Vàng tấn self care

Vàng tấn self care

Tự chăm sóc sức khoẻ (self care) cùng các tiến bộ trong y sinh, gen... đang thay đổi tương lai của ngành y tế.

Sau dịch bệnh, áp lực dân số già và biến đổi khí hậu đang khiến ngành chăm sóc sức khoẻ ở Việt Nam được quan tâm hơn bao giờ hết. Nguồn lực xã hội đổ vào lĩnh vực chăm sóc sức khoẻ nhiều biến đổi và đang định hình lại bức tranh ngành y tế trong tương lai.

Làn sóng “tự chăm sóc sức khoẻ”

Trong những người đã bị nhiễm COVID-19, ở chủng người Châu Á, tỉ lệ bị đột quỵ tăng gấp 6 lần, độ tuổi trung bình người bị đột quỵ trẻ hơn trước đại dịch rất nhiều, ở nhóm người có bệnh nền và người bị COVID-19 nặng cũng có tỉ lệ đột quỵ tăng gấp 6 lần. Trong hơn 2.000 bệnh nhân ung thư tham gia khảo sát của Gene Solutions, có đến 35% không còn đủ tiền mua thuốc sau 1 năm điều trị… Đó là những thông tin được cập nhật tại Hội nghị khoa học sức khoẻ “Đúc vàng cho sức khoẻ” do Tạp chí NCĐT tổ chức vào cuối tháng 3.

Những con số cho thấy gánh nặng của hệ thống y tế công cũng như của mỗi cá nhân khi đương đầu với bệnh tật tại Việt Nam. Nếu không có giải pháp kịp thời, người dân Việt Nam phải đối mặt với “rủi ro kép” từ sự quá tải của hệ thống y tế và chi phí chữa bệnh gia tăng. “Hàng tỉ USD được tiết kiệm mỗi năm nếu Việt Nam thúc đẩy chương trình tự chăm sóc sức khoẻ lên mức độ tương đương với thế giới”, ông Kevin Doak, Tổng Giám đốc ngành hàng chăm sóc sức khoẻ người tiêu dùng, Tập đoàn Sanofi tại Việt Nam và Campuchia, nhấn mạnh.

Tự chăm sóc sức khoẻ (self care) đã trở thành khái niệm quen thuộc ở nhiều nước, được hiểu là mọi người có khả năng tự chăm sóc sức khoẻ, tự đáp ứng các nhu cầu cơ bản có tính cấp bách của bản thân và tự kiểm soát các bệnh lý mãn tính.

Nếu biết cách tận dụng chương trình này, Chính phủ sẽ có cơ hội trang bị kiến thức cho người dân, hướng dẫn cho họ về cách tự chăm sóc sức khoẻ bản thân thay vì dồn hết gánh nặng lên nguồn lực quốc gia.

Theo kết quả phân tích trong báo cáo mới đây của Sanofi và KPMG, nếu Việt Nam vận dụng các chính sách thúc đẩy việc tự chăm sóc sức khoẻ lên mức độ gần bằng hoặc tương đương với các thị trường khác trên toàn cầu, Việt Nam có thể tiết kiệm được từ 2,5-4,2 tỉ USD mỗi năm. Nếu mở rộng phép tính ra đến năm 2025, hiệu quả kinh tế ước tăng lên đến con số 6 tỉ USD mỗi năm.

Tự chăm sóc sức khoẻ cũng là xu hướng bền vững của thế giới, đang tạo ra những hiệu ứng tích cực mạnh mẽ. Chẳng hạn, với mỗi 1 USD chi ra cho hệ thống thuốc không kê đơn, thay vì cho hệ thống thuốc kê đơn, hệ thống y tế Mỹ tiết kiệm được 7 USD. Châu Âu chuyển hướng từ đầu tư cho thuốc kê đơn sang đầu tư cho thuốc không kê đơn, với tỉ lệ đầu tư chuyển là 5% thì hệ thống y tế Châu Âu mỗi năm tiết kiệm được tới 16 tỉ EUR.

