Quỹ triệu USD chọn dược phẩm sinh học

Quỹ triệu USD chọn dược phẩm sinh học

Đại dịch cho thấy chiến lược đầu tư vào công nghệ cao bền vững như công nghệ sinh dược có tầm quan trọng sống còn...

Mekong Capital vừa công bố khoản đầu tư mới nhất, rót 8,8 triệu USD vào LiveSpo Global. Đây là khoản đầu tư thứ 4 liên tiếp của Quỹ Mekong Enterprise Fund IV (MEF IV) thuộc Mekong Capital. Tuy nhiên, ở lần đầu tư này, Mekong Capital tham gia vào một doanh nghiệp đặc biệt hơn: doanh nghiệp sản xuất sản phẩm chăm sóc sức khoẻ dựa trên ứng dụng công nghệ bào tử lợi khuẩn, do Tiến sĩ Nguyễn Hoà Anh, nhà sáng lập LiveSpo Global, phát minh.

Cùng với nhu cầu cấp thiết về vaccine Made in Vietnam trong cuộc chiến chống lại COVID-19, giới đầu tư đang có cái nhìn rất lạc quan về tương lai của dược phẩm sinh học.

Bào tử lợi khuẩn thu hút quỹ đầu tư

Theo chia sẻ của Tiến sĩ Nguyễn Hoà Anh, sau 15 năm học tập nghiên cứu tại Nhật, năm 2010, ông trở về lập nghiệp. Mang theo tâm nguyện muốn thấy Việt Nam được ghi nhận là quốc gia phát minh ra những công nghệ sinh học không thua kém các quốc gia tiên tiến khác, Tiến sĩ Nguyễn Hòa Anh bắt đầu phát triển công nghệ sản xuất bào tử lợi khuẩn từ một đề tài nghiên cứu trước đó. Cũng trong năm 2010, Công ty Anabio R&D, tiền thân của LiveSpo Global, được thành lập bởi 3 nhà sáng lập, đứng đầu là Tiến sĩ Nguyễn Hoà Anh.

Năm 2011, Tiến sĩ Nguyễn Hoà Anh đã nghiên cứu thành công công nghệ sản xuất bào tử lợi khuẩn dạng nước, đa chủng, nồng độ cao. Đây là một công trình nghiên cứu mang tầm quốc tế, được thôi thúc bởi giấc mơ về “một tương lai không lệ thuộc vào kháng sinh” của nhà khoa học Việt.

Năm 2014, sản phẩm của LiveSpo Global không chỉ kinh doanh trong nước mà đã bắt đầu xuất khẩu. Đến nay, bên cạnh việc mở rộng các dòng sản phẩm có khả năng hỗ trợ đường tiêu hoá, LiveSpo Global đã đa dạng hoá danh mục sản phẩm cho đường hô hấp, phụ khoa, chăm sóc da, điều trị mụn trứng cá... Các sản phẩm của LiveSpo Global được cung cấp bởi Nhà máy của LiveSpo Pharma ở Yên Nghĩa, Hà Đông. Đây là nhà máy đã được đăng ký với Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm (FDA) Hoa Kỳ.

Tương lai, LiveSpo Global hướng tới mục tiêu trở thành một công ty dược phẩm kỹ thuật số, nhằm cách mạng hoá cách người tiêu dùng chăm sóc sức khoẻ bằng chế phẩm từ bào tử lợi khuẩn. Đây là lý do LiveSpo Global bắt tay và đón nhận khoản rót vốn từ Quỹ MEF IV của Mekong Capital. “Mekong Capital với uy tín và kinh nghiệm đầu tư thành công vào các thương hiệu tên tuổi sẽ đồng hành và giúp LiveSpo Global hiện thực hoá sứ mệnh, tầm nhìn của mình”, Tiến sĩ Nguyễn Hoà Anh hy vọng. Trước LiveSpo Global, Mekong Capital từng đầu tư vào Traphaco và thành công. Vì vậy, chiến lược của Mekong Capital vẫn là tìm kiếm các khoản đầu tư mới trong lĩnh vực dược phẩm hoặc thực phẩm bổ sung.

Ngoài ra, ông Chris Freund, CEO của Mekong Capital, cho biết, Quỹ MEF IV chọn rót vốn vào LiveSpo Global vì nhìn thấy triển vọng của ứng dụng bào tử lợi khuẩn vào nhiều lĩnh vực (như da liễu, giảm sử dụng thuốc kháng sinh, giảm mức cholesterol và hỗ trợ điều trị một số bệnh lý về thần kinh...).

