Bánh kẹo nội áp đảo hàng ngoại nhập

Với sản lượng năm 2012 đạt trên 600.000 tấn, tổng giá trị thị trường 1,4 tỷ USD, tăng 10% so với năm 2011, sản xuất bánh kẹo tại Việt Nam là ngành có tốc độ tăng trưởng cao.

Trong đó, nhiều doanh nghiệp nội áp đảo đối thủ ngoại.

Vụ Công nghiệp nhẹ (Bộ Công thương) dự báo, tiềm năng thị trường bánh kẹo Việt Nam còn rất lớn, với tốc độ tăng trưởng doanh số trung bình giai đoạn 2011-2014 khoảng 8 – 10%.

Lĩnh vực sản xuất bánh kẹo hiện có khoảng 30 doanh nghiệp lớn và hàng trăm cơ sở sản xuất nhỏ cùng một số công ty nhập khẩu bánh kẹo nước ngoài.

Các thành phần này đang phân chia thị trường bánh kẹo, trong đó thị phần đang nghiêng về các doanh nghiệp trong nước, với 70-75% thị phần, chỉ 25-30%% cho sản phẩm nhập khẩu.

Ông Bùi Trường Thắng, đại diện Vụ Công nghiệp nhẹ (Bộ Công thương) cho biết, so với các nước trên thế giới, thì mức tiêu thụ bánh kẹo trung bình của Việt Nam cao hơn (3%/năm so với 1 - 1,5%). Doanh nghiệp trong nước đang trong giai đoạn tăng trưởng tốt về tiêu thụ do mức tiêu thụ bánh kẹo bình quân mới đạt 1,8 kg/người/năm, trong khi trung bình thế giới là 2,8kg/người/năm.

Ông Thắng cũng cho rằng, 10 năm trở lại đây, một loạt thương hiệu nội địa đã phát triển nhanh, khẳng định được tên tuổi tại thị trường trong nước lẫn xuất khẩu nhờ chất lượng tốt như Kinh Đô, Tràng An, Bibica, Hải Hà Kotobuki, CTCP Bánh mứt kẹo Hà Nội...

Các yếu tố để những thương hiệu nội địa chinh phục được khách hàng còn bao gồm: giá cả ổn định và thấp hơn nhiều so với hàng nhập khẩu, khẩu vị phù hợp với người tiêu dùng, có bước đột phá về mẫu mã, iên tục đưa sản phẩm mới ra thị trường. Sự lớn mạnh của các doanh nghiệp nội đã làm nên bước ngoặt, khi thay đổi thói quen mua sắm hàng nhập khẩu từ Trung Quốc, Thái Lan, Malaysia... Với lợi thế về giá rẻ hơn 20-30% so với hàng ngoại nhập, chất lượng đảm bảo, bánh kẹo nội đang có ưu thế trong cuộc chiến giành thị phần.

Kinh Đô là đơn vị đang giữ vững ngôi đầu về thị phần bánh kẹo Việt Nam, với 30% thị phần. Các sản phẩm của Kinh Đô tập trung cho phân khúc trung và cao cấp, thống lĩnh thị phần toàn thị trường có thể kể đến gồm Bánh Trung Thu (76%), bánh mỳ (64%), bánh mặn AFC (56%). Bánh quy ngọt chiếm 30,4% thị phần, nhưng đem lại nguồn doanh thu đáng kể nhất (28%).

Với doanh thu đạt 203 tỷ đồng trong quý I/2013 (tăng 14%), lợi nhuận đạt 5,7 tỷ đồng (tăng 7% so với cùng kỳ năm trước), CTCP Bánh kẹo Hải Hà (Haihaco) cho biết, mục tiêu năm 2013 của Haihaco là cán đích 720 tỷ đồng doanh thu, lợi nhuận 29,5 tỷ đồng và dự kiến mức chia cổ tức 15%.

Trong 6 tháng cuối năm, Haihaco chủ động nghiên cứu và đưa ra thị trường nhiều sản phẩm mới, chú trọng đến phân khúc cao cấp, nhưng giá thành rẻ hơn 20 - 30% so với sản phẩm ngoại cùng loại.

Còn CTCP Bánh kẹo Biên Hòa (Bibica) cho biết, trong xu hướng cạnh tranh gay gắt, một trong những giải pháp cơ bản của Bibica trong năm 2013 là chọn lọc sản phẩm chiến lược, định vị tốt sản phẩm, từ đó có chính sách bán hàng, tiếp thị phù hợp. Hiện Bibica có hơn 100 sản phẩm, trong đó 20 sản phẩm chủ lực, 110 nhà phân phối với 65.000 điểm bán hàng trên cả nước.

Ông Trương Phú Chiến, Tổng giám đốc CTCP Bibica cho biết, với mục tiêu tăng số lượng điểm bán và sản phẩm, đáp ứng nhanh nhất nhu cầu phân phối, tiêu thụ của thị trường nhằm tăng trưởng doanh thu khoảng 30% so với 2012, năm 2013 là năm Bibica đầu tư thêm nhiều hoạt động bán hàng, tiếp thị mới. Cụ thể, mục tiêu doanh thu 2013 đạt 1.338 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế dự kiến đạt 60,5 tỷ đồng.

Theo đó, không chỉ sản xuất bánh kẹo, Bibica đang tạo ra nhóm sản phẩm dinh dưỡng cho những người bị bệnh mãn tính, như tiểu đường, huyết áp, máu nhiễm mỡ, các sản phẩm dành cho người bị tiểu đường bao gồm bánh bông lan, bánh quy, sữa nhãn hiệu Quasurelife.

Theo ông Chiến, trước đây, nhóm sản phẩm này được bán chung với sản phẩm bánh kẹo bình thường. Hiện nay, doanh số của nhóm sản phẩm này chỉ chiếm 10% trong tổng doanh thu. Từ đầu năm 2013, Bibica đã mở thêm cửa hàng riêng cho nhóm hàng dinh dưỡng ở địa bàn trọng điểm là TP.HCM, Hà Nội và 6 thành phố lớn khác.

Nguồn Chiến lược Marketing