Theo báo cáo của KPMG và Sanofi, hiện tại, các bệnh viện Việt Nam đang phải đón nhận đến 50% số lượt thăm khám, đồng thời phải chịu đến 95% chi phí bảo hiểm y tế toàn quốc. Bệnh viện ở Việt Nam cũng là nơi tập trung thực hiện hầu hết các hoạt động y tế như xét nghiệm và kê đơn. Nếu Việt Nam không tìm ra các mô hình chăm sóc sức khoẻ mới, tình trạng lệ thuộc và đổ dồn trách nhiệm quá mức cho hệ thống bệnh viện sẽ nhanh chóng làm cạn kiệt nguồn ngân sách hiện có của đất nước. Đây là xu hướng đáng lưu ý khi tỉ lệ tăng trưởng kép hằng năm (CAGR) về các lượt điều trị nội trú từ năm 2013 tại Việt Nam đã cao gấp đôi so với lượt điều trị ngoại trú. Thời gian nằm viện trung bình của người dân Việt Nam là 6,7 ngày (cao thứ nhì khu vực ASEAN).

“Hơn 80% ca ung thư ở Việt Nam được phát hiện ở giai đoạn muộn, ước tính 35% trong số đó không còn đủ tiền mua thuốc sau 1 năm điều trị”, bác sĩ Nguyễn Hữu Nguyên, đồng sáng lập Gene Solutions, chia sẻ ví dụ cụ thể trong lĩnh vực mình đang nghiên cứu. Trong báo cáo của Sanofi, Tiến sĩ, Bác sĩ Mason L. Cobb, FACS, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Phòng khám Quốc tế Victoria Healthcare, nhận định: “Các mô hình y tế bền vững nhất thế giới có một điểm chung là được xây dựng dựa trên một nền tảng thiết lập chung, cơ chế hỗ trợ 2 chiều, đảm bảo sự cân bằng giữa nguồn quỹ hỗ trợ từ ngân sách nhà nước và trách nhiệm của từng công dân đối với mục tiêu sức khoẻ. Hệ thống y tế quốc gia sẽ đối diện với nhiều khó khăn nếu như các nước đặt quá nhiều gánh nặng lên 1 trong 2 cán cân này”.

Chỉ số DALY đè nặng nguồn lực quốc gia

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã đưa ra chỉ số DALY (Số năm sống được điều chỉnh theo mức độ bệnh tật). DALY là thước đo gánh nặng bệnh tật tổng thể, được biểu thị bằng số năm bị mất đi do sức khoẻ kém, khuyết tật hoặc chết sớm. Tổng của các DALY trên toàn dân hoặc gánh nặng bệnh tật, có thể được coi là thước đo khoảng cách giữa tình trạng sức khoẻ hiện tại và tình trạng sức khoẻ lý tưởng khi toàn bộ dân số sống đến tuổi cao, không mắc bệnh và khuyết tật.

Theo tính toán của KPMG, đến năm 2025, chỉ số DALY gây ra bởi các bệnh không lây nhiễm tại Việt Nam dự kiến sẽ tăng với tỉ lệ tăng trưởng kép hằng năm (CAGR) lên tới 2,1%, tương ứng với 19 triệu năm tổng tuổi thọ dân số hằng năm sẽ bị mất. Các bệnh lý không lây nhiễm là tác nhân gây ra gần 75% gánh nặng bệnh tật. Rõ ràng, Việt Nam sẽ cần phải tăng cường đầu tư cho lĩnh vực y tế thì mới có thể đạt được tầm nhìn 4.0 về phát triển nguồn nhân lực quốc gia. Chỉ số chi tiêu ngân sách cho y tế Việt Nam hiện chưa đạt con số 10% theo như khuyến nghị của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD). Trong khi đó, tuổi thọ dân số và tình trạng sức khoẻ của người dân hiện tại sẽ là thách thức khiến cho Việt Nam khó có thể vươn lên nhóm quốc gia có thu nhập cao.

Tương tự như nhiều quốc gia trong nhóm đang phát triển, Việt Nam phải đương đầu với nhiều thách thức về nhân khẩu học – yếu tố đang gây áp lực đối với công tác đảm bảo tài chính cho y tế quốc gia. Ví dụ, mức chi trả bằng tiền túi cho dịch vụ y tế của Việt Nam chiếm đến 45% tổng chi tiêu y tế (so với chỉ số mục tiêu được WHO khuyến nghị chỉ là 20%), trong khi đó gần phân nửa số lượt thăm khám ngoại trú đều dồn về các bệnh viện. Trong thập niên tới, tỉ lệ phần trăm người dân trong độ tuổi từ 65 trở lên sẽ tăng gấp đôi so với hiện nay. Thực tế đó càng khó khăn hơn khi các bệnh lý liên quan đến lối sống ngày càng phổ biến ở Việt Nam.

