Bánh Việt Nam chen chân tìm chỗ đứng

Bánh Việt Nam là tên mà ông Kao Siêu Lực, tổng giám đốc doanh nghiệp tư nhân bánh kẹo Á Châu (ABC) đặt cho dòng sản phẩm mới của mình ra mắt người tiêu dùng chính thức từ tháng 7/2013.

Không phải không tìm được một tên riêng cho dòng bánh mới, nhưng gọi "bánh Việt Nam" vì ông Lực muốn khẳng định đây là bánh của người Việt Nam làm từ công thức của chính người Việt Nam phát kiến.

Ngày 16/7/2013, ABC đã giới thiệu mười sản phẩm mới trong dòng "bánh Việt Nam". Ông Kao Siêu Lực hứa sẽ cho ra đời 15 sản phẩm nữa cho nhãn hiệu bánh mới này. Người tiêu dùng đã quen thuộc với bánh ABC thấy mỗi năm ABC đều có bánh mới, nhưng đây là lần đầu tiên, ông Lực chia sẻ thông tin về sản phẩm mới.

Khẳng định trình độ làm bánh

Ông tâm sự, sau khi nghiên cứu thành công phương pháp mới lên men và ủ bánh, ông đã vội vàng chia sẻ niềm vui của mình cho các đồng nghiệp và được những nhà làm bánh chuyên nghiệp thế giới công nhận về chất lượng bánh từ phương pháp mới ấy.

Những cộng sự của ông ở ABC "lên tiếng" rằng phải ưu tiên giới thiệu công thức, phương pháp làm bánh mới này ở Việt Nam để người Việt Nam biết.

Qua một lúc giật mình, ông thấy mình có lỗi không chia sẻ với người tiêu dùng trong nước, và quyết định đưa dòng sản phẩm mới ra mắt và công bố sáng kiến của mình.

Ông Lực kể qua nhiều lần đi học hỏi phương pháp làm bánh mới ở Nhật, Pháp, Mỹ... và tham gia làm giám khảo ở một cuộc thi làm bánh quốc tế, ông nhận thấy những nhà làm bánh nước ngoài đã làm ra những loại bánh rất ngon bằng những phương pháp ủ bột. Mỗi lần như thế, ông đều mang những điều mới về ứng dụng vào sản xuất.

Thế nhưng, ông cũng chưa cảm thấy nó thật sự là điều ông tìm kiếm. Trong một lần vào phân xưởng làm bánh nhân táo, ông chợt cảm nhận một mùi thơm đặc biệt và nghĩ đến việc lấy táo lên men và dùng nó ủ bột để có hương vị thật khác biệt. Mang các loại táo khác nhau đi thử lên men với đường, với mật ong.

Cuối cùng, ông chọn được hương vị men ưng ý nhất từ loại táo xanh lên men với mật ong. Men này được đưa vào ủ bột từ 12 – 24 tiếng trước khi đưa bột ra làm bánh.

Miệt mài trong một năm, ông vui mừng khi những chiếc bánh mì đầu tiên ra lò từ công thức mới do ông nghiên cứu đã cho đúng hương vị mong muốn và đạt được yêu cầu bánh mềm, mịn, có độ dai không làm bánh dễ vụn; và cho dù không sử dụng thêm bất kỳ phụ gia, chất bảo quản nào nhưng bánh có thể bảo quản với thời gian lâu hơn so với bánh trước kia.

Được đồng nghiệp quốc tế công nhận và thực sự thành công khi đưa vào sản xuất với số lượng lớn, ABC nghĩ đến chuyện đặt tên cho dòng sản phẩm mới. Vì sao không tự hào đây là sản phẩm được tạo ra từ sự sáng tạo, tâm huyết của những người Việt Nam trong ABC? Các cộng sự đã nhất trí với ông Lực đặt tên "bánh Việt Nam" như một sự khẳng định trình độ kỹ thuật làm bánh của Việt Nam.

Ông Lực cho biết, ông đang tiếp tục nghiên cứu lên men nho để sử dụng ủ bột. Nho xanh đang được trồng ở Việt Nam khá nhiều, nếu thành công sẽ là một cách góp phần đưa trái cây Việt Nam vào sản phẩm.

Ông cũng đã nghiên cứu thành công việc sử dụng gạo huyết rồng làm bánh. Ông nghĩ một ngày nào đó ông sẽ tự hào công bố chiếc bánh của ABC hoàn toàn 100% Việt Nam từ nguyên liệu, men đến chất xám của người Việt Nam.

