Mai Linh trên những dặm đường tìm lại mình

Sau nhiều năm “mất thắng”, cái giá phải trả của Mai Linh Group để trở lại “ngày xưa” của mình thật đắt.

Công ty cổ phần Tập đoàn Mai Linh (MLG), người hùng thuở nào từng có lúc vươn mình ôm lấy 72 ngành nghề kinh doanh ở 50 tỉnh thành khắp cả nước, hiện đang tìm mọi cách để “giảm cân”. Như các doanh nghiệp trót có “thân hình” quá khổ, lại bị nợ nần đeo đuổi và thua lỗ, Mai Linh chỉ ước sao mau lấy lại phong độ khỏe mạnh trước đây của một công ty kinh doanh taxi hiệu quả.

Những chặng đường đã qua

Ngày 28/6/2013, tại Đại hội cổ đông, Ban lãnh đạo MLG đã công bố các con số kinh doanh đáng buồn. Kết quả kinh doanh của MLG năm 2012 chỉ rõ, lợi nhuận sau thuế của công ty mẹ là 1,86 tỷ đồng, nhưng hợp nhất toàn hệ thống lại đang lỗ 33 tỷ đồng. Còn trong vòng 5 năm từ 2007 – 2012, với tư cách “chàng khổng lồ đa ngành”, MLG đã lỗ 380 tỷ đồng. Tuy so với số lỗ 196 tỷ của năm trước đó thì số lỗ trong năm 2012 của MLG đã giảm được tới hơn 83%, nhưng có lẽ với các nhà đầu tư của MLG, những người sở hữu cổ phần mà chưa biết hình thù đồng cổ tức thế nào, thì đây vẫn là một trái đắng khó nuốt trôi.


Mai Linh đã giảm được 150 tỷ đồng tiền nợ vào năm 2012. Tuy nhiên, số nợ 850 tỷ đồng còn lại vẫn là một sự đe dọa đáng kể

Suốt năm vừa qua, MLG đã phải đối mặt với con số nợ khủng lên tới 1.000 tỷ đồng. Và chỉ riêng những tháng đầu năm 2013, công ty này đã tổ chức tới 8 cuộc tiếp xúc với nhiều đối tác, sau đó đạt thỏa thuận được với hơn 500 nhà đầu tư cá nhân để có thể gia hạn hợp đồng hợp tác kinh doanh 2 năm, giảm tỷ lệ lãi suất cho vay xuống còn 14%/năm và nhận lãi chậm trung bình 2 quý. Cùng với nhiều nỗ lực khác, MLG đã thu xếp giảm được 150 tỷ đồng tiền nợ vào năm 2012.

Hiện nay, con số 850 tỷ đồng nợ nần vẫn là một sự đe dọa đáng kể với MLG. Vì vậy, công ty này tiếp tục phải tìm giải pháp mới. Đó là việc phát hành 100 triệu cổ phiếu cho các cổ đông chiến lược để tăng vốn thêm 1.000 tỷ đồng trong năm 2013. Công ty đang hy vọng nếu có được số tiền quý báu này họ có thể sử dụng 800 tỷ đồng để thanh toán nợ vay ngắn hạn, số còn lại dùng vào đầu tư phát triển.

Để có ngày trở về

Tuy nhiên, để trở lại chính mình, việc giải quyết nợ nần chỉ là một phương sách. Để có thể tiếp tục đi đường dài, MLG đang sử dụng một phương án mới có tên là “Một Mai Linh”, tức là: Một văn phòng – Một bộ máy điều hành quản lý – Một nguồn tài chính chung hợp nhất – Một người quản lý. Đây có thể coi là phương án sống còn mà Tập đoàn Mai Linh sẽ đeo đuổi trong vòng từ 3-5 năm. Theo đó, công ty sẽ đi theo quá trình chuyển đổi từ một tập đoàn đa ngành nghề trở lại mô hình cũ, chỉ tập trung vào một lĩnh vực chính là taxi. Tập đoàn cũng sẽ thực hiện thoái vốn, thanh lý tài sản ở tất cả các ngành nghề không liên quan như: giáo dục, thương mại, xây dựng… và kể cả vận tải đường dài Mai Linh Express.