Tự chăm sóc sức khoẻ sẽ giúp ngành y tế tiết kiệm hàng tỉ USD mỗi năm.

Việt Nam có tiềm năng hưởng nhiều lợi ích kinh tế khi triển khai chương trình tự chăm sóc sức khoẻ bằng cách nâng cao hiểu biết y tế của quốc gia và mở rộng cơ hội tiếp cận với các phương pháp điều trị nhằm giúp tiết kiệm chi phí. Theo ước tính, với giải pháp này, ngân sách hệ thống y tế quốc gia có thể tiết kiệm lên đến 0,6 tỉ USD nhờ cắt giảm các khoản phí y tế không cần thiết. Để đạt được kết quả khả quan trên trong bối cảnh hiện tại, Việt Nam có thể phát động lối sống lành mạnh trong cộng đồng, thúc đẩy người dân sử dụng các liệu pháp có chi phí chăm sóc hiệu quả như việc sử dụng thuốc OTC, tự chăm sóc sức khoẻ với các bệnh lý nhẹ.

Việt Nam có thể học hỏi kinh nghiệm của nhiều nước trong nỗ lực triển khai giải pháp này. Chẳng hạn, ở Nhật, luật cho phép quảng bá thông tin thuốc OTC qua hệ thống thương hiệu, vì vậy mà các chương trình giáo dục nhận thức cộng đồng về việc tự chăm sóc sức khoẻ đã tăng vọt gấp 10 lần về độ đa dạng và phổ biến. Theo ước tính, hệ thống y tế Nhật tiết kiệm được gần 1 tỉ USD nhờ chương trình này.

Khối doanh nghiệp/ tổ chức y tế nhà nước và tư nhân có thể hợp tác với nhau trong các chiến dịch tăng cường nhận thức cộng đồng. Một yếu tố khác có vai trò liên hệ, gắn kết việc sử dụng cơ sở hạ tầng hiện có với hiểu biết về chăm sóc sức khoẻ, đó là xu hướng sử dụng nền tảng kỹ thuật số. Hiện trên thế giới đã có hơn 100.000 ứng dụng điện thoại chuyên biệt về lĩnh vực chăm sóc sức khoẻ, được phân loại các ứng dụng theo từng nhóm bệnh và việc tự chăm sóc sức khoẻ.

Ông Karim Mohamad Zakirul, Giám đốc Điều hành Cấp cao, Quản trị chất lượng lâm sàng, Tập đoàn Y khoa Hoàn Mỹ, cho rằng, chuyển đổi số đang trở thành xu hướng lớn trong các hệ thống bệnh viện. “Bạn không thể tưởng tượng làm thế nào để quản lý 15 bệnh viện, 7 phòng khám và hơn 3,3 triệu bệnh nhân mà không có một nền tảng kỹ thuật số duy nhất. Bên cạnh đó, chúng ta đang phụ thuộc phần lớn vào bảo hiểm y tế xã hội. Đó là lý do tại sao chúng tôi sẽ triển khai nhiều dịch vụ trong hệ sinh thái của mình để giảm chi phí và tăng cường năng lực về khám lâm sàng. Gần đây, chúng tôi đã giới thiệu ứng dụng sức khoẻ quản lý thông tin bệnh nhân, sức khoẻ di động, chăm sóc tại nhà và thử nghiệm chăm sóc sức khoẻ từ xa”.

Cuộc cách mạng ngừa bệnh từ sớm

Cách đây chưa lâu, WHO ước tính con người có thể phòng ngừa đến 80% các bệnh mãn tính. Điều đó đòi hỏi nền y tế có đủ năng lực chẩn đoán, phát hiện bệnh sớm. Bác sĩ Nguyễn Hữu Nguyên cho biết đội ngũ nghiên cứu khoa học của Công ty Gene Solutions vừa giới thiệu công nghệ sinh thiết lỏng SPOT-MAS sau khi nghiên cứu 1.600 nhóm bệnh chứng và cơ sở dữ liệu bộ gen lớn của hơn 20.000 bệnh nhân trong hơn 3 năm.

