Dấu ấn Go Global của tỉ phú Việt

Dấu ấn Go Global của tỉ phú Việt

Vươn ra thế giới với những nền tảng, sản phẩm phục vụ thị trường toàn cầu là đích ngắm mới của những tỉ phú Việt Nam.

Theo cập nhật từ Forbes, tổng tài sản 6 tỉ phú giàu nhất Việt Nam tính đến ngày 28/12/2021 đã lên tới 19,7 tỉ USD, tăng gần 3 tỉ USD. Tổng tài sản của các tỉ phú Việt Nam chiếm khoảng 5,33% GDP. Số tỉ phú USD và tài sản của họ gia tăng phản ánh sự thành công của khối kinh tế tư nhân, đồng thời cho thấy sự chuyển biến mạnh mẽ trong các mô hình kinh doanh sau 30 năm Việt Nam đổi mới với nền kinh tế thị trường, hội nhập sâu rộng với thị trường thế giới.

Ông Phạm Nhật Vượng – Chủ tịch Hội đồng quản trị Vingroup

Thay đổi tầm vóc

Không phủ nhận nhiều doanh nhân của Việt Nam bước vào danh sách tỉ phú với bàn đạp từ bất động sản. Theo số liệu thống kê 20 người giàu nhất trên sàn chứng khoán Việt Nam, có 7 doanh nhân đến từ lĩnh vực bất động sản, chiếm đến 35%. Tuy nhiên, từ nền tảng ban đầu, các tỉ phú của Việt Nam đang mở rộng ra nhiều lĩnh vực khác để duy trì tăng trưởng cao và gia tăng tài sản.

Đáng chú ý, sau khi chinh phục thị trường nội địa, công ty của các tỉ phú Việt Nam đang đặt ra tham vọng bước ra thị trường toàn cầu để duy trì tốc độ tăng trưởng cao và mở rộng thị trường. Nữ tỉ phú Nguyễn Thị Phương Thảo gây ấn tượng trong năm 2021 khi ký biên bản ghi nhớ hợp tác, tài trợ đầu tư phát triển nghiên cứu, giáo dục với tổng giá trị 155 triệu bảng Anh với Viện Đại học Oxford.

Trong chuyến công tác sang Anh, các doanh nghiệp của bà Thảo ký nhiều thoả thuận giá trị hàng tỉ USD, trong đó có thoả thuận mua động cơ và dịch vụ động cơ cho đội tàu bay thân rộng Rolls-Royce 400 triệu USD. Với những hợp đồng này, sau khi bay cao với giấc mơ bay của người Việt, VietJet Air của nữ tỉ phú Nguyễn Thị Phương Thảo tiếp tục củng cố chiến lược mở rộng đường bay quốc tế. Với VietJet, thị trường quốc tế vẫn có dư địa lớn để phát triển, biên lợi nhuận tốt nhờ doanh thu phụ trợ (ancillary), cùng lợi thế chi phí nhiên liệu thấp đã gia tăng nguồn ngoại tệ cho hãng.

Ảnh: VietnamFinance

Giấc mơ bay của VietJet Air gắn liền với sự phát triển mạnh mẽ của kinh tế Việt Nam. Từ một trong những nước nghèo nhất trên thế giới trở thành nước có thu nhập trung bình khá và không chỉ vậy, Việt Nam đang là ngôi sao sáng trong các nền kinh tế mới nổi, với tốc độ tăng trưởng 6-7%/năm, ngang ngửa với Trung Quốc. Để tiếp tục duy trì tăng trưởng cao, Việt Nam cần có những doanh nghiệp “sếu đầu đàn” đủ lớn về quy mô và công nghệ để chinh phục thị trường thế giới, dẫn dắt doanh nghiệp nội địa trong việc hình thành và mở rộng chuỗi sản xuất, cung ứng, chuỗi giá trị trong nước cũng như quốc tế.

Nhiều năm qua, doanh nghiệp của các tỉ phú Việt Nam đã nỗ lực đi theo chiến lược toàn cầu (Go Global). Tỉ phú Trần Bá Dương đang đưa Thaco Trường Hải, Thaco Chu Lai trở thành trung tâm công nghiệp ô tô và logistics tập trung có quy mô lớn nhất cả nước và thuộc Top đầu khu vực Đông Nam Á. Thaco tái cấu trúc theo mô hình “tập đoàn trong tập đoàn” mở rộng sang nông nghiệp, dịch vụ, bán lẻ... “Thaco là tập đoàn công nghiệp đa ngành, trong đó các ngành bổ trợ cho nhau và có tính tích hợp cao, phát triển bền vững theo xu thế số hoá trong bối cảnh hội nhập khu vực và thế giới”, ông Trần Bá Dương, Chủ tịch Hội đồng quản trị Thaco cho biết.

Hai chữ “toàn cầu” cũng được nhắc đến nhiều nhất trên tiêu đề báo cáo thường niên suốt nhiều năm qua của Masan. Tỉ phú Nguyễn Đăng Quang đang đưa Masan trở thành doanh nghiệp hàng đầu của Việt Nam trong lĩnh vực sản xuất hàng tiêu dùng nhanh. Tập đoàn đang chuyển đổi nền tảng mới với mục tiêu phục vụ 30 – 50 triệu người tiêu dùng trên một nền tảng “tất cả trong một” (one-stop shop), đáp ứng đầy đủ các nhu cầu thiết yếu hằng ngày. Nền tảng này cùng cái bắt tay với Alibaba – một nền tảng thương mại điện tử toàn cầu sẽ giúp Masan nhanh chóng đưa sản phẩm ra thị trường thế giới.