Theo phương án này, với sự trợ thủ đắc lực từ nhà tư vấn PwC, MLG đang tiến hành tái cơ cấu bằng việc cắt giảm các chi phí quản lý không thích hợp. Chỉ tính riêng bộ máy văn phòng của tập đoàn, từ 300 người nay chỉ giữ lại 80 người. Nếu tính chung cả khối văn phòng gián tiếp toàn hệ thống thì MLG đã giảm được tới 388 người, khoảng18,6%. Bộ máy quản lý bây giờ chỉ còn phân theo 3 vùng lớn là Bắc – Trung – Nam; các địa bàn kinh doanh được phân định lại. Các cấp quản lý trung gian tại Đông, Tây, Nam Trung Bộ và Tây Nguyên bị xóa bỏ. Và dù rất đau đớn, nhưng Mai Linh đã phải cho tạm ngưng hoặc giải thể hàng loạt công ty trực thuộc như: Trạm dừng chân Cái Bè, Công ty cổ phần Năng lượng Mai Linh… kinh doanh không hiệu quả. Tại Vị Thanh (Hậu Giang) kinh doanh taxi của Mai Linh đã tạm ngưng do quy mô thị trường nhỏ, nguồn thu không đủ bù đắp chi phí lớn.


Hàng loạt các đơn vị của MLG từng rải ra ở khắp Phú Quốc, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau, Cao Lãnh, Bình Phước… nay đã chuyển sang khai thác nhượng quyền hay khoán kinh doanh để giảm gánh nặng. Tập đoàn đã thực sự đầu tư mạnh vào hệ thống nhân sự làm việc trực tiếp để kiếm ra doanh số với 93,5%, nhân sự làm việc gián tiếp chỉ còn 6,5% mà thôi. Bên cạnh đó, MLG cũng cố gắng tiết kiệm tối đa. Năm 2012, tiết kiệm dầu nhớt xe đã làm lợi cho công ty 10 tỷ đồng. Ban Vật tư của MLG cũng đã làm việc lại với các nhà cung cấp và ký được những hợp đồng có chi phí rẻ hơn 20% so với trước. Năm 2012, giảm1,5% chi phí bán hàng đã giúp MLG tiết kiệm được 42,2 tỷ đồng; giảm 0,4% chi phí quản lý đã tiết kiệm 9 tỷ đồng; giảm 1% chi phí giá vốn giúp tiết kiệm 31,1 tỷ đồng…

Một hoạt động khác cũng giúp cho MLG có thể tái cơ cấu tốt hơn là triển khai mạnh mẽ chính sách xe thương quyền. Đây là cách giúp cho Mai Linh có thêm thu nhập từ việc bán thương quyền. Đồng thời việc đưa xe thương quyền về xưởng, sáp nhập xưởng, chuyển xưởng từ đất thuê về đất của mình đã giảm bớt chi phí và tăng thêm thu nhập cho nhân viên sửa chữa xe, tăng thêm doanh thu cho các xưởng sửa chữa, đồng thời kiểm soát chất lượng xe thương quyền…

Theo ông Hồ Huy, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc MLG, giờ đây công ty này chỉ còn tập trung vào chiến lược duy nhất với nghiệp taxi. Năm 2013 này sẽ là thời điểm mà Mai Linh cố gắng đẩy việc kinh doanh taxi lên cùng với các dịch vụ bảo trì và các hoạt động thương mại. 1.244 phương tiện mới cũng sẽ được Mai Linh ưu tiên đầu tư trong thời gian này để có thể phục vụ khách hàng tốt hơn. Về thị trường trọng điểm, sau năm chinh chiến ở khắp 50 tỉnh thành trong cả nước, thậm chí có cả dự định tiến quân sang cả Lào và Campuchia, Mai Linh hiện chỉ muốn tập trung vào các thành phố lớn như: Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, Cần Thơ, Nha Trang. Cùng lúc là nỗ lực hơn trong việc tăng cường điểm tiếp thị tại các khu dân cư và đô thị mới cũng như nâng cao chất lượng phục vụ.

MLG cũng đã đặt ra một chỉ tiêu khiêm tốn là năm 2013 sẽ có thể đạt doanh thu hợp nhất 2.900 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế toàn hệ thống đạt 22 tỷ đồng. Cổ đông của Mai Linh hy vọng đây sẽ là những đồng lợi nhuận đầu tiên mà họ có thể nhìn thấy sau nhiều năm công ty “lỗ dai dẳng, nợ đeo đuổi”.

Nguồn Doanh Nhân Online