Trong mắt Mekong Capital, LiveSpo Global hứa hẹn là cái tên nổi bật của ngành chăm sóc sức khoẻ. Điểm nổi bật của LiveSpo Global là đã sở hữu phát minh công nghệ sinh học. Đây là lợi thế rất lớn, cho phép LiveSpo Global chủ động, sản xuất ổn định và không gặp rủi ro gián đoạn, trục trặc vì vấn đề bản quyền.

Thời của dược phẩm sinh học

Câu chuyện của LiveSpo Global cho thấy xu hướng đầu tư phát triển dược phẩm sinh học, với những ưu điểm về nguồn gốc tự nhiên và độ an toàn cao. Theo số liệu của Công ty Nghiên cứu EvaluatePharma, 5 năm trước, dược phẩm sinh học từ chỗ chiếm hơn 25% tổng doanh số các loại thuốc bán theo đơn/bán tại quầy, nay đã tăng lên đến 30%.

Về quy mô, thị trường dược phẩm sinh học thế giới cũng đã đạt giá trị tới 30 tỉ USD, theo Bio One Capital. Năm ngoái, trong 36 loại dược phẩm được FDA Mỹ cấp giấy chứng nhận lưu hành thì có tới 5 loại dược phẩm sinh học. 3/5 loại này được tiêu thụ rất mạnh, đem lại lợi nhuận hơn 1 tỉ USD cho các nhà sản xuất.

Đến năm 2030, Samsung BioLogics (Hàn Quốc) đánh giá, ngành công nghiệp dược phẩm sẽ tăng gấp đôi, từ mức sản xuất 4 triệu lít thuốc sinh học mỗi năm hiện nay. Trong bức tranh đó, Samsung Biologics tự định vị tăng gấp đôi thị phần trên thị trường.

Đặc biệt, trong đại dịch COVID-19, nhu cầu ứng dụng công nghệ sinh học vào sản xuất dược phẩm sinh học và bào chế vaccine càng tăng. Theo nhà kinh tế Nathalie Coutinet (Pháp), nếu trước đây sản xuất vaccine (chiếm 5% thị trường thuốc toàn cầu) chủ yếu nhờ công nghệ hoá học, thì nay nhiều viện nghiên cứu đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ sinh học, nhất là công nghệ RNA vào bào chế vaccine. Cũng từ đây, công nghệ dược phẩm vốn nằm trong tay 4 đại gia Pfizer (Mỹ), Sanofi (Pháp), GlaxoSmithKline (GSK – Anh) và Merck (Đức) đã có sự thay đổi.

Qua hợp tác với BioNTech – một gương mặt mới đến từ Đức, Pfizer đã trở thành công ty bào chế vaccine thống lĩnh thị trường. Trong khi đó, Sanofi, GSK và Merck vẫn ngoài cuộc chơi. Còn Moderna, một hãng rất nhỏ của Mỹ và AstraZeneca, chưa từng bào chế bất kỳ một loại vaccine nào, lại chen chân thành công trong thị trường vaccine có nguồn thu khổng lồ.

Theo Liên minh Toàn cầu về vaccine và tiêm chủng (GAVI), cơ hội cho các “tân binh” vẫn còn rất nhiều khi các nhà sản xuất vaccine mới chỉ cung cấp 3,5 tỉ liều vaccine phòng COVID-19 trong khi đại dịch đẩy nhu cầu tăng vọt lên 14 tỉ liều. Ở các mảng khác của dược phẩm sinh học, phương Tây đang là thị trường chính. Theo ông Kim Tae-han, CEO Samsung Biologics, hơn 70% đơn hàng dược sinh học của hãng này đến từ Mỹ và Tây Âu. Samsung Biologics kỳ vọng, trong 10-20 năm tới, nhu cầu dược phẩm sinh học ở Châu Á sẽ tăng và tỉ lệ sẽ là 50-50.

Samsung đã lấn sân sang lĩnh vực dược phẩm từ năm 2011 và nhanh chóng trở thành nhà sản xuất các nguyên liệu dược sinh học cho những hãng dược lớn nhất thế giới. Giữa đại dịch COVID-19, lượng đơn hàng của Samsung Biologics tăng gấp 3 lần, với 3 nhà máy chạy hết công suất. Samsung Biologics đang gấp rút đầu tư thêm nhà máy dược sinh học lớn nhất thế giới, với trị giá ước tính 2 tỉ USD và dự kiến hình thành năm 2022. Mục tiêu của Samsung là nắm bắt nhu cầu gia tăng chưa từng có từ dịch COVID-19 và tận dụng tức thì các cơ hội mà dịch mang đến cho ngành dược toàn cầu.

