VNG trở thành kỳ lân đầu tiên của Việt Nam như thế nào?

VNG trở thành kỳ lân đầu tiên của Việt Nam như thế nào?

Từ một công ty phát hành game nhỏ do những người mê chơi game thành lập, VNG đã mở rộng ra nhiều lĩnh vực và trở thành kỳ lân đầu tiên của Việt Nam.

Chuyện khởi nghiệp của những người mê chơi game

Ông Lê Hồng Minh – Nhà sáng lập, Chủ tịch và CEO VNG – được biết đến là một người rất nghiện game. Trong những năm theo học chuyên ngành Tài chính Ngân hàng của Đại học Monash (Australia), ông dành rất nhiều thời gian cho niềm đam mê đó.

Trở về Việt Nam vào năm 2001, Lê Hồng Minh từng làm việc cho công ty kiểm toán PwC và sau đó là quỹ đầu tư VinaCapital. Tuy nhiên, niềm đam mê với game của ông chưa bao giờ thay đổi.

Năm 2003, Lê Hồng Minh cùng vài người bạn thành lập một phòng chơi game nhỏ để chơi game và làm một vài dịch vụ kinh doanh kèm theo. Ban ngày, ông là một nhân viên tài chính, đến tối lại là chủ quán game.

Một năm sau, ông Minh quyết định nghỉ việc và cùng một số người bạn có chung sở thích thành lập công ty Vinagame (sau này đổi tên thành VNG). Để tìm hướng kinh doanh cho công ty của mình, những nhà sáng lập dành nhiều thời gian để tìm hiểu về những tên tuổi thành công trong lĩnh vực này và tìm gặp một số đối tác tiềm năng. Sau một số lần thất bại, cuối cùng ông Minh được KingSoft tin tưởng, trao cơ hội phát hành game Võ Lâm Truyền Kỳ tại Việt Nam vào năm 2005.

Ông Lê Hồng Minh là Đồng sáng lập, Chủ tịch và CEO VNG – startup kỳ lân đầu tiên của Việt Nam
Ảnh: VNG

Không có nhiều tiền trong tay, đội ngũ Vinagame cùng nhau bàn bạc để tìm ra cách quảng bá game sao cho hiệu quả mà vẫn tiết kiệm chi phí. Cuối cùng, mọi người quyết định sẽ in 10.000 chiếc poster, sau đó một nhóm khoảng 20 người đi dán hết chỗ poster đó tại tất cả các phòng máy trên cả nước trong vòng 15 ngày. Đây là hình thức quảng cáo rất mới ở thời điểm đó.

Chiến lược này của Lê Hồng Minh và Vinagame thành công rực rỡ khi chỉ trong một thời gian ngắn người chơi game trên khắp cả nước đã biết đến cái tên Võ Lâm Truyền Kỳ. Thậm chí website đăng ký còn bị “sập” khi mở cửa vì quá tải.

Từ thành công của Võ Lâm Truyền Kỳ, công ty của ông Minh tiếp tục phát hành các game khác tại Việt Nam. Đến năm 2006, doanh thu của Vinagame đã đạt 17 triệu USD, gấp 6 lần năm 2005.

Bên cạnh game, công ty này dần mở rộng sang nhiều mảng công nghệ khác như ra mắt trang thương mại điện tử 123mua.vn (sau này bán lại cho FPT), mạng xã hội Zing Me, nền tảng nhạc số Zing MP3, ứng dụng nhắn tin gọi điện Zalo, ví điện tử ZaloPay... Vinagame cũng đổi tên thành VNG.

Năm 2014, công ty của Lê Hồng Minh được World Startup Report định giá 1 tỉ USD và trở thành kỳ lân đầu tiên của Việt Nam. Đến năm 2019, VNG được quỹ đầu tư Temasek của chính phủ Singapore định giá 2,2 tỉ USD.

VNG hiện hoạt động với 4 mảng kinh doanh cốt lõi: Trò chơi trực tuyến; Nền tảng kết nối; Tài chính & Thanh toán và Dịch vụ đám mây. Công ty này cũng đầu tư vào một số startup như trang thương mại điện tử Tiki, nền tảng cung cấp quà tặng Got It, công ty công nghệ trong lĩnh vực vận tải hàng hoá EcoTruck.

