Startup trên đồng ruộng

Startup trên đồng ruộng

Nông nghiệp Việt Nam đang chứng kiến nhiều startup tiềm năng gia nhập trong thời gian gần đây.

Quan trọng hơn, sự tham gia vào nhiều công đoạn của chuỗi cung ứng nông nghiệp từ các startup đang mở ra nhiều cơ hội hơn cho người nông dân.

Những làn gió mới

Koina là doanh nghiệp startup mới nhất tham gia lĩnh vực nông nghiệp ở Việt Nam. Đơn vị này được thành lập bởi ông Nguyễn Trần Thi, người từng giữ chức vụ đồng sáng lập của Giao Hàng Nhanh (trực thuộc Scommerce, công ty con của Seedcom) và VinShop (trực thuộc Vingroup). Dù mới tham gia nhưng Koina hiểu khá rõ về ngành và những bài toán cần phải giải.

Trước đó, một doanh nhân từng làm việc ở công ty con khác trực thuộc Seedcom là ông Phạm Ngọc Anh Tùng cũng tham gia lĩnh vực nông nghiệp với dự án sàn thương mại điện tử B2B2C (doanh nghiệp với doanh nghiệp và doanh nghiệp với người tiêu dùng) FoodMap. Cuối năm 2018, FoodMap được biết đến bởi chiến dịch giải cứu nông sản khá rầm rộ và gần đây là chiến dịch bán sản phẩm sang Mỹ để phục vụ người bị bệnh tiểu đường. Những ngày cuối năm 2021, FoodMap nhận được khoản đầu tư 2,9 triệu USD đến từ Beenext, Vulpes, Ascend Vietnam Ventures và Wavemaker.

Sự xuất hiện của các startup Koina hay FoodMap được xem là làn gió mới trong lĩnh vực khởi nghiệp nông nghiệp ở Việt Nam. Trong 10 năm qua, phần lớn các công ty khởi nghiệp trong lĩnh vực này tập trung vào mảng thiết bị kết nối hoặc phát triển giống cho trồng trọt, có thể kể đến như MimosaTEK, Hachi, Naturally Việt Nam...

Nhưng việc này giống như tập trung một đầu, tức đầu vào hàng nông sản, trong khi đầu ra, vốn quan trọng và phức tạp nhất thì chưa có nhiều đơn vị tham gia. Vì vậy, rất hiếm các startup trong lĩnh vực nông nghiệp được chú trọng đầu tư, dẫn đến tạo ảnh hưởng trong ngành chưa lớn.

Thực tế, cũng có doanh nghiệp tham gia giải quyết bài toán đầu ra điển hình như 4K Farm, một đối tác chiến lược của Công ty Thế Giới Di Động nhưng đơn vị này hiện chỉ cung cấp sản phẩm trong hệ sinh thái của công ty này.

Đầu ra là bài toán khó, không giống như thị trường Trung Quốc, các startup chỉ cần cung cấp rau quả cho các nhà hàng, quán ăn là đã có thể trở thành kỳ lân hoặc đủ nguồn lực để tái đầu tư vào công ty. Còn ở Việt Nam, các doanh nghiệp phải tham gia từ công đoạn vận chuyển, tối ưu kho bãi cho đến đa dạng hoá tập khách hàng. Chính vì thế, sự tham gia của các nhà sáng lập Koina hay FoodMap, vốn là những người có kinh nghiệm vận hành mảng phân phối, bán hàng, sẽ bổ sung vào phần còn lại của chuỗi cung ứng nông nghiệp.

Mỗi người một bài giải

Xuất khẩu nông, lâm, thuỷ sản cả năm 2021 đạt 46 tỉ USD, vượt xa chỉ tiêu Chính phủ giao là 42 tỉ USD. Nông nghiệp tiếp tục giữ vững vai trò “trụ đỡ” của nền kinh tế, góp phần quan trọng ổn định xã hội trong lúc đất nước gặp khó khăn do dịch bệnh tác động xấu đến mọi lĩnh vực kinh tế. Đây cũng là cơ hội cho các doanh nghiệp khởi nghiệp trong lĩnh vực còn nhiều dư địa này.

Theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lê Minh Hoan, quy mô của các doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp hiện nay có thể còn khá khiêm tốn so với nhiều ngành khác, nhưng các doanh nghiệp nông nghiệp có thể kết nối được đến hàng chục triệu hộ nông dân. Nếu tận dụng được sự kết nối này, sức mạnh của mỗi doanh nghiệp nông nghiệp sẽ rất lớn và thực sự mang lại nhiều giá trị, chứ không chỉ đơn thuần là đầu tư vào một ngành mới chỉ đem lại khoảng 14% GDP như hiện nay.

Ngược lại, nếu không chuyên nghiệp hoá ngành nông nghiệp thì hệ luỵ rất lớn, người nông dân sẽ luôn phải đối mặt với những rủi ro thường trực như thời tiết, dịch bệnh và thị trường có thể ập đến bất cứ lúc nào.

FoodMap hiện cung ứng sản phẩm từ hơn 300 trang trại và nhà sản xuất nông nghiệp trên toàn Việt Nam. Startup này chọn gia nhập thị trường bằng cách phổ biến nhất là liên kết với hộ nông dân nhưng tham gia sâu hơn bằng cách đóng vai trò như bộ phận kinh doanh của họ. Bên cạnh đó, FoodMap tìm đầu ra cho mặt hàng nông sản ở cả thị trường nội địa và xuất khẩu. Với thị trường nội địa, công ty tham gia cả bán sỉ và bán lẻ. Bán sỉ để đảm bảo số lượng đầu ra, là các quán ăn, chuỗi nhà hàng. Còn với bán lẻ, FoodMap chọn phân khúc thương mại điện tử với các mặt hàng có mức giá khá cao để vừa né các doanh nghiệp bán lẻ lớn như Bách hoá Xanh, Big C... “Startup làm gì có lựa chọn, nhiệm vụ chúng tôi là phải tối ưu cả 2 mô hình bằng công nghệ”, ông Phạm Ngọc Anh Tùng nói.

Ảnh: CafeBiz

Trong khi đó, Koina tham gia xây dựng mạng lưới phân phối nông sản dưới sự giám sát của công nghệ để tăng hiệu suất và chi phí tốt hơn. Đồng thời, công ty kết nối với các đối tác để đưa vào vận hành những trung tâm phân phối nông sản, với hạ tầng kho bãi quy chuẩn, giúp kiểm soát chất lượng sản phẩm tốt hơn.

Khác với các bên khác chỉ tập trung một số dòng sản phẩm hoặc một số nhóm đối tượng khách hàng, Koina phát triển đội ngũ kinh doanh vào toàn bộ các kênh (từ chợ, siêu thị, cửa hàng tiện lợi và cả chuỗi nhà hàng), nhằm kết nối đủ các loại sản phẩm với những nhu cầu khách hàng khác nhau.

Cuối cùng, Koina còn liên kết với các hợp tác xã, nông dân để cung cấp công nghệ về canh tác. Giải pháp này vừa tăng năng suất cho người nông dân, vừa giúp kết nối thông tin hỗ trợ việc quản lý của Nhà nước, cũng như giúp việc lập kế hoạch sản xuất, tiêu thụ hiệu quả hơn.

Ông Nguyễn Trần Thi cho biết công ty khá tự tin có thể giảm được ít nhất 30% chi phí (trên giá bán) khi làm tốt những kế hoạch đặt ra. “Với 30% đó sẽ là 10% cơ hội giảm được chi phí cho người tiêu dùng, 10% cơ hội để tăng thu nhập cho nông dân, 5% tăng thu nhập cho từng tiểu thương, từng hộ kinh doanh, và Koina dùng 5% còn lại để tái đầu tư liên tục, tiếp tục tối ưu cho cả hệ thống”, ông Thi nói.

Công Sang
Nguồn Nhịp cầu Đầu tư