Tầm soát ung thư bằng giải trình gen.

SPOT-MAS là công nghệ có khả năng phát hiện sớm nhiều loại ung thư cùng lúc ngay cả khi bệnh nhân chưa có triệu chứng và được kỳ vọng giúp cho công tác tầm soát ung thư sớm của Việt Nam nói riêng và các quốc gia lân cận nói chung có thêm phương pháp chẩn đoán ung thư sớm, chính xác hơn, đơn giản hơn so với các phương pháp truyền thống trước đây.

Từ phát minh của Gene Solutions, một câu hỏi được đặt ra là nếu chúng ta phát triển công nghệ sinh học và những thành quả mới được áp dụng, thì liệu rằng công nghệ sinh học có khả năng áp đảo khoảng bao nhiêu phần trăm so với công nghệ y học dùng thuốc và phẫu thuật? Liệu rằng có thể sử dụng công nghệ sinh học mà không cần dùng đến thuốc hay phẫu thuật hay không?

Bác sĩ Trần Thạch Dũng, Giám đốc chuyên môn, Bệnh viện Quốc tế DNA, cho biết: “Không cần đến tế bào gốc nếu chúng ta vận động thường xuyên, ăn uống khoa học, xét nghiệm gen, khám sức khoẻ định kỳ. Tế bào gốc nên dùng khi chỉ số lão hoá và sức đề kháng đáng báo động”. Theo chia sẻ của bác sĩ Dũng, công nghệ sinh học của thế giới ngày càng phát triển, dựa vào công nghệ sinh học người ta mới cấy những tế bào, làm ra những tạng từ tế bào và từ tế bào đó điều trị được các mô, các tạng, các cơ quan bị tổn thương trong cơ thể bằng công nghệ sinh học, bằng tế bào gốc.

Nhưng song song đó, chúng ta vẫn sử dụng thuốc kết hợp chứ chưa thể loại trừ thuốc. “Ví dụ, hiện nay, công nghệ sinh học nhờ tế bào gốc khi truyền vào cơ thể thì làm cho các biến chứng tiểu đường giảm đi và khi các biến chứng giảm đi, người ta không tử vong vì các biến chứng nữa. Khi đó, thay vì trước kia uống 2 viên thuốc, giờ có thể uống 1 viên. Đó là những cái mà công nghệ sinh học bổ sung cho y học trong quá trình điều trị”, bác sĩ Trần Thạch Dũng cho biết.

Ông Karim Mohamad Zakirul cũng chia sẻ quan điểm các tiến bộ trong y sinh, chẩn đoán ngăn ngừa bệnh từ sớm sẽ hỗ trợ, chia sẻ cho hệ thống y tế công. Điều này giúp các bên tập trung cho thế mạnh của mình và giảm tải cho hệ thống y tế quốc gia.

Dù công nghệ sinh học chưa thay thế hoàn toàn thuốc và phẫu thuật, những thành tựu của lĩnh vực này hiện đang hỗ trợ ngày nhiều cho việc tự chăm sóc sức khoẻ của người dân. Chẳng hạn, với chứng đột quỵ khiến gần 10 triệu người trên thế giới tử vong mỗi năm, các nhà khoa học đã chứng minh nếu một người có người thân từng bị đột quỵ thì nguy cơ họ phải đối diện với căn bệnh này sẽ tăng lên 30%. Nguyên nhân liên quan tới yếu tố di truyền và chế độ sinh hoạt chung của gia đình.

Phạm Vũ Thanh Giang, đồng sáng lập kiêm Giám đốc Trải nghiệm khách hàng, Công ty Gene Friend Việt Nam (Genetica), cho biết sau đại dịch COVID-19, độ tuổi nạn nhân đột quỵ bị trẻ hoá đáng kể. Yếu tố di truyền chịu trách nhiệm 40-60% trong các ca đột quỵ, nhưng tin vui là người trẻ có thể phòng ngừa bằng cách điều chỉnh lối sống. Vì vậy, công nghệ xét nghiệm gen giúp mọi người nhận biết nguy cơ đột quỵ trong tương lai ngày càng quan tâm. Nhờ đó, người được xét nghiệm có thể phát hiện sớm và điều chỉnh lối sống để bảo vệ sức khoẻ, cuộc sống của bản thân.

Cẩm Tú
Nguồn Nhịp cầu Đầu tư