Thời của đầu tư tác động

Thời của đầu tư tác động

Đầu tư tác động đã trỗi dậy trở thành một chiến lược chủ chốt trong ngành quản lý quỹ.

Tháng 9/2021, Carlyle Group và Blackstone đã bắt tay với các khách hàng, trong đó có California Public Employee’s Retirement System để chia sẻ và tổng hợp các thông tin liên quan đến lượng khí thải, tính đa dạng và tình trạng đối xử nhân viên tại các công ty. Mục đích là nhằm tạo ra các tiêu chuẩn và thước đo có thể theo dõi quá trình đầu tư tác động trên toàn ngành.

Các liên minh như vậy phần nào cho thấy sự trỗi dậy của ngành đầu tư tác động, được thúc đẩy bởi sự phát triển vượt bậc của dữ liệu lớn, công nghệ (một phần nhờ “chất xúc tác” COVID-19) cùng sự quan tâm gia tăng về vấn đề xã hội và môi trường của các thế hệ trẻ, đặc biệt là thế hệ Millennials, một lớp nhà đầu tư mới đang thừa kế số tài sản lớn.

Sự góp mặt của tầng lớp nhà đầu tư mới

Đầu tư tác động là lĩnh vực quản lý tài sản mới nổi, được định nghĩa là các khoản đầu tư vào những doanh nghiệp, tổ chức và các quỹ với mục đích tạo ra các tác động xã hội và môi trường tích cực có thể đo lường được cùng với một khoản sinh lời tài chính. Không giống hoạt động thiện nguyện hoặc các hình thức đầu tư bền vững như trái phiếu xanh, những nhà đầu tư rót vốn vào các quỹ đầu tư tác động kỳ vọng sẽ thu về khoản sinh lời tương đương với các nguồn thu nhập khác.

Các nhà đầu tư tác động đáp ứng 3 tiêu chí gồm: (1) nhà đầu tư phải có ý định tạo ra các tác động xã hội hoặc môi trường tích cực thông qua khoản đầu tư của họ; (2) nhà đầu tư kỳ vọng một khoản sinh lợi từ các khoản đầu tư của họ; (3) nhà đầu tư phải cam kết đo lường được các tác động xã hội hoặc môi trường tạo ra qua hoạt động đầu tư của họ.

Theo một cuộc khảo sát nhà đầu tư năm 2020 của tổ chức phi lợi nhuận Global Impact Investing Network (GIIN), đầu tư tác động có quy mô thị trường khoảng 715 tỉ USD và được quản lý bởi hơn 1.720 tổ chức. Loại hình đầu tư này vẫn đang tiếp tục thu hút một số lượng đều đặn người chơi mới và quy mô hiện nay ước đạt xấp xỉ 1.000 tỉ USD, theo ông Andy Kuper, nhà sáng lập kiêm CEO của LeapFrog Investments.

Trong những năm gần đây, thị trường đầu tư tác động chứng kiến sự tham gia tích cực của các gã khổng lồ trong ngành đầu tư vốn cổ phần tư nhân (PE) như Apollo, KKR, Bain và TPG. Những tập đoàn này đã liên tục tung ra các quỹ nhắm đến tác động môi trường và xã hội tích cực. Các quỹ này có ít nhất 1 tỉ USD giá trị tài sản quản lý đã mang lại quy mô, tầm vóc toàn cầu và mạng lưới lớn các chuyên gia đầu tư tham gia vào thị trường đầu tư tác động. Kéo theo đó là hàng loạt thương vụ hàng trăm triệu USD được ký kết, như thương vụ Quỹ KKR Global Impact rót 510 triệu USD vào hãng tái chế Ấn Độ Ramky Enviro Engineers vào năm 2019, hay khoản đầu tư 425 triệu USD của Apollo Impact vào công ty sản xuất tấm carton tái chế RDM (trụ sở tại Ý) vào tháng 7/2021.

“Các tập đoàn PE và các tổ chức khác đang bước vào sân chơi này vì họ tin rằng, họ hoàn toàn có thể tạo ra mức sinh lời cao hơn bình thường cùng với những tác động lớn hơn bình thường”, ông Andy Kuper phát biểu tại Hội nghị tài chính và đầu tư bền vững Singapore (SSIFC) thuộc sự kiện Ecosperity Week 2021 diễn ra vào tháng 9 vừa qua.

