Miếng bánh tỉ USD từ thời trang tuần hoàn

Miếng bánh tỉ USD từ thời trang tuần hoàn

Thời trang tuần hoàn đang trở thành một xu hướng tại Việt Nam, đặc biệt trong giới trẻ.

Sau hơn 10 năm hình thành, thị trường thời trang tuần hoàn đang bước vào giai đoạn phát triển nhanh ở phương Tây. Và xu hướng này cũng đang thổi một làn gió mới vào Việt Nam.

Xu hướng của thế giới

Theo nghiên cứu của Quỹ Ellen MacArthur, quần áo tạo ra lượng rác thải lớn thứ 2 trên thế giới. Theo đó, quỹ này đã đưa ra 4 sáng kiến mà ngành thời trang có thể thực hiện để chuyển sang mô hình kinh doanh tuần hoàn: sản xuất quần áo bền hơn, quần áo có thể sửa lại, cho thuê quần áo, mô hình kinh doanh theo hình thức đăng ký và đưa các thương hiệu thời trang tham gia vào thị trường bán lại hàng đã dùng. Trong đó, mô hình cho thuê quần áo và bán lại quần áo đã sử dụng đang nở rộ khắp nơi.

Nguồn: Envato

Tradesy, Poshmark, thredUP, Rebag... đang bán ngày càng nhiều quần áo, túi, giày đã qua sử dụng với giá phải chăng. Hay gần đây, các hệ thống bán lẻ Macy’s, Madewell và Nordstrom đều đã thêm quần áo cũ vào danh mục hàng hóa của họ. Tại Đông Nam Á, Style Theory, một startup cho thuê và bán hàng thời trang đã qua sử dụng ở Singapore và Indonesia, đã được các quỹ đầu tư rót 30 triệu USD sau 5 năm ra mắt. Style Theory cho phép 200.000 người đăng ký mượn số lượng quần áo không giới hạn với mức phí hằng tháng không đổi. Nền tảng này hiện sở hữu 50.000 bộ quần áo và hơn 2.000 túi xách đã qua sử dụng, phục vụ hơn 2,3 triệu lượt khách.

Trong báo cáo tháng 3/2021, GlobalData cho rằng thời trang đã qua sử dụng, dịch vụ cho thuê trang phục (lẻ và thuê dài hạn) sẽ là nhóm phát triển nhanh nhất trong 10 năm tới. Một người trung bình chi tiêu 18% ngân sách cho thời trang đã qua sử dụng và 17% cho dịch vụ cho thuê trang phục vào năm 2030.

Xu hướng này đặc biệt được ưa chuộng với thế hệ Millennials và Gen Z. “Đối với thế hệ trẻ, thói quen đi thuê sẽ phổ biến hơn và đây là hướng đi quan trọng cho ngành thời trang xa xỉ”,Lâm Hồng Lan, Giảng viên Khoa Truyền thông và Thiết kế, Đại học RMIT TP.HCM, nhận định.

Cũng theo bà Lâm Hồng Lan, các thương hiệu xa xỉ ban đầu cũng lo sợ thời trang đã qua sử dụng sẽ cạnh tranh với những sản phẩm nguyên giá của họ. Nhưng trên thực tế, 2 nhóm đối tượng này hoàn toàn khác nhau. Nghiên cứu cho thấy thị trường thời trang đã qua sử dụng thu hút nhóm đối tượng trước đây chưa thể mua được sản phẩm nguyên giá. Mặt khác, thời trang đã qua sử dụng là điểm cộng cho ngành hàng xa xỉ vì chứng minh được chất lượng tốt vượt thời gian và truyền lại cho nhiều thế hệ, cũng như tạo được sự chú ý cho người tiêu dùng trẻ về thời trang bền vững. Mảng cho thuê cũng có tiềm năng khi cho phép khách hàng, đặc biệt là khách hàng trẻ, có thể thử nhiều loại sản phẩm và phong cách khác nhau mà không bị “chôn vùi trong tủ” nếu món sản phẩm được mua không còn được yêu thích.

Tương tự như The RealReal và các ứng dụng bán hàng đã qua sử dụng khác đã lôi kéo nhiều thương hiệu xa xỉ vào cuộc chơi, sự gia tăng nhanh chóng của những ứng dụng cho thuê có thể sẽ thuyết phục được các thương hiệu xa xỉ đầu tư và có tiếng nói trong ngành dịch vụ mới mẻ này. Như Rent the Runway đã có hơn 750 thương hiệu hợp tác.

Làn gió mới tại Việt Nam

Tại Việt Nam, thị trường bán hàng thời trang đã sử dụng và cho thuê trang phục xuất hiện từ rất lâu. Tuy nhiên, nhu cầu mới về đồ cũ của giới trẻ và tư duy kinh doanh của thế hệ lớn lên cùng internet đang thổi một làn gió mới vào thị trường này. Trong hàng chục thương hiệu đã sử dụng tốt thương mại điện tử và digital marketing, một số cái tên đã có lượng khách đông đảo và ổn định nhờ sự chuyên nghiệp và chất lượng phục vụ ổn định. Trong mảng bán hàng thời trang đã qua sử dụng có thể kể đến Premium Give Away, hay mảng cho thuê có Rentzy với website và app được đầu tư bài bản.

Chị Phạm Thị Phương Uyên, CEO Rentzy, cho biết khoảng 70% khách hàng của Rentzy có độ tuổi từ 18-35, thu nhập trung bình khá, chủ yếu là nhân viên văn phòng, các KOL, đơn vị chụp ảnh, stylist, người mẫu, diễn viên, doanh nhân… Theo chị Uyên, khoảng 80% khách hàng ở các lứa tuổi khác nhau vẫn còn cảm thấy ngại ngùng và không muốn cho người khác biết là mình đi thuê trang phục. Nhưng có khoảng 20% khách hàng, đặc biệt là người trẻ, rất thoải mái đăng hình lên mạng xã hội và tag Rentzy. Có lẽ họ cho rằng dịch vụ thuê trang phục không chỉ để thoả mãn đam mê thời trang, mà còn thể hiện một lối sống mới, một cách chi tiêu thông minh.

Thị trường cho thuê quần áo trực tuyến toàn cầu được dự báo tăng hơn gấp đôi so với năm 2019, lên mức 2,8 tỉ USD vào năm 2027. “Hiện dung lượng thị trường vẫn nhỏ, nhưng tôi nhận thấy tiềm năng rất lớn. Dung lượng thị trường như vậy có thể tạo ra ít nhất một startup tỉ USD tại Đông Nam Á”, ông Jefrey Joe, Giám đốc JWC Ventures, quỹ rót vốn cho Style Theory, nhận định.

Tú Cẩm
Nguồn Nhịp cầu Đầu tư