Kinh tế TP.HCM phục hồi, Vạn Thịnh Phát và 2 đối tác Châu Á xúc tiến đầu tư vào TP.HCM

Kinh tế TP.HCM phục hồi, Vạn Thịnh Phát và 2 đối tác Châu Á xúc tiến đầu tư vào TP.HCM

Việc mở cửa lại đường bay quốc tế kết hợp với chương trình “Hộ chiếu Vaccine” mang đến cơ hội vàng cho nền kinh tế TP.HCM phục hồi mạnh mẽ.

Từ cuối năm 2021, khi dịch bệnh cơ bản được kiểm soát, kinh tế được mở cửa trở lại, TP.HCM đã bắt đầu xuất hiện nhiều hơn các tín hiệu khởi sắc. Quý I/2022, tốc độ tăng trưởng GDP ước đạt 1,88% sau 2 quý trước đó tăng trưởng âm. TP.HCM đang tìm kiếm những cơ hội vàng để tái thiết và tạo sức bật cho chu kỳ tăng trưởng mới.

Kỳ vọng các đề án lớn

Tình hình dịch bệnh trong năm 2021 vừa qua đã có tác động tiêu cực đến kinh tế. Tuy nhiên, với việc thúc đẩy tiêm chủng nhanh chóng, Việt Nam đứng thứ 3 trong số các quốc gia đạt tỉ lệ tiêm chủng nhanh nhất thế giới, chỉ sau Trung Quốc và Ấn Độ. Đồng thời, việc mở cửa lại đường bay quốc tế từ ngày 15/3/2022, kết hợp với chương trình “Hộ chiếu Vaccine” mang đến cơ hội vàng cho nền kinh tế TP.HCM phục hồi mạnh mẽ.

Một trong những ngành chịu thiệt hại nặng nề nhất là du lịch đã bắt đầu có nhiều tín hiệu khởi sắc khi người dân tăng cường tần suất du lịch trở lại. Bên cạnh nhóm khách lẻ, thị trường còn ghi nhận sự bứt phá của du lịch MICE. Theo đó, chỉ trong 2 tháng đầu năm 2022, Vietravel và Saigontourist đã lần lượt phục vụ 9.000 và 13.000 lượt khách du lịch MICE trong nước.

Có thể thấy với tiềm năng tăng trưởng của đầu tàu kinh tế lớn nhất nước và kế hoạch đẩy mạnh đầu tư công của TP.HCM là động lực thúc đẩy các doanh nghiệp trong và ngoài nước đặt niềm tin vào tương lai mới bừng sáng của thành phố. Từ mức giảm sâu ở quý III, IV/2021, đến nay, kinh tế TP.HCM đã dần ổn định và phục hồi tăng trưởng dương, cho thấy dư địa, tiềm lực và sức sống của doanh nghiệp kinh doanh khá tốt.

Trong quý I, thành phố công bố hàng loạt đề án quy hoạch trọng điểm về phát triển đô thị để khơi thông nguồn lực đầu tư toàn xã hội. Điển hình là ban hành 2 nghị quyết chuyên đề về thành phố. Thủ Đức và huyện Cần Giờ nhằm tập trung nguồn lực, đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền để 2 địa phương này phát triển và tạo thành động lực tăng trưởng mới cho thành phố trong tương lai. Trong đó, Thủ Đức được kỳ vọng trở thành khu đô thị sáng tạo tương tác cao phía Đông và huyện Cần Giờ được định hướng phát triển thành khu đô thị sinh thái biển, trở thành Quận hoặc Thành phố trực thuộc TP.HCM trong giai đoạn 2025-2030.

Tại Hội nghị xúc tiến đầu tư vào huyện Hóc Môn – Củ Chi năm 2022, tổng số vốn mà các nhà đầu tư cam kết lên đến gần 17 tỉ USD. TP.HCM cũng đưa ra định hướng phát triển khu vực này trở thành khu đô thị sầm uất phía Tây Bắc.