Theo Preqin, trong năm qua (tính đến ngày 28/10/2021), các công ty PE đã cho ra mắt 132 quỹ tác động, một con số kỷ lục kể từ khi tổ chức này theo dõi số liệu từ năm 2015. Quỹ tác động thường nhắm đến các khoản đầu tư vào năng lượng tái tạo, chăm sóc sức khoẻ, nhà có giá vừa túi tiền hoặc các lĩnh vực khác có ý nghĩa quan trọng về mặt xã hội. “Nếu không có nhu cầu từ phía nhà đầu tư, họ sẽ không làm điều đó”, ông Bob Jacksha, Giám đốc Đầu tư New Mexico Educational Retirement Board nhận xét. Thực vậy, một số nhà đầu tư lớn nhất vào các công ty PE là những quỹ lương hưu rất quan tâm đến biến đổi khí hậu và tính công bằng xã hội. “Nhà đầu tư muốn nhiều hơn là nghe. Họ muốn tận mắt thấy điều đó xảy ra”, ông Jerry O’Hara, chuyên gia phân tích của Jefferies nói.

Ngày càng có nhiều người tiêu dùng và nhà đầu tư bán lẻ muốn đồng tiền họ bỏ ra cũng phải tương xứng với giá trị của chúng. “Họ muốn điều đó dưới dạng các sản phẩm họ mua, nơi họ làm việc và cách họ đầu tư”, ông Amit Bouri, CEO và đồng sáng lập GIIN cho biết. Điều này đặc biệt đúng đối với thế hệ Millennials, vốn dự kiến sẽ nhận được hơn 30.000 tỉ USD giá trị tài sản được thừa kế. Đó là lý do các nhà quản lý quỹ đang tập trung nhiều nguồn lực hơn vào việc phát triển các sản phẩm nhằm hấp dẫn những khách hàng mới nổi này.

“Có sự quan tâm rất lớn từ phía các nhà đầu tư thế hệ Millennials khi họ muốn đầu tư đúng với giá trị của mình”, ông Benoit Valentin, đứng đầu mảng đầu tư tác động tại Temasek nhận định. Thế hệ Millennials đặc biệt thích đầu tư vào các công ty hoặc các quỹ mà nhắm đến những mục tiêu môi trường và xã hội cụ thể, theo một báo cáo từ EY.

Đòn bẩy công nghệ

Ngài Ronald Cohen, Chủ tịch Tổ chức phi lợi nhuận Global Steering Group for Impact Investment, nhấn mạnh tầm quan trọng của công nghệ đối với sự phát triển của ngành đầu tư tác động. “Cuộc cách mạng đầu tư tác động sẽ dựa trên cuộc cách mạng công nghệ khi các nhà khởi nghiệp bắt đầu phát triển những mô hình kinh doanh tác động mà kết hợp giữa tạo ra giá trị (lợi nhuận) với tạo ra tác động cho xã hội và môi trường. Một công ty càng tạo ra nhiều tác động thì lợi nhuận thu về sẽ càng lớn”, ông Cohen nói.

Một khu vực được nhắm đến là Châu Á, nơi cực kỳ thiếu thốn các sản phẩm, dịch vụ liên quan đến đầu tư tác động mặc dù khu vực này chiếm đến 60% dân số thế giới. “Công nghệ là một công cụ đầy quyền lực và các chủ doanh nghiệp đang sử dụng công nghệ để cung cấp các giải pháp cho những nơi thiếu thốn và giúp giải quyết một số vấn đề môi trường”, ông David Heng, sáng lập và CEO của hãng đầu tư tư nhân ABC World Asia chia sẻ.

Một tác động xã hội có thể thấy rõ là đem lại lợi ích cho những lao động thu nhập thấp ở nước ngoài, vốn đang phải chịu mức phí cao khi chuyển tiền về nước. Các startup công nghệ số như Zepz (trước đây là WorldRemit), một công ty trong danh mục đầu tư của LeapFrog Investments, đã giúp giảm mạnh chi phí chuyển tiền về nước cho đối tượng này.

“Việc phục vụ cho hàng triệu người với một dịch vụ tốt hơn nhiều nhờ vào công nghệ số không chỉ tạo tác động xã hội rất lớn mà còn tạo ra giá trị gia tăng”, ông Andy Kuper, CEO LeapFrog Investments nói. Công nghệ cũng đang tạo ra những thay đổi căn cơ trong lĩnh vực chăm sóc sức khoẻ và giáo dục tại các quốc gia đang phát triển và kém phát triển, nhằm giúp hàng triệu người dân, đặc biệt ở vùng sâu vùng xa, tiếp cận dễ dàng hơn các dịch vụ cơ bản.

Một lĩnh vực khác mà đầu tư tác động có thể tạo sức ảnh hưởng tích cực là cơ sở hạ tầng. Đông Nam Á chẳng hạn, cần đến 2.000 tỉ USD vốn đầu tư trong thập niên tới để xây dựng cơ sở hạ tầng bền vững nhằm giảm lượng khí thải nhà kính của khu vực, theo báo cáo của Bain & Company, Microsoft và Temasek. Các lĩnh vực cần rót vốn đầu tư ở khu vực này như năng lượng tái tạo, xe điện, xử lý chất thải...

