứng khoán MBS, Công ty Quản lý Quỹ đầu tư MB (MB Capital), Công ty Cổ phần Bảo hiểm Quân Đội (MIC), Công ty Bảo hiểm Nhân thọ MB Ageas, Công ty Tài chính MB Shinsei.

Nhiều năm qua, thị trường ghi nhận sức bật mạnh mẽ của các ngân hàng tư nhân như VPBank hay MB. Cụ thể, VPBank có mức tăng mạnh nhất năm 2021, lên tới 41%, tương đương tổng tài sản 292.827 tỉ đồng; Techcombank tăng 32,4% từ mức 429.603 tỉ đồng lên 568.811 tỉ đồng; MB tăng 22,6% từ 494.982 tỉ đồng lên 607.140 tỉ đồng...

Nhìn vào cơ cấu nguồn thu của các ngân hàng, có thể nhận thấy rõ xu hướng chuyển dịch danh mục tín dụng sang những lĩnh vực có tỉ suất sinh lời cao và ít rủi ro như bán lẻ. Bên cạnh đó, nguồn thu từ các hoạt động ngoài lãi (non-NII) của các ngân hàng trong nhiều quý trở lại đây như kinh doanh bảo hiểm, phát triển các hoạt động thanh toán, quản lý tài sản, mua bán chứng khoán, ngoại hối... được chú trọng đẩy mạnh hơn.

Thực tế, năm 2021, thu nhập phí, trong đó có bán chéo bảo hiểm (bancassurance) trở thành điểm sáng của nhiều ngân hàng. Công ty Chứng khoán VCBS thống kê doanh số bán bảo hiểm của 14 ngân hàng tham gia cho thấy, hơn 10.200 tỉ đồng đã chảy qua kênh bancassurance trong 10 tháng năm 2021. Ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng Giám đốc OCB, cho biết, năm qua thu từ mảng bảo hiểm đóng góp gần 300 tỉ đồng vào tổng lợi nhuận 5.519 tỉ đồng trước thuế năm 2021. Bancassurance sẽ trở thành sản phẩm có thể bổ trợ cho hệ sinh thái bên cạnh tín dụng, đầu tư... của ngân hàng này.

Hiện nay, tình hình kinh doanh của các ngân hàng vẫn đang khả quan. Chẳng hạn, trong 13 ngân hàng được SSI ước tính lợi nhuận quý I, có 12/13 ngân hàng được dự báo kết quả lợi nhuận tăng trưởng dương gồm ACB, BIDV, HDBank, MB, MSB, Sacombank, Techcombank, TPBank, Vietcombank, VIB, VPBank, SHB. Nhu cầu tín dụng tiếp tục ở mức cao nhờ nền kinh tế hồi phục và gói hỗ trợ 350.000 tỉ đồng trong 2-3 năm tới là cơ sở để các ngân hàng đưa ra mục tiêu lợi nhuận tham vọng.

Theo ông Từ Tiến Phát, Tổng Giám đốc ACB, hoạt động năm nay dù khó khăn hơn, nhưng vẫn có cơ hội nhờ kinh tế thế giới tiếp tục đà phục hồi và kinh tế trong nước đã xuống đáy sẽ đi lên nhanh hơn. Nhu cầu tín dụng sẽ tăng cao, nhất là từ quý II, do đó đòi hỏi sự chuẩn bị dài hạn hơn về nguồn vốn. Lãnh đạo VIB dự kiến lợi nhuận năm 2022 ở mức 10.500 tỉ đồng, tăng 31% so với năm 2021. ACB có kế hoạch lợi nhuận trước thuế năm 2022 tăng 25%, lên 15.018 tỉ đồng...

Mặc dù vậy, trong bối cảnh phải đối diện với sức ép cạnh tranh dòng tiền, nhiều ngân hàng có khả năng phải tăng lãi suất để tạo sức hấp dẫn với người gửi tiền, nhưng lãi suất đầu ra khó tăng đang đặt ra bài toán khó trong việc duy trì biên lợi nhuận cao.

Trong khi đó, quy mô của các ngân hàng ngày càng lớn, nhu cầu của nhà đầu tư cũng ngày càng đa dạng buộc ngân hàng phải đa dạng hoá sản phẩm đầu tư tài chính phục vụ nhà đầu tư và gia tăng lợi nhuận. Trong xu hướng đa dạng hoá lĩnh vực kinh doanh, nhiều ngân hàng ngày càng hướng tới mô hình ngân hàng đầu tư mở rộng hay tập đoàn tài chính.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, hoạt động ngân hàng đầu tư mở rộng sẽ gây ra nhiều hệ luỵ như ngân hàng mang tiền gửi của người dân đi kinh doanh cổ phiếu, trái phiếu, rót vốn cho các dự án bất động sản. Nhất là trong bối cảnh những cơ chế, chính sách thí điểm xử lý nợ xấu nếu không được tiếp tục triển khai thì tổ chức tín dụng rất khó khăn trong việc xử lý các khoản nợ xấu theo Nghị quyết số 42, khi đó dự kiến nợ xấu có thể tăng lên mức 430.000 tỉ đồng vào cuối năm 2022 và 453.000 tỉ đồng vào cuối năm 2024. Trái phiếu doanh nghiệp cũng đang là rủi ro lớn cho nhiều ngân hàng, đặc biệt là trái phiếu bất động sản.

Minh Đức
Nguồn Nhịp cầu Đầu tư