Nhà thuốc online Medigo

Nhà thuốc online Medigo

Medigo kết nối mạng lưới nhà thuốc tư nhân bằng công nghệ.

Medigo, ứng dụng giúp khách hàng đặt thuốc giao tận tay từ các nhà thuốc, vừa công bố nhận được 1 triệu USD đầu tư dẫn dắt bởi Quỹ Touchstone.

Medigo do ông Lê Hữu Hà, kỹ sư ngành công nghệ thông tin từ Đại học Duisburg Essen (Đức), thành lập năm 2020. Ý tưởng phát triển ứng dụng mua thuốc giùm đến từ chính trải nghiệm của bản thân khi về Việt Nam rất khó mua thuốc vào nửa đêm. Vì vậy, Medigo là ứng dụng được xây dựng để thu hút các nhà thuốc đạt chuẩn GPP tham gia. Từ đó, người sử dụng có thể đặt mua thuốc và được giao tận nhà. Hiện Medigo sử dụng đội ngũ giao nhận là các bên thứ 3 và chưa có ý định xây dựng đội ngũ giao nhận riêng.

Cách làm này phù hợp với Medigo trong thời điểm hiện tại vì việc xây dựng đội ngũ giao hàng khá tốn kém, công ty có thể tập trung nguồn lực vào việc phát triển người dùng và mạng lưới nhà thuốc. Trước Touchstone, Medigo cũng nhận được đầu tư vòng hạt giống từ Quỹ VIISA. Tính đến nay, Medigo có hơn 200.000 người đăng ký sử dụng ở các thành phố lớn như Hà Nội, Đà Nẵng, TP.HCM, Bình Dương và Cần Thơ. Ông Hà cho biết, tổng doanh thu phát sinh từ Medigo trong 6 tháng qua đã tăng gấp 8 lần.

Các lệnh giãn cách khiến việc đi lại khó khăn là nguyên nhân chính dẫn đến việc đẩy mạnh tốc độ thâm nhập người sử dụng các dịch vụ mua sắm trực tuyến. Ngành thuốc cũng không ngoại lệ. Theo Statista, mức độ thâm nhập thương mại điện tử của người dùng ở Việt Nam sẽ tăng từ 52,7% vào năm 2021 và dự kiến đạt 70,1% vào năm 2025.

Trên thực tế, Medigo vẫn có điểm yếu là phụ thuộc hàng hoá vào chủ nhà thuốc và khả năng hoạt động của đơn vị giao nhận. Tình trạng này khá phổ biến trong thời gian qua. Nhưng ưu điểm của startup này đủ lấp đi khuyết điểm trong ngắn hạn, đó là giúp các chủ nhà thuốc tư nhân mở rộng khách hàng, tăng doanh thu và cung cấp hạ tầng công nghệ.

Việt Nam hiện được xếp vào nhóm những nước có ngành dược mới nổi (Pharmerging – theo phân loại của Tổ chức IQVIA Institute). World Bank cảnh báo, Việt Nam đang trải qua giai đoạn có tốc độ già hoá dân số nhanh nhất từ trước tới nay; tỷ trọng dân số từ 65 tuổi trở lên là 6,5% vào năm 2017, dự kiến đạt 21% vào năm 2050, đồng nghĩa với nhu cầu chăm sóc sức khoẻ đang tăng lên.

Theo Euromonitor International, chi tiêu thuốc bình quân theo đầu người ở Việt Nam chỉ mới dừng lại ở mức 49,9 USD vào năm 2016, bằng 1/3 mức trung bình của thế giới (147,4 USD) và mới chỉ bằng khoảng một nửa mức trung bình của nhóm thị trường có tốc độ tăng trưởng ngành dược cao nhất (pharmerging market).

Vì thế, Cục Quản lý Dược Việt Nam dự đoán ngành sẽ tiếp tục tăng trưởng 2 con số trong 5 năm tới, đạt 7,7 tỉ USD vào năm 2021 và 16,1 tỉ USD năm 2026 (theo IBM), với tỉ lệ tăng trưởng kép lên tới 11% tính theo đồng Việt Nam.

Thị trường bán thuốc ở Việt Nam có 3 kênh chính là nhà thuốc, bệnh viện và phòng khám. Báo cáo của Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho thấy, cả nước hiện có khoảng 30.000 hiệu thuốc lớn, nhỏ. Doanh số bán lẻ dược phẩm của Việt Nam mới đạt 30% tổng doanh thu toàn thị trường dược, trong khi tỷ lệ này ở Brazil là 64% và Philippines là 80%.

Vì vậy, chuỗi nhà thuốc với lợi thế về nguồn vốn, quy trình quản lý và cách tối ưu chi phí tốt được xem là “gà đẻ trứng vàng” trong tương lai. Đó là lý do nhiều đơn vị bán lẻ lớn đã thâm nhập vào ngành như Long Châu, Pharmacity hay An Khang... với tài chính và công nghệ tốt hơn đang tạo ra áp lực cho các đơn vị thuốc tư nhân với quy mô nhỏ, lẻ và yếu về mặt công nghệ.

Người sáng lập Medigo cho biết đang đặt mục tiêu kết nối thêm 1.000 nhà thuốc và bổ sung thêm dịch vụ kết nối bác sĩ trong thời gian tới.

Medigo bù đắp vào khoảng trống này cho các nhà thuốc tư nhân khi giúp họ sở hữu hạ tầng công nghệ mà không tốn quá nhiều chi phí. Theo ông Hà, thống kê nội bộ của công ty cho thấy các nhà thuốc tham gia Medigo có mức tăng doanh thu từ 20-50% so với các nhà thuốc chưa tham gia.

Thực tế, nhiều startup y tế khác cũng đã mở rộng dịch vụ giao thuốc trực tuyến như eDoctor, chuỗi Phano hay Jio Health. Ông Hà cho rằng, đây là điều khá bình thường với một thị trường đang rất phân mảnh và tiềm năng như bán lẻ thuốc, càng nhiều người tham gia sẽ đẩy thị trường đi nhanh hơn.

Người sáng lập Medigo cho biết đang đặt mục tiêu kết nối thêm 1.000 nhà thuốc và bổ sung thêm dịch vụ kết nối bác sĩ trong thời gian tới. Cách làm này không mới nhưng không thể thiếu đối với các startup y tế ở Việt Nam. “Chúng tôi biết đội ngũ bác sĩ là nguồn lực quý giá của xã hội. Chúng tôi có cách riêng để thu hút họ tham gia Medigo. Dịch vụ này dự kiến ra mắt trong năm 2022”, ông Hà cho biết.

Đông Sang
Nguồn Nhịp cầu Đầu tư