Masan & Phúc Long: Lợi thế cộng hưởng từ thương vụ M&A khủng

Masan & Phúc Long: Lợi thế cộng hưởng từ thương vụ M&A khủng

Đằng sau mức định giá khoảng hơn 8000 tỉ đồng, P/E forward 15x ngang ngửa Vinamilk của thương vụ M&A giữa Phúc Long với Masan là lợi thế cộng hưởng vượt trội của hai ông lớn.

Mảnh ghép hoàn hảo cho chiến lược Point of Life

Từ năm 2021, Masan đã đẩy mạnh phát triển chiến lược “Point of Life” – nền tảng tích hợp từ offline đến online các sản phẩm tiêu dùng thiết yếu, được người tiêu dùng quan tâm bằng các thương vụ M&A. Với chiến lược này, Masan sẽ tập trung phục vụ đa dạng người tiêu dùng từ người già đến người trẻ, đa dạng nhu cầu từ mua sắm đến ăn uống.

Tuy vậy, hiện tại Masan mới đang dẫn đầu trong các sản phẩm tiêu dùng thực phẩm, chiếm phần lớn doanh thu, trong khi đó ngành đồ uống chưa có được kết quả nổi bật. Do đó, chiến lược thực thi của Masan trong các năm tới là thúc đẩy phát triển ngành đồ uống với mục tiêu đến năm 2025, 50% doanh thu đóng góp từ ngành đồ uống, và 50% từ thực phẩm.

Thương vụ M&A với Phúc Long được xem là chìa khoá trong việc phát triển ngành đồ uống của Masan khi Phúc Long vốn chỉ là công ty gia đình, nhưng có thương hiệu mạnh, phục vụ phân khúc trung và cao cấp với 82 cửa hàng trên toàn quốc. Thương vụ M&A giúp Masan có thể phát triển nhanh và mạnh hơn trong ngành đồ uống mà không cần phát triển chuỗi cafe mới, hay xây dựng thương hiệu mới – thứ mà khó có thể tạo ra trong thời gian ngắn.

Hơn thế nữa, khách hàng của Phúc Long chủ yếu là giới trẻ, ưu tiên sử dụng công nghệ, trong khi đó khách hàng trung thành của Masan phần lớn là các bà nội trợ, do đó việc tích hợp các kiosk Phúc Long vào các cửa hàng Winmart giúp Masan trẻ hoá tệp khách hàng của mình. Người tiêu dùng có thể mua sắm nhu yếu phẩm thiết yếu, kết hợp order cafe bằng nền tảng công nghệ cũng như tại các cửa hàng vật lý.

Mở rộng quy mô trên toàn quốc và cải thiện biên lợi nhuận

Masan kết hợp với Phúc Long còn giúp cả 2 thương hiệu dễ dàng hơn trong việc mở rộng chi nhánh và tăng độ phủ trên toàn quốc. Thực tế có thể thấy chuỗi Winmart phát triển mạnh tại miền Bắc khi có 132 siêu thị và gần 3000 cửa hàng trên toàn quốc, nhưng chỉ có một số ít cửa hàng ở 5 tỉnh phía Nam, trong khi đó Phúc Long lại phát triển mạnh ở miền Nam với 65/82 cửa hàng. Việc tích hợp kiosk Phúc Long vào chuỗi Winmart giúp cả hai có thể dễ dàng hơn trong việc chinh phục người tiêu dùng ở hai miền.

Trong năm 2021, các kiosk Phúc Long được tích hợp vào chuỗi Winmart đã giúp số lượng đơn hàng trung bình/ngày tăng 16%. Dự kiến trong 18-24 tháng tới, hai bên sẽ tiếp tục mở rộng mô hình này với 1000 Kiot Phúc Long trong chuỗi cửa hàng Winmart.

Ngoài ra, với mô hình kiosk, Phúc Long có thể mở rộng chi nhánh mà không quá lo ngại về chi phí mặt bằng. Trên thực tế, với mô hình chuỗi cafe trải nghiệm như trước đây, chi phí mặt bằng và nhân công phải chiếm 60-70% tổng chi phí của chuỗi. Với mô hình kiosk bán hàng mang đi, Phúc Long có thể bán trà và cafe mà không cần đầu tư nhiều vào mặt bằng, do đó có thể tăng doanh thu, tối ưu chi phí và tăng biên lợi nhuận của chuỗi.

Kinh doanh chuỗi đồ uống kết hợp với sản phẩm đóng gói

Ảnh: thanhnien.vn

Thế nhưng, để phù hợp với việc mở rộng kiosk và bán hàng mang đi, rất có thể Phúc Long sẽ cho ra mắt nhiều dòng sản phẩm mới, có giá cả phải chăng, phù hợp hơn với người tiêu dùng. Như vậy, định vị thương hiệu của Phúc Long có thể thay đổi, không còn tập trung vào phân khúc trung và cao cấp như trước đây, thay vào đó công ty có thể phát triển theo hướng vừa bán trải nghiệm, vừa bán hàng mang đi, chiếm trọn cả hai phân khúc.

Tuệ Linh
Nguồn CafeF