Startup trong hệ sinh thái 5G

Startup trong hệ sinh thái 5G

Hệ sinh thái di động đang được mở rộng sang các ngành công nghiệp mới và tạo cơ hội lớn cho cộng đồng khởi nghiệp Việt Nam.

Một trong các dự án rất hữu ích của Công ty AIOZ ứng dụng trong đợt dịch COVID-19 là Robot Beetlebot. Robot này có thể giúp đỡ, hỗ trợ y, bác sĩ ở các tuyến đầu chống dịch tránh việc tiếp xúc với bệnh nhân. Chỉ cần lên lịch trình điểm đến trên điện thoại, Beetlebot sẽ tự động di chuyển và giao các nhu yếu phẩm đến cho bệnh nhân đang cách ly nhằm hạn chế việc lây nhiễm chéo. Beetlebot còn có nhiều tính năng rất tiện ích trong mùa dịch như phun, xịt, khử khuẩn; cảnh báo, nhắc nhở bệnh nhân đeo khẩu trang và giữ khoảng cách an toàn...

Tính thiết thực của giải pháp này đã giúp AIOZ giành Giải Nhì vòng chung kết mùa giải đầu tiên của Cuộc thi Thử thách Đổi mới Sáng tạo Qualcomm Việt Nam (QVIC). Cuộc thi này đã mang tới cho 9 công ty khởi nghiệp đầy triển vọng các chương trình huấn luyện kinh doanh, đào tạo kỹ thuật và khuyến khích việc nộp hồ sơ cấp bằng sáng chế và chọn ra 3 đội chiến thắng để được nhận tổng giải thưởng tiền mặt có giá trị 225.000 USD.

Ngoài AIOZ, Giải Nhất còn dành cho Rostek. Đây là phương tiện tự hành dẫn đường tự động (AGV) và hệ thống quản lý phương tiện của Rostek cung cấp giải pháp số hoá, công nghệ cao giúp vận chuyển hàng hoá trong nhà kho và trên sàn nhà máy. Giải Ba dành cho bản đồ BusMap (Phenikaa Maas) với hệ thống camera hỗ trợ bởi trí tuệ nhân tạo (A.I) cho phép người dùng theo dõi các yếu tố an toàn khi điều khiển phương tiện, bổ sung khả năng giám sát và nhận dạng hình ảnh mạnh mẽ trên thiết bị, giúp đảm bảo an toàn cho cả người lái và hành khách...

Giải Nhất còn dành cho Rostek
Ảnh: TL

Anh Trần Quang, đồng sáng lập và quản lý Công ty AIOZ Việt Nam, cho biết, giải pháp của Rostek đã được triển khai tại nhiều doanh nghiệp ở Việt Nam. Thực tế, ngày càng có nhiều các sản phẩm A.I và Robotics được ứng dụng trong đời sống, giải quyết các vấn đề cấp bách của tổ chức, xã hội và các doanh nghiệp. Chiến thắng trong cuộc thi cũng khẳng định năng lực của Việt Nam trong lĩnh vực này. “Việt Nam sẽ trở thành một nước tự động hoá với sự xuất hiện của A.I và Robot trong tương lai không xa”, anh Quang cho biết.

Trong khi đó, Tập đoàn Phenikaa đã công bố đầu tư 1,5 triệu USD vào BusMap. Đây được coi là một tin vui cho giới khởi nghiệp trong nước, cho thấy sự quan tâm của các tập đoàn lớn dành cho những công ty trẻ tiềm năng. Chị Nguyễn Bích, quản lý nhóm BusMap, cho biết, giải pháp này đang có 2 triệu người dùng, được định hướng trở thành một doanh nghiệp cung cấp các giải pháp, sản phẩm và dịch vụ thúc đẩy mạnh mẽ quá trình chuyển đổi số toàn diện trong lĩnh vực giao thông thông minh, thành phố thông minh cho cả thị trường Việt Nam và nước ngoài.

Theo Tiến sĩ Trần Mỹ An, Phó Chủ tịch, Kỹ thuật mảng sáng chế công nghệ Qualcomm, công ty này đang tìm kiếm và nuôi dưỡng các công ty khởi nghiệp sáng tạo của Việt Nam để hỗ trợ Việt Nam chuyển đổi sang nền kinh tế định hướng đổi mới sáng tạo. “Những startup thắng giải lần này, ngoài hỗ trợ về tài chính, kỹ thuật, còn được chúng tôi hỗ trợ tham gia các hội chợ công nghệ tại Đài Loan, Mỹ... để tìm kiếm cơ hội đầu tư, mở rộng thị trường”, Tiến sĩ Mỹ An trả lời NCĐT.

Đặc biệt, Việt Nam, Lào và Campuchia đang phát triển mạng 5G và mở rộng hệ sinh thái di động sang các ngành công nghiệp mới. Dự kiến có hơn 13.000 tỉ USD lợi ích kinh tế được tạo ra bởi mạng 5G thông qua các lĩnh vực như nông nghiệp, xây dựng, giáo dục, chăm sóc sức khoẻ, sản xuất, bán lẻ, thành phố thông minh... Trước xu hướng này, sẽ có nhiều cơ hội bùng nổ trong hệ sinh thái không dây tại Việt Nam thông qua các nền tảng công nghệ như dữ liệu di động (5G, 4G, NB-IOT), học máy, A.I, camera thông minh...

Với tiềm năng của thị trường Việt Nam, Qualcomm đã thành lập Trung tâm Nghiên cứu và phát triển (R&D) đầu tiên ở Đông Nam Á, phát triển công nghệ không dây (4G, 5G), IoT... Mới đây, Viettel cũng đưa vào vận hành Viettel Innovation Lab – phòng thí nghiệm về các công nghệ 4.0 hoàn chỉnh và hiện đại nhất Đông Nam Á đặt tại Hà Nội và TP.HCM.

Ông Thiều Phương Nam, Tổng Giám đốc Qualcomm Đông Dương, cho biết, việc làm chủ công nghệ mới, đặc biệt như 5G và A.I rất quan trọng với Việt Nam. “Tôi cũng kỳ vọng rằng từ 2 phòng lab này, nhiều công ty công nghệ của Việt Nam có thể đưa những ý tưởng sáng tạo chuyển thành sản phẩm dịch vụ cụ thể, đáp ứng không chỉ cho nhu cầu Việt Nam, mà còn nhắm tới xuất khẩu”, ông Nam cho biết.

Hà Cúc
Nguồn Nhịp cầu Đầu tư