Masan huy động vốn để thâu tóm?

Trong lúc các doanh nghiệp Việt Nam "khát" tiền trầm trọng thì mấy năm qua, Masan đã thu hút hơn 1 tỉ USD từ các tổ chức tài chính trong và ngoài nước.

Tập đoàn Masan (MSN) vừa thông báo về việc huy động thành công khoản vay trị giá 175 triệu USD. Với khoản tiền này, MSN được sử dụng để tái cấp vốn cho khoản vay 108 triệu USD và tiếp tục đầu tư thêm vào các mảng kinh doanh hàng tiêu dùng của Tập đoàn Masan.


Tập đoàn tài chính lớn JP Morgan và các công ty liên kết đã cung cấp cho Masan Industrial, công ty con của Masan Consumer một khoản vay trị giá 175 triệu USD có thời hạn 3 năm. Trong đó có 150 triệu USD được sự bảo lãnh của Tổ chức Bảo lãnh đầu tư đa phương (MIGA) là một thành viên của tổ chức Ngân hàng Thế giới World Bank.

Thu hút đầu tư lớn

Masan là công ty đầu tiên thuộc khối kinh tế tư nhân ở Việt Nam và Đông Nam Á nhận được sự hỗ trợ của MIGA đối với một khoản vay tài chính doanh nghiệp. Hơn nữa, đây còn là khoản vay tài chính doanh nghiệp lớn nhất mà MIGA từng hỗ trợ đối với một công ty thuộc khối kinh tế tư nhân trên phạm vi toàn cầu.

Với nỗ lực của mình, Tập đoàn Masan đã không ngừng đổi mới các tiêu chuẩn về an toàn và môi trường nhằm tuân thủ các tiêu chuẩn quốc tế nên World Bank đã xếp Masan Consumer vào dự án nhóm B do các tác động môi trường và xã hội được hạn chế mức tối thiểu.

Trước đó, Quỹ đầu tư tăng trưởng của TPG của Mỹ cũng đã mua lại 49% sở hữu của Masan Agriculture với giá 50 triệu USD. Masan Agriculture (Hoa Mười Giờ) là công ty đang sở hữu 40% cổ phần Công ty CP Sản xuất Thức ăn gia súc Việt Pháp - Proconco (Cám Con Cò). Với giao dịch này, TPG đang tin tưởng gửi gắm "giấc mơ nông nghiệp" của mình ở Việt Nam cho đối tác Masan. Đây cũng là khoản đầu tư lớn nhất trong 3 khoản đầu tư của TPG tại Việt Nam trong gần 7 năm qua.

Công thức của Masan là kết hợp tri thức bản địa, chuyên môn quốc tế, và nguồn vốn mạnh. Với công thức này, Masan đã thành công trong nhiều khoản đầu tư mà tập đoàn này thực hiện. Masan đã xây dựng Masan Consumer thành một công ty hàng tiêu dùng hàng đầu của Việt Nam chỉ trong khoảng thời gian 5 năm.

Nhờ đó, giá trị thị trường của Masan Consumer đã tăng từ mức 300 triệu USD (năm 2008) lên khoảng 2,3 tỷ USD hiện nay. Các sản phẩm của Masan Consumer như tương Chinsu, nước mắm Nam Ngư hay mì ăn liền Omachi đã trở nên thân thuộc và là đồ ăn hàng ngày của phần lớn các gia đình Việt.

Thành công qua thâu tóm

Masan Group là trung tâm của các cuộc mua bán - sáp nhập (M&A). Từ việc tăng cường sở hữu ngân hàng Techcombank từ 20% lên hơn 30% cho đến thương vụ Núi Pháo đình đám nhất Việt Nam đều do Masan đạo diễn.


Để sở hữu 70% Núi Pháo, Masan Group không trả tiền mặt mà phát hành hối phiếu nhận nợ cho bên bán (gồm Dragon Capital và cổ đông khác). Theo đó, bên bán sẽ nhận được tiền mặt chỉ khi hối phiếu này đến hạn vào năm 2017, hoặc quyền chọn mua cổ phiếu Masan Group sau 3 - 5 năm.

Trước đó, Masan Group đã mua thành công Công ty Thương mại Đầu tư Thái Nguyên (nắm giữ 15% Núi Pháo) cũng bằng phương pháp phát hành cổ phiếu. Kết quả là đến cuối năm 2010, Masan Group giữ tổng cộng 80% Núi Pháo. Masan đã huy động được tới hơn 400 triệu USD từ các nhà đầu tư và đối tác tài chính trong và ngoài nước cho dự án. Theo tiến độ, dự án Núi Pháo được vào khai thác trong Quý II/2013.

Các mô hình tương tự về việc kết hợp giữa tri thức địa phương, công nghệ quốc tế, và nguồn vốn mạnh đang được Masan áp dụng trong các khoản đầu tư khác ở như tại Vĩnh Hảo và VinaCafe Biên Hòa...

Masan đã nêu rõ kế hoạch xây dựng một chuỗi giá trị "giống sạch - thức ăn sạch - nuôi sạch - chế biến sạch - phân phối, bảo quản sạch" và đưa vào vận hành trong năm 2013. Masan Group sẽ chủ yếu tập trung vào làn sóng tăng trưởng tiếp theo của một mảng kinh doanh rộng lớn hơn; đó là mảng kinh doanh hàng tiêu dùng tại Việt Nam.

Công thức của Masan là kết hợp tri thức bản địa, chuyên môn quốc tế, và nguồn vốn mạnh.

Trong lúc tình hình kinh tế khá ảm đạm, Masan Consumer cũng thông báo sắp hoàn tất thêm thương vụ mua lại Bia Phú Yên, một công ty chuyên sản xuất bia cho Sabeco (nhà sản xuất bia lớn nhất Việt Nam). Ngoài ra, Masan Consumer còn sở hữu một công ty con mang tên Masan Food chuyên sản xuất nước chấm, mì gói.

Hiện nay, giá trị vốn hóa thị trường của Masan Group trên 4 tỷ USD. Masan Group thể hiện khả năng bậc thầy trong kiến trúc tài chính hiện đại để đưa một công ty thuần tư nhân phát triển nhanh như chớp theo mô hình sở hữu tài sản (asset holding - mua lại các tài sản, công ty) đầu tiên của Việt Nam.

Trong lúc các doanh nghiệp Việt Nam "khát" tiền trầm trọng thì mấy năm qua, Masan đã thu hút hơn 1 tỉ USD từ các tổ chức tài chính trong và ngoài nước. Masan Group đã dùng nội lực "phi dòng tiền", trao đổi cổ phần qua lại giữa các công ty con trong cùng tập đoàn, vừa kết hợp với nguồn tiền thực đến từ các tổ chức tài chính quốc tế.

Masan đã tăng vốn thần tốc và tham gia nhiều vụ mua bán sáp rất lớn để trở thành tập đoàn hàng đầu như hiện nay. Tập đoàn này còn hút được nguồn tiền mặt thực sự từ nhiều định chế tài chính quốc tế. Các cổ đông nước ngoài đầu tư vào Masan Group đều thuộc hàng danh tiếng thế giới và chất lượng của nhà đầu tư đều tăng dần qua từng giai đoạn tăng vốn của tập đoàn này.

Nguồn Dùng hàng Việt