Trong lần sinh nhật lần thứ 15 của VNG, ông Lê Hồng Minh từng chia sẻ về khát vọng 2332 của công ty.

“VNG đặt ra một khát vọng mới "2332" cho 5 năm tiếp theo. 2332 có nghĩa là lấy cột mốc năm 2023, VNG sẽ đạt 320 triệu người dùng toàn cầu, 32 triệu người dùng cho các sản phẩm mới và 320.000 khách hàng doanh nghiệp. VNG sẽ cố gắng hết sức và tập trung các nguồn lực để hướng tới những cột mốc này”, ông Minh nói.

Con đường niêm yết tại Mỹ

Theo nguồn tin của Bloomberg, VNG đang cân nhắc việc niêm yết cổ phiếu tại Mỹ thông qua việc sáp nhập với một SPAC (công ty mua lại có mục đích đặc biệt). Nguồn tin cho biết kỳ lân của Việt Nam hiện đang làm việc với các cố vấn tài chính để tổ chức những cuộc thảo luận với các SPAC cho một thoả thuận tiềm năng. Giao dịch này có thể định giá VNG ở mức 2-3 tỉ USD.

Tuy nhiên, trả lời Bloomberg, đại diện VNG cho biết không có quyết định nào về IPO hoặc SPAC được đưa ra hay đã thông qua. Công ty này từ chối bình luận thêm kế hoạch niêm yết.

Trước đó, vào tháng 5/2017, ông Lê Hồng Minh và đại diện Tập đoàn Nasdaq Bob McCooey từng ký một thoả thuận về việc VNG sẽ niêm yết trên sàn chứng khoán lớn thứ hai thế giới.

Việc niêm yết tại Mỹ thông qua SPAC đang là xu hướng được nhiều kỳ lân Đông Nam Á lựa chọn. Ứng dụng gọi xe Grab dự kiến IPO thông qua sáp nhập với SPAC Altimeter Growth. Công ty này đặt mục tiêu huy động hơn 4 tỉ USD, qua đó đạt định giá 39,6 tỉ USD. Nếu thoả thuận thành công, Grab có thể là kỳ lân Đông Nam Á đầu tiên IPO tại Mỹ thông qua một SPAC.

Tương tự Grab, startup du lịch trực tuyến Traveloka cũng được cho là có kế hoạch niêm yết tại Mỹ trong năm 2021 thông qua một SPAC.

VNG đặt kế hoạch lỗ trong năm 2021

VNG có nhiều điểm tương đồng với Sea Group – công ty game và thương mại điện tử của Singapore. Được sáng lập bởi Forrest Li – một người nghiện game, Sea cũng xuất phát điểm từ công ty phát hành game sau đó mở rộng sang các lĩnh vực khác như thương mại điện tử và thanh toán online. Công ty này đã niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán New York vào năm 2017 và hiện có giá trị vốn hoá hơn 166 tỉ USD.

Thông tin VNG dự kiến IPO tại Mỹ khiến nhiều người kỳ vọng kỳ lân của Việt Nam có thể trở thành "ngôi sao" công nghệ của khu vực như cách Sea đã làm.

Năm 2020, doanh thu thuần của VNG đạt 6.024 tỉ đồng, tăng 16,3% so với năm 2019. Lợi nhuận trước và sau thuế giảm lần lượt là 40% và 57% so với năm 2019, tương đương 255 tỷ đồng và 261 tỷ đồng, tuy nhiên vẫn cao hơn đáng kể so với mức kế hoạch lợi nhuận đã được Đại hội đồng cổ đông năm 2020 thông qua (-246 tỉ đồng).

Sang nửa đầu năm nay, VNG đạt hơn 3.500 tỉ đồng doanh thu, tăng 23%. Tuy nhiên tổng lại, công ty vẫn giảm hơn 16% lãi ròng, còn 220 tỉ đồng. Theo kế hoạch năm nay, công ty đặt mục tiêu đạt doanh thu hơn 7.600 tỉ đồng. Lợi nhuận sau thuế dự kiến âm 619 tỉ đồng do chiến lược tiếp tục dồn lực cho thanh toán, AI (trí tuệ nhân tạo) và Cloud, cũng như để dự phòng cho ảnh hưởng kéo dài của dịch COVID-19.

Linh Lam
Nguồn CafeBiz