Chuỗi cung ứng thông minh trên nền tảng công nghệ internet vạn vật

Chuỗi cung ứng thông minh trên nền tảng công nghệ internet vạn vật

Các thiết bị IoT về cơ bản hoạt động như các máy tính mini có kết nối internet để truyền tải tín hiệu thông qua mạng lưới riêng hoặc công cộng.

IoT công nghiệp

Đối với các ngành sản xuất, IoT công nghiệp (Industrial IoT – IIoT) có thể giúp các doanh nghiệp xây dựng hệ thống trong nhà máy thông minh và tối ưu hoá các chuỗi cung ứng nhờ tự động hoá các hoạt động sản xuất, cho phép quản lý hàng tồn kho từ xa và các vấn đề môi trường, hỗ trợ bảo trì từ xa.

Tới 2025, các doanh nghiệp mới là nhóm đối tượng dùng các công nghệ IoT nhiều nhất chứ không phải người tiêu dùng.
Ảnh: TL

Theo Hiệp hội Thông tin di động thế giới, trên thế giới có khoảng trên 13 tỉ kết nối IoT trong năm 2020, con số này dự kiến sẽ tăng lên 24 tỉ vào năm 2025. Thực tế, IoT lại không phải một xu hướng hoàn toàn mới mẻ. Cụm từ “vạn vật kết nối” do nhà khoa học máy tính Kevin Ashton dùng lần đầu vào năm 1999, khi còn làm cho Proter & Gamble, ông là người đề xuất gắn chip nhận dạng qua tần số vô tuyến (Radio-frequency identification – RFID) lên sản phẩm để theo dõi hàng hoá vận chuyển trong chuỗi cung ứng.

Các thiết bị IoT về cơ bản hoạt động như các máy tính mini có kết nối internet. Có 5 thành phần chính trong hệ sinh thái IoT: phần cứng (ví dụ như thiết bị IoT thực tế), mạng lưới kết nối giải pháp IoT đến người dùng (ví dụ như wifi, mạng di động), phương tiện điều khiển từ xa cung cấp cho người dùng giao diện để kết nối vào giải pháp IoT (ví dụ như điện thoại thông minh, máy tính bảng, đồng hồ thông minh), nền tảng cung cấp công cụ phân tích (ví dụ như Amazon, Microsoft và Google đều có các nền tảng quản lý IoT), các giao thức an ninh để đảm bảo giải pháp IoT được bảo vệ (xem thêm báo cáo Age of Cybersecurity, tháng 4/2021).

Các thiết bị IoT về cơ bản hoạt động như các máy tính mini có kết nối internet.
Ảnh: McKinsey

Doanh nghiệp được dự báo là đối tượng dùng IoT nhiều nhất

Theo GSMA, tới 2025, các doanh nghiệp mới là nhóm đối tượng dùng các công nghệ IoT nhiều nhất chứ không phải người tiêu dùng. Tỷ lệ gia tăng trong nhóm doanh nghiệp chủ yếu đến từ các toà nhà thông minh (ví dụ như chiếu sáng, hệ thống sưởi, thông gió và điều hoà không khí (HAVC), an ninh và tự động hoá) với 2,9 tỉ thiết bị IoT mới đưa vào sử dụng. Theo sau đó là doanh nghiệp thông minh (1,8 tỉ bao gồm quản lý đội phương tiện, kiểm kê tài sản, nông nghiệp, dầu mỏ và khí đốt, khai thác mỏ và xây dựng) và sản xuất thông minh (1,2 tỉ – theo dõi hàng tồn kho, giám sát và chẩn đoán, quản lý kho hàng). Trong mảng tiêu dùng, nhà thông minh nhiều khả năng sẽ thúc đẩy ứng dụng IoT (1,9 tỉ).

Theo McKinsey, phần lớn các khoản đầu tư liên quan đến IoT sẽ đổ vào cải thiện hiệu quả vận hành và tận dụng tài sản nhà máy được kỳ vọng sẽ tạo ra 70-75% tổng giá trị tương lai cho các cơ sở nhà máy kết nối. Một khảo sát gần đây của Inmarsat cho thấy, hơn một nửa đối tượng tham gia khảo sát nói rằng những thách thức liên quan đến COVID-19 càng nhấn mạnh tầm quan trọng của IoT, trong khi đó, 47% đã thúc đẩy tiến độ triển khai các dự án IoT nhằm ứng phó với đại dịch. Khảo sát này cũng cho thấy những doanh nghiệp đã đẩy nhanh tiến độ triển khai IoT, hoặc có chiến lược IoT có khả năng vượt qua đại dịch tốt hơn.

47% doanh nghiệp có kế hoạch gia tăng mức đầu tư vào các công nghệ IoT nhằm giảm chi phí trong tương lai.
Ảnh: McKinsey

Một khảo sát khác của Gartner cho thấy, 47% doanh nghiệp có kế hoạch gia tăng mức đầu tư vào các công nghệ IoT nhằm giảm chi phí trong tương lai, trong đó Gartner ước tính tới năm 2023, một phần ba doanh nghiệp vừa và lớn đã triển khai IoT sẽ triển khai ít nhất một “công nghệ bản sao số” (digital twin) do COVID-19.

Mai Châu
Nguồn Nhịp cầu Đầu tư