Hoà Phát muốn “chia bánh” tỉ USD trong thị trường điện gia dụng

Hoà Phát muốn “chia bánh” tỉ USD trong thị trường điện gia dụng

Thị trường điện máy gia dụng chính thức có thêm một gương mặt mới là Hoà Phát.

Hội đồng quản trị của Tập đoàn Hoà Phát (HPG) vừa thông qua Nghị quyết thành lập Công ty Cổ phần Điện máy gia dụng Hoà Phát với vốn điều lệ 1.000 tỉ đồng. Trong đó, Hoà Phát nắm gần như toàn bộ, với 99,9% vốn.

Như vậy, Hoà Phát chính thức tham gia cùng một sân chơi với những tên tuổi như Panasonic, LG, Philips, Daikin, Mitsubishi, Nagakawa... (nước ngoài), Sunhouse, Asanzo, Sanaky, Kangaroo, Karofi, VTB... (trong nước/liên doanh).

Thị trường điện máy gia dụng khá sôi động và nhiều tiềm năng. Theo số liệu từ Bộ Công Thương, hàng tiêu dùng gia dụng chiếm 9% tổng gói tiêu dùng cá nhân và đứng thứ 4 về quy mô tiêu dùng. Trong tương lai, dù 70% hộ gia đình Việt Nam đã sở hữu những mặt hàng điện máy gia dụng cơ bản, theo Euromonitor, nhưng với tuổi trung bình ở Việt Nam là 31 tuổi – độ tuổi mua sắm cao và thu nhập người dân đã cải thiện (bình quân 3.000 USD/người/năm) thì nhu cầu mua mới hoặc đổi sang mặt hàng cao cấp hơn sẽ vẫn tăng. Nghiên cứu của Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam (AVR) cho thấy, tốc độ tăng trưởng của phân khúc cao cấp trong thị trường bán lẻ đang tăng nhanh gấp đôi so với các phân khúc khác.

Đây có lẽ là cơ sở để các công ty dấn bước sâu hơn vào thị trường điện máy gia dụng
Ảnh: Quý Hoà

Đây có lẽ là cơ sở để các công ty dấn bước sâu hơn vào thị trường điện máy gia dụng. Năm ngoái, khi tiến công thị trường gia dụng Việt Nam, ông Andy Deng, Tổng Giám đốc Gree Việt Nam, nhận định: “Việt Nam là mảnh đất màu mỡ để Gree đầu tư và phát triển sản phẩm mới”. Theo Hiệp hội Công nghiệp máy lạnh Nhật, doanh số bán điều hoà ở Việt Nam đã tăng gấp 3 lần, đạt khoảng 1,35 tỉ USD, trở thành thị trường tiêu thụ điều hoà lớn thứ 3 tại Châu Á, chỉ sau Ấn Độ và Malaysia.

Ngay những công ty chỉ chuyên về phân phối điện thoại, ICT như Digiworld cũng lên kế hoạch lấn sân sang ngành thiết bị gia dụng. Theo Digiworld, đây là thị trường có quy mô 2,4 tỉ USD và còn rất nhiều tiềm năng phát triển. Tại Đại hội cổ đông năm nay, ông Đoàn Hồng Việt, CEO của Digiworld, đặt mục tiêu cố gắng chiếm thị phần đáng kể ở thị trường này.

Về phần Hoà Phát, theo kế hoạch công bố, sẽ ủy quyền cho Phó Tổng Giám đốc Nguyễn Thị Thảo Nguyên chịu trách nhiệm mảng này và quản lý các hoạt động đầu tư, kinh doanh sản xuất điện lạnh điện gia dụng của Hoà Phát.

Thực tế, ở mảng điện gia dụng, Hoà Phát cũng có lợi thế riêng. Trong quá khứ, Hoà Phát từng lập công ty con về điện máy dân dụng. Nhưng công ty này có quy mô khá nhỏ và chỉ tập trung vào tủ lạnh, tủ đông, tủ mát, với thương hiệu là Hoà Phát và Funiki. Cho đến hiện tại, Funiki chiếm thị phần chưa đáng kể so với các ông lớn như Daikin, LG, Panasonic, Toshiba, Sharp, Casper.

