Bán lẻ dược phẩm: Cuộc đua giữa Thế Giới Di Động và FPT Retail

Bán lẻ dược phẩm: Cuộc đua giữa Thế Giới Di Động và FPT Retail

FPT Retail đang tạo khoảng cách với Thế Giới Di Động trong mảng phân phối dược phẩm.

Thị trường dược phẩm gần đây nổi bật với sự tham gia của Công ty Bán lẻ Kỹ thuật số (FPT Retail) và Thế Giới Di Động (MWG). Sự sôi động của thị trường đang tạo ra màu sắc riêng cho các doanh nghiệp tham gia.

Long Châu tăng tốc

Chuỗi Long Châu do FPT Retail mua lại và vận hành từ 3 năm trước đã tăng trưởng mạnh mẽ. Theo báo cáo tài chính mới nhất, 9 tháng đầu năm 2021, riêng doanh thu chuỗi nhà thuốc Long Châu của FPT Retail đã là 2.529 tỉ đồng, gấp gần 3 lần cùng kỳ năm ngoái.

Lãnh đạo FPT Retail cho biết, kết quả kinh doanh ấn tượng này một phần nhờ đợt dịch COVID-19, nhu cầu thuốc tăng cao và chuỗi Long Châu vẫn được mở cửa xuyên suốt. Đến nay, chuỗi Long Châu đã phát triển lên 308 nhà thuốc, tăng thêm 108 nhà thuốc so với cuối năm ngoái. Với tốc độ này, Long Châu hoàn toàn tự tin sẽ chạm mốc 350 nhà thuốc vào cuối năm 2021.

Bên cạnh mở rộng chuỗi nhà thuốc, Long Châu còn xây dựng hệ thống bán hàng online, giao hàng đảm bảo, hệ thống kết nối, chăm sóc chu đáo... Kết quả, chỉ tính thời gian giãn cách phòng chống dịch, chuỗi nhà thuốc Long Châu đã ghi nhận đơn hàng online tăng gấp 10 lần so với trước dịch.

Thực tế, mô hình chuỗi đang tạo cho Long Châu nhiều ưu thế. Như lãnh đạo FPT Retail chia sẻ: “Việc kinh doanh theo chuỗi giúp Công ty có lợi thế về nguồn hàng, đàm phán với đối tác để bình ổn giá thuốc và trợ giá đơn hàng”. Theo giới quan sát, Long Châu có SKU (lượng đầu thuốc trong kho hàng) nhiều gấp 6-7 lần so với các nhà thuốc khác nên doanh thu trung bình tháng cao hơn các chuỗi khác. Cũng nhờ Long Châu trước khi về tay FPT Retail đã là chuỗi nhà thuốc lâu đời có tiếng, với gần 20 năm hoạt động và giá bán luôn thấp hơn 20% so với thị trường nên FPT Retail có điều kiện thuận lợi để khai phá vùng đất bán lẻ dược phẩm.

Lợi thế của một nhà bán lẻ điện tử, điện máy của FPT Retail cũng tạo thuận tiện cho công ty ứng dụng công nghệ vào chuỗi nhà thuốc hay FPT Retail có thể hỗ trợ mặt bằng cho chuỗi Long Châu thông qua việc chuyển đổi một số cửa hàng FPT Shop thành Long Châu.

Theo Business Monitor International (BMI), thị trường thuốc kênh OTC (không kê đơn) từ 3 năm trước đã chiếm 30% thị trường thuốc, tương đương 1,6 tỉ USD. Vì thế, dù đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt từ các chuỗi nhà thuốc khác và từ khoảng 57.000 nhà thuốc gia đình, chuỗi nhà thuốc Long Châu vẫn có nhiều dư địa tăng trưởng.

Thực tế, bán lẻ dược phẩm lâu nay dù có nhiều đối thủ tham gia như Pharmacity, Phano, Guardian... nhưng vẫn chưa có tay chơi nào chiếm lĩnh thị trường. Long Châu định vị là “cửa hàng bán thuốc với giá cả phải chăng”, tuyên bố đã tìm ra được công thức thành công và đã áp dụng mô hình chuỗi Long Châu tại TP.HCM cho các nhà thuốc ở tỉnh. Trong tương lai, khi thời điểm phù hợp, lãnh đạo FPT Retail cho biết sẽ phát triển chuỗi Long Châu tương tự như chuỗi Pharmacity, tức bán thêm mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, thực phẩm dinh dưỡng... Bởi đây là xu hướng của thế giới và bán sản phẩm ngoài thuốc cho tỉ suất lợi nhuận cao hơn bán thuốc.