Nhiều dự án hạ tầng giao thông quan trọng được khởi động để làm bàn đạp cho tăng trưởng dài hạn. Đơn cử là đề án mở đường từ TP.HCM đi Long An và Tiền Giang chạy dọc theo quốc lộ 50B với giá trị 18.600 tỉ đồng, khởi động đường Vành đai 3. Ngày 30/4, cầu Thủ Thiêm 2 chính thức thông xe, đánh dấu một cột mốc quan trọng trong chiến lược hoàn thiện hạ tầng của thành phố.

Còn ở khu Đông, Tổng Công ty Cảng Hàng không Việt Nam cùng các nhà thầu với hơn 1.000 công nhân và kỹ sư đang làm hết công suất để rút ngắn tiến độ, kịp đưa giai đoạn 1 của Cảng Hàng không Quốc tế Long Thành đi vào hoạt động vào 2025, mang tới cơ hội cất cánh cho kinh tế của thành phố.

Những tín hiệu lạc quan

Hiện nguồn vốn đầu tư công của TP.HCM chưa thể đáp ứng đủ nhu cầu đầu tư lớn trên địa bàn thành phố. Trong khi đó, dù vẫn nằm trong nhóm dẫn đầu các tỉnh, thành về thu hút nguồn vốn FDI nhưng TP.HCM đang có dấu hiệu tụt lại so với các địa phương khác. Đơn cử năm 2021, thu hút lượng vốn FDI lên đến hơn 3 tỉ USD trong bối cảnh chịu nhiều ảnh hưởng từ dịch bệnh nhưng TP.HCM chỉ về đích thứ 3 sau Hải Phòng và Long An.

Vì vậy, đây là thời điểm lãnh đạo thành phố cùng các doanh nghiệp xem xét hướng phát triển tiếp theo trong bối cảnh cạnh tranh thu hút đầu tư trong và ngoài nước cũng như thu hút nhân lực đang diễn ra gay gắt trên toàn khu vực. Dự kiến giai đoạn 2021-2025, TP.HCM sẽ kêu gọi đầu tư theo phương thức đối tác công tư các dự án trọng điểm. Đồng thời đẩy mạnh thu hút vốn đầu tư vào các lĩnh vực hỗ trợ phục hồi kinh tế.

Trong bối cảnh này, ngày 13/4/2022, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân TP.HCM Phan Văn Mãi cùng các lãnh đạo sở, ngành đã có buổi tiếp và làm việc với các tập đoàn hàng đầu Châu Á như ORIX Corporation (Nhật), CK Asset Holdings Limited Group (Hồng Kông), Vạn Thịnh Phát (Việt Nam) để xúc tiến triển khai các chương trình quan trọng nhằm đẩy mạnh tái thiết kinh tế, xã hội TP.HCM hậu COVID-19.

ORIX Corporation là tập đoàn toàn cầu có lịch sử lâu đời tại Nhật với gần 60 năm xây dựng, phát triển. Tính đến cuối năm 2021, ORIX Corporation quản lý quỹ tài sản lên đến 400 tỉ USD, hơn 33.000 nhân viên, doanh thu đạt hơn 13.5 tỉ USD, tổng tài sản đạt 91 tỉ USD và vốn sở hữu 24 tỉ USD. Tập đoàn CK Asset Holdings Limited là một trong những tập đoàn lớn mạnh nhất Hồng Kông do Tỉ phú Lý Gia Thành sáng lập.

Ông Justin Chiu, Giám đốc Điều hành của CK Asset Holdings Limited.

Trương Huệ Vân, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn Vạn Thịnh Phát cho biết: “Chúng tôi luôn mong muốn làm sao để có thể kết nối mọi nguồn lực, khơi thông mọi nguồn vốn đầu tư để đất nước được hấp thu cơ hội mới, đưa tất cả tiềm năng sẵn có vượt qua các giới hạn để được phát triển đúng với vị thế của thành phố kinh tế đầu tàu cả nước”.

Chia sẻ cùng các doanh nghiệp, Lãnh đạo Ủy ban Nhân dân TP.HCM cam kết sẽ đồng hành với các nhà đầu tư, kịp thời tháo gỡ khó khăn vướng mắc và tạo mọi điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và nhà đầu tư để xây dựng TP.HCM trở thành đầu tàu kinh tế của cả nước với các chương trình đầu tư mang tính sáng tạo, tinh hoa và đột phá cao.

Nguồn Nhịp cầu Đầu tư