Xe sang qua khúc cua COVID-19

Xe sang qua khúc cua COVID-19

Thị trường xe sang với nhóm khách hàng cao cấp vẫn tiếp tục lạc quan trong thời gian tới.

Mặc cho đại dịch hoành hành, nhiều hãng xe sang vẫn có kết quả bất ngờ về doanh số trong năm vừa qua. Tuy nhiên, viễn cảnh trái chiều trong năm tiếp theo vẫn là ẩn số của thị trường này.

Bùng nổ doanh số

Theo số liệu từ Cox Automotive, trong năm 2021, 30% số xe tiêu thụ tại Mỹ có giá bán trên 50.000 USD. 9 năm về trước, con số chỉ dừng ở mức 6%. Trên phạm vi toàn cầu, thành công vang dội nhất thuộc về những thương hiệu danh tiếng.

Cụ thể, doanh số của thương hiệu xe siêu sang Rolls-Royce trong năm vừa qua là 5.586 xe, tăng 49% so với năm trước và là mức kỷ lục trong suốt 117 năm lịch sử thương hiệu. Thậm chí, số đơn hàng của Rolls-Royce đã lấp đầy quý III/2022. Ông Müller-Ötvös, CEO của hãng xe Anh Quốc này, cho hay: “Nếu bạn đặt hàng một chiếc Rolls-Royce vào thời điểm này, ít nhất phải một năm sau mới nhận được xe”. Đối thủ của Rolls-Royce là Bentley cũng bán ra gần 15.000 xe trong năm vừa qua, tăng 31% so với năm 2020.

Không riêng gì xe siêu sang, một thương hiệu siêu xe thuộc diện kén khách như Lamborghini cũng đạt mức tăng trưởng 13% với 8.405 xe đến tay các dân chơi tốc độ. Doanh số ấn tượng của hãng xe Ý phần lớn đến từ siêu SUV Urus, cỗ xe địa hình sang chảnh bậc nhất thế giới.

Ngoài xe xăng truyền thống, mẫu xe thuần điện Porsche Taycan cũng đạt doanh số 41.296 xe, tăng hơn gấp đôi năm trước và qua mặt cả huyền thoại 911 – siêu xe hút hàng bậc nhất thế giới. Ông Detlev von Platen, thành viên Hội đồng Quản trị, phụ trách kinh doanh và tiếp thị tại Porsche, cho biết: “Bất chấp những thách thức đặt ra do việc thiếu hụt chất bán dẫn và đại dịch COVID-19, nhu cầu thị trường luôn ở mức cao và danh sách đơn đặt hàng của chúng tôi đang dần kín chỗ”.

Điểm chung của các dòng xe kể trên là sang chảnh nhưng vô cùng đắt đỏ. Giá bán của xe Rolls-Royce tại Châu Âu thường không dưới 250.000 bảng Anh trong khi Porsche Taycan có giá dao động từ 82.700-187.600 USD.

Tương lai khó đoán

Trước những báo cáo bán hàng đầy khả quan, giới chuyên gia vẫn cho rằng doanh số các hãng xe đắt đỏ sẽ sụt giảm trong năm 2022. Mấu chốt đến từ việc thiếu hụt chip bán dẫn đang gây ảnh hưởng lên nhiều ngành công nghiệp trên phạm vi toàn cầu. Trong thời gian qua, các hãng xe liên tiếp đưa ra nhiều thông báo không mấy vui vẻ liên quan đến khủng hoảng chip.

Chẳng hạn, GM cắt bỏ các tính năng như Start/Stop, sạc không dây, sưởi ghế. BMW bỏ màn hình cảm ứng trong khi Porsche tạm thời ngưng tính năng ghế chỉnh điện 18 hướng trên xe Macan. Một thương hiệu lớn như Mercedes-Benz cũng tạm dừng sản xuất hầu hết các mẫu xe dùng động cơ V8 cho tới năm 2023. Lý do chính có thể do việc thiếu con chip mà Việt Nam và Đài Loan đang là 2 nước gia công chủ chốt.

Ngoài ra, thành bại của các hãng xe trong giai đoạn hiện nay bị chi phối khá nhiều bởi đại dịch COVID-19. Ví dụ, do dịch bệnh, các hãng xe gặp nhiều khó khăn trong việc đưa xe về Việt Nam do thời gian giao xe có thể kéo dài thêm nhiều tháng so với thường lệ. Ngoài ra, những mẫu xe siêu sang về Việt Nam bị đánh thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt rất cao, khiến giá xe đội lên, phí thuế siêu xe có thể lên đến vài chục tỉ đồng. Phú Thái Mobility, nhà phân phối Jaguar – Land Rover, cho biết tình hình kinh doanh gặp khó khăn hơn trong thời điểm dịch bệnh hoành hành khi nhiều khách hàng bị hoãn kế hoạch đặt xe, hoặc cắt giảm chi tiêu những dòng xe đắt tiền.

Tuy nhiên, về dài hạn, thị trường xe sang tại Việt Nam có thể ngược chiều so với xu thế chung toàn cầu. Chẳng hạn, năm 2019-2020, mặc dù đại dịch diễn ra phức tạp nhưng nhập khẩu xe sang, siêu xe chỉ giảm nhẹ. Riêng năm 2021, hơn 20 siêu xe được nhập khẩu vào Việt Nam, trong đó, có 3 mẫu siêu xe giá từ 1,5-1,7 triệu USD là McLaren Elva, 918 Spyder và Ford GT.

Thị trường xe sang tại Việt Nam có thể ngược chiều so với xu thế chung toàn cầu.

Knight Frank dự đoán trong giai đoạn 2020-2025, tốc độ tăng trưởng của giới siêu giàu Việt Nam đạt mức 31%, tương đương khoảng 511 người sở hữu khối tài sản trên 30 triệu USD và hơn 25.800 người sở hữu khối tài sản trên 1 triệu USD. Với nhóm người giàu và siêu giàu tăng nhanh, nhu cầu xe sang và siêu xe tại Việt Nam vẫn tiếp tục tăng trưởng. Ông Nguyễn Văn Huyền, Giám đốc thương hiệu siêu xe Aston Martin tại Việt Nam, cho hay: “Nhu cầu siêu xe thế giới có thể bão hoà phần nào nhưng dung lượng thị trường Việt Nam vẫn còn khá lớn. Rồi đây, Lamborghini sẽ khai trương showroom mới, McLaren chính thức chào sân, còn Ferrari bắt đầu bán xe sau thời gian chỉ làm dịch vụ bảo trì bảo dưỡng. Doanh số toàn thị trường sẽ tăng đáng kể".

Nguồn Nhịp cầu Đầu tư