CEO startup Việt kỳ vọng gì trong năm con Hổ?

CEO startup Việt kỳ vọng gì trong năm con Hổ?

Bất chấp những khó khăn do đại dịch COVID-19 gây ra, nhiều startup Việt vẫn đạt được những kết quả tích cực trong năm 2021.

Vừa qua, Người Đồng Hành đã có cuộc trò chuyện với 4 vị CEO startup Việt để nghe họ chia sẻ về những gì đã làm được trong năm cũ và kỳ vọng trong năm mới.

Ông Phạm Ngọc Anh Tùng, nhà sáng lập và CEO FoodMap: “2021 là năm của cảm xúc, còn 2022 sẽ là năm của tăng trưởng”

Nền tảng thương mại điện tử nông sản FoodMap vừa công bố gọi vốn thành công 2,9 triệu USD trong vòng Pre-Series A, dẫn đầu bởi Vulpes Ventures và Beenext.

Theo nhà sáng lập Phạm Ngọc Anh Tùng, năm 2021 là một năm thành công không chỉ về mặt doanh số và tốc độ tăng trưởng của FoodMap mà còn là sự trưởng thành trong hệ thống quản lý và đội ngũ nhân sự.

“2021 có thể gọi là một năm cảm xúc nhất từ khi FoodMap thành lập vì phải trải qua những thời điểm rất thử thách, nhưng đó lại là cơ hội tốt nhất để đội ngũ rèn giũa, cùng nhau đồng cam cộng khổ để rồi phát triển vượt bậc”, ông Tùng nói.

Phạm Ngọc Anh Tùng, nhà sáng lập và CEO FoodMap

Vị CEO trẻ kỳ vọng năm 2022 sẽ là một năm tăng trưởng của FoodMap. “Để làm được điều này, ngoài việc chuẩn bị tốt về đội ngũ nhân sự, hệ thống công nghệ trong việc quản lý, FoodMap muốn gần hơn với bà con nông dân và nhà sản xuất bằng việc mở rộng hơn nữa mạng lưới nhân sự, sự hiện diện của FoodMap tại vùng nguyên liệu ở ba miền Bắc Trung Nam”, ông chia sẻ.

Bên cạnh đó, “2022 sẽ là năm FoodMap tập trung cho việc xuất khẩu nông sản giá trị cao ra nước ngoài để tạo tiền đề thực hiện sứ mệnh đưa nông sản Việt Nam chất lượng lên bản đồ nông sản thế giới”, CEO FoodMap nói thêm.

Bà Đặng Thuỳ Trang, nhà sáng lập và CEO Ru9: “Năm Dần sẽ bước đi mạnh mẽ như Hổ”

Nhìn lại năm 2021, bà Đặng Thuỳ Trang – CEO startup bán nệm Ru9 thừa nhận là một năm với rất nhiều thử thách. “Có những khoảng thời gian chúng tôi không biết làm gì ngoài chờ đợi, vì mỗi công văn được ban ra, gần như chúng tôi phải thay đổi hàng loạt kế hoạch trước đó”, bà Trang nói.

Nhưng cũng nhờ đó, bà và startup của mình đã trưởng thành hơn, học được cách kiên nhẫn và vượt qua những nghịch cảnh.

“Điều tự hào nhất mà Trang nghĩ rằng mình đã đạt được trong năm 2021 chính là việc mình đã ‘nuôi’ được team và không phải cho ai nghỉ việc mặc dù doanh thu lao dốc về điểm xuất phát. Đồng thời Ru9 vẫn hỗ trợ được tuyến đầu chống dịch như bệnh viện Hùng Vương, bệnh viện Ung Bướu bằng những sản phẩm thiết thực của chính chúng tôi khi các bên cần sự giúp đỡ nhất”, nữ CEO cho hay.

Đặng Thuỳ Trang, nhà sáng lập và CEO Ru9
Ảnh: aFamily

Điều khiến bà Trang tiếc nuối nhất là “có những sự chậm trễ trong việc ra mắt những sản phẩm mới của Ru9, những lời hứa với khách hàng để mang lại trải nghiệm giấc ngủ trọn vẹn hơn”.

