Bước vào “mùa mua sắm trả đũa”

Bước vào “mùa mua sắm trả đũa”

Sau thời gian dài bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, các chương trình khuyến mãi được bung ra để thu hút mua sắm.

Hàng hiệu giảm tiền triệu

Chị Nguyễn Thuý Hạnh (ngụ quận 3), cho biết chị đang tìm mua váy và áo khoác để chuẩn bị cho lễ Noel và Tết Dương lịch. Hiện tại, nhiều cửa hàng đang giảm giá “sốc” từ 40-50% nên chị có rất nhiều sự lựa chọn. “Một cửa hàng trên đường Lê Văn Sỹ giảm giá váy từ 600.000 đồng xuống còn 299.000 đồng. Tối nay, tôi sẽ đi qua cửa hàng để lấy đồ về. Mùa này mua sắm dễ chịu lắm”, chị Hạnh nói.

Chị Trần Thanh Thuỷ, chủ một cửa hàng kinh doanh quần áo trên đường Cách Mạng Tháng Tám (quận 10), chia sẻ sau thời gian dài “chống chọi” với dịch bệnh thì đây là lúc các cửa hàng “vớt vát” lại doanh thu. Chị đang giảm giá từ 30-40% cho các mặt hàng như sơ mi, áo thun, quần jean để nhập lô hàng mới bán trong dịp Tết.

Nhiều trung tâm thương mại bắt đầu vào mùa bán hàng cuối năm với nhiều chương trình khuyến mãi
Ảnh: Đ.V

“Mấy ngày gần đây khách đông hơn so với bình thường. Người dân mua sắm quần áo để đi chơi Noel và Tết Dương lịch. Doanh thu của cửa hàng tăng khoảng 50% so với trước. Hy vọng từ nay đến Tết Nguyên đán, mọi việc sẽ sáng sủa và thuận lợi hơn”, chị Thuỷ cho hay.

Cuối năm cũng là dịp các đơn vị bán lẻ lớn tung ra những “cú đấm thép” vào thị trường. Điển hình như Supersport Việt Nam – hệ thống bán lẻ thời trang thể thao cao cấp của tập đoàn Central Retail đã ra mắt cửa hàng “khủng” diện tích hơn 2.100 m2 tại Trung tâm thương mại Crescent Mall (quận 7). Cửa hàng này quy tụ 32 thương hiệu thời trang nổi tiếng thế giới phục vụ các môn thể thao như chạy bộ, bóng đá, bơi lội, bóng rổ, gym, yoga…

Ghi nhận của Nhịp Cầu Đầu Tư, nhiều sản phẩm của “siêu cửa hàng” nói trên đang được giảm giá rất sâu. Điển hình như giày đá bóng Adidas Predator giá 4,5 triệu đồng/đôi giảm còn 2,7 triệu đồng/đôi, giày chạy bộ Nike giá 2,5 triệu đồng/đôi giảm còn 1,7 triệu đồng/đôi, áo thun Puma giá 700.000 đồng/áo giảm còn 400.000 đồng/áo…

Nhiều sản phẩm của các thương hiệu lớn giảm giá hàng triệu đồng
Ảnh: Đ.V

Chia sẻ với Nhịp Cầu Đầu Tư, ông Andrew Fairall – Giám đốc Điều hành mảng Thể thao – Đời sống của Central Retail Việt Nam, cho biết cuối năm là thời điểm rất phù hợp để đơn vị này ra mắt người tiêu dùng cửa hàng “xịn sò” của mình.

“Cửa hàng Supersports tại Crescent Mall phục vụ cho chiến lược xây dựng hệ thống one-stop shop cho cộng đồng thể thao, nơi hội tụ đầy đủ các sản phẩm dành cho mọi môn thể thao phổ biến tại Việt Nam. Chúng tôi sẽ tiếp tục mang nhiều thương hiệu và sản phẩm chất lượng hàng đầu thế giới đến thị trường trong thời gian tới”, ông Andrew Fairall hào hứng.

Xu hướng mua sắm sẽ ra sao?

Ông Nguyễn Huy Hoàng, đại diện Lazada Việt Nam nhận định, dịp cuối năm có 2 luồng xu hướng mua sắm đang diễn ra song hành. Xu hướng thứ nhất chính là mua sắm báo thù (revenge buying) là khái niệm chỉ hành vi mua thoả sức bù đắp khoảng thời gian dài không chi tiêu trước đó. Xu hướng thứ hai chính là mua sắm chánh niệm (mindful shopping) chỉ việc người tiêu dùng trở nên thận trọng trong chi tiêu và chỉ mua khi cần thiết. Hai luồng xu hướng này đang diễn ra song hành ở thời điểm hiện tại.

Ông Hoàng cho rằng, sau 5 tháng giãn cách xã hội, phần lớn người tiêu dùng không được mua sắm thoả thích và “nhớ nhung” cảm giác được chi tiêu. Do đó, giai đoạn “bình thường mới” kết hợp nhiều đợt sale lớn cuối năm, người tiêu dùng được kích thích để mua sắm, nhằm bù đắp cho khoảng thời gian ngưng trệ trước đó. Ngược lại, COVID-19 ảnh hưởng thu nhập của người lao động, không ít người lựa chọn cách chi tiêu cân nhắc hơn để dự phòng cho tương lai.

“Trong 5-6 tháng tiếp theo, 2 xu hướng mua sắm ‘báo thù’ và ‘chánh niệm’ sẽ song hành và tập trung mạnh trên kênh trực tuyến. Tuy nhiên sau đó, người tiêu dùng sẽ mua sắm bình tĩnh, tập trung vào các mặt hàng cần thiết và mức chi phí hợp lý. Đây cũng là diễn biến hợp lý khi biến chủng mới của COVID-19 khiến mọi người lo lắng và siết chặt chi tiêu”, ông Hoàng cho hay.

Theo báo cáo của Kantar WorldPanel, chi tiêu FMCG (nhóm hàng tiêu dùng nhanh) cho tiêu dùng tại nhà sẽ tăng trưởng tốt trong dịp cuối năm 2022 với mức chi tiêu gấp 2 – 3 lần so với ngày thường. Trong đó, khu vực thành thị có xu hướng mua sắm Tết sớm hơn với mức tăng trưởng 3% và khu vực nông thôn tăng 6% so với Tết 2021.

Riêng ở lĩnh vực thương mại điện tử, Deloitte dự đoán, doanh số thương mại điện tử trong các kỳ nghỉ lễ cuối năm sẽ tăng từ 11-15% so với cùng kỳ năm trước. Đại diện các nền tảng thương mại điện tử cũng cho rằng, tháng cuối năm là thời điểm “vàng” cho các doanh nghiệp bán lẻ và sàn thương mại điện tử “lên ngôi” nhờ nhu cầu mua sắm tăng cao. Các đơn vị đang gấp rút chuẩn bị hàng hoá nhằm đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng trong dịp này.

Đại Việt
Nguồn Nhịp cầu Đầu tư