Đây là những tên tuổi ăn nên làm ra tại Việt Nam. Báo cáo năm 2020 của Panasonic ghi nhận doanh thu hơn 13.500 tỉ đồng, còn Daikin từ 2 năm trước đã trên 12.000 tỉ đồng. Casper dù có xuất phát điểm khá thấp nhưng năm 2020 cũng bứt phá ngoạn mục, với doanh thu hơn 3.450 tỉ đồng, gấp 3 lần Hoà Phát.

Dù doanh thu không bì được với các hãng lớn nhưng năm 2020 mảng điện lạnh của Hoà Phát vẫn mang về lợi nhuận ròng tích cực cho Tập đoàn, với 142 tỉ đồng, tăng 34% so với năm trước. Sắp tới, khi Hoà Phát lập thêm công ty và tổ chức lại mảng này, giới đầu tư kỳ vọng, tỉ trọng đóng góp của điện gia dụng sẽ cao hơn và hứa hẹn một cuộc đua mới của Hoà Phát.

Lợi thế khác cho mảng điện gia dụng của Hoà Phát là công ty có những nền tảng hỗ trợ từ tập đoàn. Hoà Phát hiện dẫn đầu về ngành thép và đã mở rộng sang cả các lĩnh vực mới như bất động sản, nông nghiệp, sản xuất container... Vị thế này đã và sẽ tiếp tục củng cố sức mạnh về vốn, đất đai, nguyên liệu, công nghệ, nhân lực, mạng lưới, thương hiệu... Một khi tiến sâu vào mảng điện gia dụng, Hoà Phát có thể sản xuất chuyên nghiệp, đạt năng suất, quy mô, chất lượng cao mà vẫn giảm được chi phí sản xuất, hạ giá thành phẩm, tăng sức cạnh tranh trước các đối thủ.

Tuy nhiên, điện gia dụng không phải là miếng bánh dễ xơi khi liên tục xuất hiện những tay chơi mới như Casper, Ffalcon, Mobell, Hisense, Hafele, Galanz, Beko, MDV... Với những người đi trước, bài toán trụ vững và phát triển luôn là thách thức. Không ít doanh nghiệp như Kangaroo chấp nhận kinh doanh không lãi để cạnh tranh với hàng ngoại nhập. Hay VTB, Darling, Sunhouse, Sanaky, Karofi... cố gắng đầu tư sản xuất, lắp ráp trong nước để cạnh tranh về giá.

Các hãng cũng phải trăn trở tìm tòi để sáng tạo những sản phẩm mới, có nhiều tính năng, mẫu mã hợp thị hiếu, với giá rẻ hơn 10-20% so với sản phẩm nhập khẩu cùng loại. Hãng và các đại lý cũng thường xuyên triển khai các chương trình khuyến mãi để thu hút khách hàng như hỗ trợ mua trả góp không lãi suất, thời gian bảo hành gấp 2-3 lần thương hiệu ngoại, thời hạn đổi trả hàng dài hơn.

Một thách thức của Hoà Phát và các thương hiệu nội là không ít người Việt vẫn có tâm lý thích hàng ngoại. Ngoài ra, nếu trước đây điện gia dụng chủ yếu bán qua các cửa hàng điện máy như Điện máy Xanh, FPT Shop, Nguyễn Kim, Thiên Hoà, Chợ Lớn... thì nay, kênh bán hàng online đang ngày càng quan trọng.

Theo báo cáo Facebook cuối tháng 6/2021, mua sắm qua thương mại điện tử sẽ trở thành xu hướng tiêu dùng mới thay vì chỉ là hình thức đối phó trong thời dịch. Những ai nhanh nhạy đầu tư sớm sẽ hái trái ngọt. Trong quý II/2021 và sang đến tháng 8/2021, ở nhóm hàng điện tử, trang Thegioididong.com và Dienmayxanh.com đều dẫn đầu về lượt truy cập, theo iPrice.

Viết Nguyên
Nguồn Nhịp cầu Đầu tư