FPT Retail đặt mục tiêu đến năm 2023 sẽ có lãi. Doanh số năm 2020 của chuỗi Long Châu đã tăng 133% so với năm trước, đạt 1.191 tỉ đồng. Năm 2021, doanh số ở chuỗi Long Châu vẫn tiếp tục tăng mạnh. Theo Công ty Chứng khoán Phú Hưng (PHS), chuỗi Long Châu sẽ là động lực tăng trưởng dài hạn của FPT Retail.

An Khang bắt đầu cuộc đua

Cũng như FPT Retail, Vingroup và các tên tuổi ngoại như Pharmacity, Watsons, Guardian... Thế Giới Di Động nhìn thấy cơ hội trong thị trường bán lẻ dược phẩm. Năm 2017, công ty này nhảy vào bán lẻ dược phẩm khi chi 62 tỉ đồng mua lại 49% vốn điều lệ ở chuỗi nhà thuốc Phúc An Khang và đổi tên thành An Khang.

Tuy nhiên, do Thế Giới Di Động không thể dồn lực vào chuỗi nhà thuốc An Khang, bởi còn phải ưu tiên phát triển chuỗi Bách hoá Xanh nên đã tạm dừng đầu tư vào bán lẻ dược phẩm. Ngoài ra, trong khi FPT Long Châu là công ty con của FPT Retail và hãng này quyết dốc sức cho mảng bán lẻ dược phẩm, thì đối với Thế Giới Di Động, chuỗi An Khang chỉ là liên kết và là một bước thử nghiệm. Trước đó, ông Nguyễn Đức Tài, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần Đầu tư Thế Giới Di Động, từng cho biết: “Thị trường dược phẩm tại Việt Nam còn rất phức tạp nên Thế Giới Di Động vẫn giữ một chân trong thị trường này để tìm hiểu chứ chưa có ý định phát triển mạnh trong thời gian ngắn”.

Cửa hàng của Pharmacity
Ảnh: Quý Hoà

Cho đến năm ngoái, trong khi FPT Retail tăng tốc ở chuỗi Long Châu và bắt đầu thu gặt những kết quả ấn tượng, thì Thế Giới Di Động gần như im lìm ở mảng bán lẻ dược phẩm. Chuỗi An Khang vẫn đang thua lỗ khiến Thế Giới Di Động lỗ luỹ kế từ khi đầu tư vào chuỗi An Khang đến cuối tháng 6/2021 gần 16 tỉ đồng, tức giảm 25% so với số tiền đầu tư ban đầu. Dù vậy, công ty đã chú ý đến mảng bán lẻ dược phẩm hơn khi gia tăng mở nhà thuốc An Khang trong cửa hàng Bách hoá Xanh diện tích lớn. Cụ thể, Thế Giới Di Động dự tính bố trí diện tích 20-30 m2 cho nhà thuốc trong các cửa hàng Bách hoá Xanh và ước đạt 100-150 hoá đơn/ngày, với doanh thu từ 200-300 triệu đồng/tháng.

Tính đến cuối tháng 9/2021, An Khang có 119 nhà thuốc hoạt động, tăng thêm đáng kể so với con số 68 nhà thuốc vào cuối năm 2020. Trong đó, trên 80% là nhà thuốc đi cùng mô hình Bách hoá Xanh. Về kinh doanh, 9 tháng đầu năm 2021, chuỗi nhà thuốc An Khang đã ghi nhận doanh thu tăng trưởng mạnh mẽ, gấp 5 lần so với cùng kỳ năm 2020. Đây là tín hiệu tích cực và hứa hẹn mở ra những chuyển biến mới cho chuỗi nhà thuốc An Khang.

Việt Nam được xếp vào nhóm những nước có ngành dược mới nổi. Dân số đang bước vào giai đoạn già hoá với tốc độ già hoá dân số nhanh nhất từ trước đến nay, tỉ trọng dân số từ 65 tuổi trở lên là 6,5% vào năm 2017 dự kiến đạt 21% vào năm 2050 đồng nghĩa nhu cầu chăm sóc sức khoẻ tăng lên. Đây là những yếu tố khiến cuộc đua bán lẻ dược phẩm vẫn hứa hẹn sôi động và quyết liệt.

Ngọc Thuỷ
Nguồn Nhịp cầu Đầu tư