Tốc độ tăng trưởng nhanh của thị trường đầu tư tác động cũng đi kèm với các rủi ro, ông Benoit Valentin của Temasek khuyến cáo. Một trong số đó là greenwashing (có thể hiểu là việc đưa ra các tuyên bố không có căn cứ hoặc có tính lừa dối về các đặc điểm và lợi ích của một sản phẩm tài chính là xanh hoặc bền vững). “Người ta xem đó như một cách để tung ra một quỹ mới và thu hút thêm nhiều nhà đầu tư. Họ chỉ cần phủ lên thương hiệu ánh hào quang”, một nhà quan sát thị trường trả lời Environmental Finance.

Một rủi ro khác mà các định chế tài chính và nhà quản lý tài sản đang phải đối mặt là sự xao nhãng hoặc thay đổi dần dần các mục tiêu vượt ra khỏi mục tiêu cốt lõi đặt ra ban đầu trong quá trình triển khai. “Chúng tôi đã thấy điều đó tại các quỹ tư nhân truyền thống của mình. Đó là một rủi ro”, ông Valentin thừa nhận.

Mặc cho những trở ngại này, triển vọng của thị trường vẫn rất lạc quan khi những thay đổi lớn về giá trị đóng vai trò là động lực chính thúc đẩy cuộc cách mạng đầu tư tác động, theo ngài Ronald Cohen. “Những người trẻ từ chối mua các sản phẩm của những công ty gây hại cho môi trường hoặc xã hội thì cũng từ chối làm việc cho những công ty này. Điều đó tác động rất lớn đến tính sinh lời của các danh mục đầu tư”, ông Cohen nói.

Một tác động xã hội có thể thấy rõ là đem lại lợi ích cho những lao động thu nhập thấp ở nước ngoài, vốn đang phải chịu mức phí cao khi chuyển tiền về nước.
Ảnh: ft.com

Sự trỗi dậy của thị trường đầu tư tác động Đông Nam Á

Theo báo cáo “The advance of impact investing in Southeast Asia” năm 2020 do GIIN thực hiện, thị trường đầu tư tác động tại Đông Nam Á có xu hướng bứt phá kể từ năm 2017. Vốn đầu tư tác động được rót vào khu vực trong 3 năm 2017-2019 đã lên tới 6,7 tỉ USD, với 298 thương vụ. Con số này bằng hơn 50% tổng vốn đầu tư của cả thập kỷ trước (11,3 tỉ USD trong giai đoạn 2007-2016, với 449 thương vụ). Trong đó, Indonesia, Philippines và Việt Nam chiếm hơn 55% tổng số thương vụ và 59% tổng số vốn đầu tư tác động được rót vào thị trường Đông Nam Á.

Sự tăng trưởng của thị trường đầu tư tác động Đông Nam Á thể hiện qua sự tích cực tham gia của cả nhóm nhà đầu tư tác động PII (Private Impact Investors, gồm các nhà quản lý quỹ, công ty quản lý tài sản gia đình, quỹ từ nguyện, ngân hàng, quỹ lương hưu và các quỹ khác, thường thực hiện các thương vụ đầu tư tác động có quy mô nhỏ hơn) lẫn nhóm nhà đầu tư DFI (Development Finance Institutions, gồm các tổ chức tài chính được hậu thuẫn bởi Chính phủ, chuyên thực hiện các khoản đầu tư quy mô lớn nhằm thúc đẩy sự phát triển, DFI là nhân tố quan trọng trong ngành đầu tư tác động, khi cung cấp lượng vốn lớn qua các khoản đầu tư tác động trực tiếp và cả gián tiếp, ví dụ như thông qua các quỹ tác động).

Giai đoạn 2017-2019 đã chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ của các hoạt động đầu tư PII và DFI.
Ảnh: Quý Hoà

Giai đoạn 2017-2019 đã chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ của các hoạt động đầu tư PII và DFI. Trong đó, Indonesia vẫn là thị trường lớn nhất khu vực Đông Nam Á, với 138,5 triệu USD qua 61 thương vụ do nhóm PII thực hiện và 1,9 tỉ USD qua 25 thương vụ do nhóm DFI thực hiện. Nước này cũng chiếm gần phân nửa các thương vụ GLI (Gender Lens Investments, tức các khoản đầu tư vào những công ty, tổ chức và các quỹ với mục tiêu tạo ra tác động tích cực về bình đẳng giới nơi làm việc, cơ hội công bằng cho các doanh nghiệp có phụ nữ làm chủ hoặc điều hành).

Tại Việt Nam, trong giai đoạn 2017-2019, đã có 1,2 tỉ USD được rót qua 25 thương vụ do nhóm DFI thực hiện, và 7,7 triệu USD qua 11 thương vụ do nhóm PII thực hiện, chủ yếu vào các ngành năng lượng và dịch vụ tài chính. Việt Nam có 7 thương vụ GLI với quy mô trung bình mỗi thương vụ là 6,1 triệu USD.

Văn Quốc
Nguồn Nhịp cầu Đầu tư