Bánh tươi Việt Nam cho nước ngoài

Chia sẻ định hướng phát triển trong tương lai của ABC, ông Lực cho biết có ba việc phải làm: thêm xưởng sản xuất mới; thêm sản phẩm mới; tăng thị trường xuất khẩu.

Hai xưởng sản xuất cung ứng cho thị trường nội địa và xuất khẩu hiện nay đã quá tải. ABC đang triển khai xưởng sản xuất mới, vốn đầu tư khoảng 4 triệu USD, dự kiến cuối năm nay sẽ đưa vào hoạt động.

Sản phẩm mới sẽ có 15 sản phẩm của dòng bánh Việt Nam cho thị trường nội địa và các loại bánh đông lạnh cho thị trường xuất khẩu. Sản phẩm bánh đông lạnh của ABC đã xuất sang Nhật, Anh, Úc. Ở Campuchia, ABC đã có năm cửa hàng bánh, dự kiến mở thêm năm cửa hàng trong hai năm tới.

Mười năm qua, ABC đã là nhà cung cấp bánh mì tròn dùng làm hamburger và bánh mì sandwich cho các cửa hàng thức ăn nhanh của nhiều thương hiệu quốc tế nổi tiếng như KFC, Lotteria, Jollibee...

Nếu như mười năm trước, số lượng bánh cung cấp cho những chuỗi cửa hàng thức ăn nhanh trên chỉ chiếm 2% sản lượng, doanh thu của ABC thì nay đã chiếm đến 25%.

Bà Nguyễn Thị Khánh, Phó chủ tịch hiệp hội Du lịch TP.HCM đã đặt hàng ABC cùng với hội Đầu bếp chuyên nghiệp Sài Gòn nghiên cứu nâng cấp hương vị cũng như hình ảnh các loại bánh truyền thống Việt Nam, để ngành du lịch có sản phẩm giới thiệu cho du khách nước ngoài thưởng thức và làm quà tặng.

Giá cạnh tranh

Giá của mười sản phẩm (mười loại nhân bánh khác nhau) bánh Việt Nam mới ra mắt chỉ 10.000 – 12.000 đồng/cái. Sở dĩ có giá như vậy, theo ông Lực là do tiết kiệm được chi phí từ chính những sáng kiến của ABC, mặt khác cũng do một số thiết bị làm bánh ABC tự sáng chế.

Vốn là một thợ cơ khí trước khi vào nghề làm bánh nên ông Lực biết một số kỹ thuật chế tạo máy. Qua thời gian nhập toàn bộ máy móc thiết bị nước ngoài, ông nhận ra một số khuyết điểm của dây chuyền nhập khi đưa vào vận hành.

Ông mời một số thợ cơ khí giỏi cùng ông phân tích những khuyết điểm của thiết bị, rồi tự chế tạo ra một số loại máy phù hợp với yêu cầu sản xuất sản phẩm có độ đồng đều chính xác hơn. Những nhà làm bánh nước ngoài khi tham quan xưởng sản xuất của ABC đã thích thú với những chiếc máy này, đã đặt ABC làm cho họ.

Ông Lực không ngại chia sẻ công nghệ, kỹ thuật với đồng nghiệp nước ngoài, ABC đã làm và xuất cho những nhà làm bánh ở Đài Loan, Philippines, Singapore.

Ông Lực tâm sự có chia sẻ thì ngành làm bánh mới phát triển được. Hiện nay, thị trường Việt Nam xuất hiện ngày càng nhiều các thương hiệu bánh tươi nước ngoài, nhưng ông tin người tiêu dùng sẽ chọn ai làm bánh có hương vị hợp khẩu vị của mình.

Đối với ngành làm bánh tươi trong nước, ABC vẫn lạc quan trong hành trình chinh phục người tiêu dùng, sẽ tiếp tục nghiên cứu từ công thức, kỹ thuật làm bánh mới, đến công nghệ, máy móc thiết bị làm bánh.

Ông nghĩ đó là những cách "khiêu chiến" cho thị trường bánh Việt Nam sôi động lên, ngành bánh tươi của Việt Nam phát triển mạnh hơn, thì không ngại sự thâm nhập của các thương hiệu nước ngoài.

Nguồn Chiến lược Marketing