“Nếu bạn muốn trở thành một thương hiệu toàn cầu, bạn phải đến Mỹ” là câu nói được nhiều CEO của các thương hiệu thành công toàn cầu khẳng định. Đáp ứng tiêu chuẩn công nghệ và an toàn cao của Mỹ đồng nghĩa với việc VinFast sẽ tạo dựng niềm tin vào thương hiệu, từ đó giúp tăng doanh số và sự công nhận ở các thị trường khác trên thế giới. Từ nay đến năm 2026, người đứng đầu Vingroup cho biết sẽ bán hàng trăm ngàn chiếc xe điện vào thị trường Mỹ. Trong khi đó, Vingroup đã thoái vốn ở nhiều mảng kinh doanh và dồn sức cho lĩnh vực công nghệ với động lực chính là xe VinFast.

Tỉ phú Phạm Nhật Vượng, Chủ tịch Vingroup, khẳng định phát triển ô tô điện là “cơ hội để Vingroup cũng như Việt Nam thay đổi được tầm vóc của mình”. Chọn Triển lãm ô tô Los Angeles để ra mắt 2 mẫu xe điện (EV) mới là VF e35 và VF e36, VinFast hướng tới thị trường ô tô lớn nhất thế giới để khẳng định thương hiệu quốc tế.

Trước đây, doanh nghiệp chỉ cần đưa được sản phẩm ra thị trường và đầu tư đổi mới, cải tiến là đã có thể tăng trưởng nhanh. Nhưng cách làm đó không còn phù hợp khi cạnh tranh đã diễn ra ở quy mô toàn thế giới trong bối cảnh kinh tế Việt Nam mở cửa hội nhập sâu rộng. Những năm gần đây, yếu tố tài nguyên không còn đóng góp nhiều cho tăng trưởng, trong khi lợi nhuận tính trên vốn đầu tư ngày càng giảm. Đổi mới mô hình tăng trưởng, lẽ ra khoa học công nghệ phải là nhân tố chính, thế nhưng thực tế công nghệ vẫn đóng góp rất thấp vào tăng trưởng của các doanh nghiệp.

Bệ phóng từ công nghệ

Số lượng và gia sản của các tỉ phú cũng phản ánh khả năng cạnh tranh của nền kinh tế. Chẳng hạn, Việt Nam thường được đánh giá là tụt hậu so với Thái Lan 20 năm. Năm 2021, Thái Lan có thêm 10 tỉ phú, vượt qua Singapore trở thành quốc gia có nhiều tỉ phú nhất khu vực Đông Nam Á.

Doanh nghiệp của các tỉ phú Thái Lan, Malaysia, Singapore, Indonesia thường so sánh với đối thủ ngoại để nắm bắt xu hướng của thế giới, có tầm nhìn bao quát và đi xa hơn. Đó cũng là cách mà các tỉ phú Việt Nam đang theo đuổi để bắt kịp các đối thủ.

Ẩn số về tỉ phú thứ 10 của Việt Nam được kỳ vọng đến từ cộng đồng startup, cộng đồng công nghệ. Việc hướng đến những nền tảng toàn cầu giúp Việt Nam có được những kỳ lân như VNG, VNLIFE, MoMo và hướng đến con số 10 kỳ lân trong những năm tới. Đây là kỳ vọng có thật khi Việt Nam đang phát triển nền kinh tế số, đào tạo công dân số... nhằm đi tắt và bắt kịp những trào lưu công nghệ mới nhất trên thế giới.

Ông Hoàng Đức Trung, Giám đốc Điều hành VinaCapital Ventures nhận định: “Chúng tôi kỳ vọng cộng đồng khởi nghiệp có thể tạo ra bước đột phá lớn trong các loại hình dịch vụ và sản phẩm kỹ thuật”. Bệ phóng cho những startup công nghệ như MoMo hay VNLIFE đang ngày càng rộng mở tại Việt Nam. Theo Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp Khoa học và Công nghệ (Bộ Khoa học và Công nghệ), vốn đầu tư khởi nghiệp tại Việt Nam năm 2021 đạt hơn 1,3 tỉ USD, tăng gấp 4 lần so với năm trước. Cả nước đã có hơn 3.800 startup với 3 kỳ lân, cùng với khoảng 11 doanh nghiệp được định giá trên 100 triệu USD.

Thực tế, sau Flappy Bird của anh Nguyễn Hà Đông, cộng đồng game thế giới tiếp tục chứng kiến một hiện tượng Axie Infinity – game NFT đắt giá nhất mọi thời đại. Sky Mavis, nhà phát triển game Axie Infinity, gọi vốn thành công 152 triệu USD từ Quỹ đầu tư Andreessen Horowitz, định giá công ty 3 tỉ USD với hơn 2 triệu người chơi.

Nói về thành công của game này, ông Nguyễn Thành Trung, sáng lập và điều hành Sky Mavis cho rằng: “Lịch sử đã chứng minh, khi có bất kỳ công nghệ nào mới, game luôn đóng vai trò cầu nối giúp người dùng dễ tiếp cận hơn. Ví dụ gần nhất là Facebook, ban đầu mình lên mạng xã hội là để chơi game với bạn bè, hoặc smartphone màn hình cảm ứng có game kinh điển là Angry Birds để mọi người quen với thao tác vuốt, chạm”.

Hoàng Hà
Nguồn Nhịp cầu Đầu tư