“Năm Dần, doanh nghiệp nào cũng muốn có những bước đi mạnh mẽ như Hổ. Tôi và Ru9 cũng ấp ủ rất nhiều kế hoạch quan trọng. Chúng tôi sẽ chú trọng đến chất lượng sản phẩm và dịch vụ hơn nữa”, CEO Ru9 chia sẻ về kỳ vọng trong năm 2022.

Ông Vũ Trọng Nghĩa, đồng sáng lập và CEO Bizzi: “Tập trung 100% vào thị trường Việt Nam”

Bizzi đã có một năm 2021 khá thành công khi doanh thu tăng gấp 10 lần, được đầu tư 3 triệu USD trong vòng Pre-Series A và chiến thắng giải thưởng Chuyển đổi kỹ thuật số tại Singapore.

Startup này cung cấp các giải pháp xử lý hoá đơn thông qua ứng dụng công nghệ AI và tự động hoá quy trình bằng robot (RPA). Nền tảng của Bizzi có thể được tích hợp dễ dàng với các giải pháp kế toán sẵn có, đồng thời kết nối các nhà cung cấp và khách hàng để tự động hoá các quy trình tài chính như kiểm tra, đối chiếu, thanh toán hoá đơn...

Vũ Trọng Nghĩa, đồng sáng lập và CEO Bizzi
Ảnh: Bizzi

Chia sẻ về kế hoạch năm 2022 của Bizzi, CEO Vũ Trọng Nghĩa cho biết công ty dự kiến ra mắt thị trường một sản phẩm mới. Nhân viên của các doanh nghiệp đi công tác hoặc tiếp khách có thể dùng ứng dụng này để nhận hoá đơn và gửi đề nghị thanh toán cho cấp trên phê duyệt dễ dàng.

CEO Bizzi cũng cho biết trong 2 năm tới, startup của ông sẽ tập trung 100% vào thị trường Việt Nam trước khi mở rộng sang các nước Đông Nam Á khác.

Bà Denise Sandquist, đồng sáng lập và CEO Fika: “Mở rộng ra một số thị trường Châu Á”

Denise Sandquist cho biết bà và startup của mình rất hài lòng với những gì ứng dụng hẹn hò Fika làm được trong năm 2021. Công ty đã huy động được 1,6 triệu USD trong vòng hạt giống, đạt 1 triệu lượt tải xuống vào tháng 12/2021 với 40% người dùng là nữ, quy mô team tăng gấp đôi trong đại dịch.

Năm tới, Fika có kế hoạch mở rộng sang các thị trường khác ở Châu Á và hướng tới việc trở thành một trong những ứng dụng hẹn hò và kết bạn hàng đầu tại Việt Nam.

“Chúng tôi muốn phát triển ứng dụng một cách sáng tạo hơn để tạo ra những cấp độ tiếp theo trong việc tạo ra các kết nối có ý nghĩa và cũng duy trì các mối quan hệ có trong Fika, đồng thời cho ra mắt phiên bản ứng dụng dành cho cặp đôi trên Fika”, nữ CEO nói.

Denise Sandquist, đồng sáng lập và CEO Fika
Ảnh: Fika

Cũng theo bà Denise, Fika đang nâng cao trải nghiệm tại điểm hẹn hò mà các cặp đôi và người dùng độc thân có thể tham gia, đồng thời xem xét việc tham gia không gian NFT và Metaverse, cũng như tính năng khám phá cách tích hợp AR (thực tế tăng cường) vào ứng dụng.

“Chúng tôi cũng đang xây dựng cộng đồng đóng góp xã hội bằng cách giáo dục cho thế hệ trẻ, thông qua các chương trình dựa trên các giá trị cốt lõi của Fika là sự phát triển, sự chân thực và cảm giác trao quyền. Vào năm 2022, bạn sẽ thấy nhiều sự kiện thú vị và ý nghĩa hơn do Fika tạo ra và chúng tôi cũng muốn trao quyền cho nhiều phụ nữ hơn”, CEO Thuỵ Điển gốc Việt chia sẻ.

Linh Lam
Nguồn CafeF