Samsung Biologics nghiên cứu, thử nghiệm thuốc kháng thể coronavirus cho một công ty khởi nghiệp ở Mỹ

Bio One Capital, một công ty con của Tập đoàn đầu tư EDB (Singapore), đang quản lý 4 quỹ đầu tư tài chính cũng tăng cường đầu tư vào các cơ sở nghiên cứu, sản xuất dược phẩm sinh học ở Singapore. Gần đây Bio One Capital đã cùng với Lonza (Thuỵ Sĩ) lập liên doanh đầu tư nhà máy chuyên sản xuất các loại thuốc sinh học chất lượng cao của Lonza để xuất đi khắp thế giới. Bio One Capital cũng liên doanh với một công ty Singapore đầu tư nâng cấp nhà máy ở quy mô nhỏ hơn, trị giá khoảng 9 triệu USD để sản xuất các loại dược phẩm sinh học.

Bio One Capital và các doanh nghiệp Singapore đang tích cực mở rộng hợp tác với nhiều hãng dược phẩm nổi tiếng thế giới với mục tiêu trong vòng 2 năm tới đưa Singapore trở thành trung tâm lớn của khu vực về nghiên cứu, sản xuất các loại dược phẩm sinh học, đáp ứng nhu cầu thuốc chữa bệnh ở Singapore và xuất khẩu.

Bước đi của Việt Nam

Trước đó, dù nhận được những lời mời hấp dẫn đặt vấn đề mua lại bản quyền công nghệ bào tử lợi khuẩn thế hệ mới từ nhiều hãng dược phẩm thế giới, nhưng Tiến sĩ Nguyễn Hoà Anh từ chối và quyết tâm phát triển LiveSpo Global, ghi danh một thương hiệu dược phẩm Việt Nam uy tín với những phát minh công nghệ tiên tiến trong lĩnh vực sinh dược.

Ở Việt Nam, các hoạt động đầu tư nghiên cứu ứng dụng công nghệ sinh học vào trong y dược cũng có bước chuyển đáng chú ý. Ngoài câu chuyện LiveSpo Global, gần đây, Việt Nam cũng dấn bước vào nghiên cứu, sản xuất vaccine phòng COVID-19 Made in Việt Nam, với nhiều phương pháp khác nhau, từ ADN tái tổ hợp (vaccine Nanocovax của Nanogen) đến công nghệ vector virus (vaccine Covivax, Polyvac và Vabiotech). Việt Nam cũng dự tính nhận chuyển giao công nghệ từ Mỹ, Cuba... để sản xuất vaccine phòng dịch.

Trong mảng thuốc sinh học, Viện Công nghệ Sinh học Việt Nam từng nghiên cứu tạo ra sản phẩm Naturenz bằng phương pháp ly trích enzyme từ 6 loại củ quả trong thiên nhiên, giúp giải độc cơ thể, phục hồi chức năng gan. Sau hơn 20 năm nghiên cứu, năm 2005 viện đã chuyển giao công nghệ này cho Công ty Dược Hậu Giang sản xuất và phân phối. Tính đến nay, Naturenz đã có mặt trên thị trường gần 15 năm và được người tiêu dùng đón nhận.

Các sản phẩm của LiveSpo Global được xuất sang hơn 20 quốc gia trên thế giới

Hay Nanogen cũng sản xuất nguyên liệu dược và thành phẩm thuốc tiêm đặc trị từ công nghệ DNA/protein tái tổ hợp do Nanogen sáng chế. Từ công nghệ này, Nanogen sản xuất các sản phẩm đặc trị cho viêm gan B, viêm gan C, thiếu máu, ung thư... Với công suất trên 50 triệu sản phẩm/năm, Nanogen đã phân phối sản phẩm tới 15 quốc gia.

Ngành sản xuất dược sinh học đứng trước cơ hội lớn khi loại thuốc này được công nhận điều trị trúng đích, hiệu quả hơn và ít có phản ứng phụ với người bệnh do được bào chế qua nhiều công đoạn “bắt chước” quá trình sinh học thực tế của cơ thể người. Công nghệ sinh học dược phẩm thực sự đã trở thành một công cụ quan trọng trong nghiên cứu và phát triển dược phẩm.

Chiến lược đầu tư vào công nghệ cao bền vững như công nghệ sinh dược có tầm quan trọng sống còn đối với một số quốc gia trong phát triển các sản phẩm mới, các quy trình, phương pháp và dịch vụ mới và cải tiến những sản phẩm hiện có. Tuy nhiên, chi phí cho quá trình nghiên cứu, phát triển các chế phẩm sinh học là rất cao, khoảng 10-40 triệu USD so với việc nghiên cứu tổng hợp một phân tử hoá dược hữu cơ (chi phí khoảng 1 triệu USD).

Chi phí nghiên cứu, phát triển và sản xuất cao dẫn đến giá cả và chi phí điều trị cao khi sử dụng các chế phẩm sinh học là một rào cản đối với những nước đang phát triển và bệnh nhân nghèo. Vì vậy, có thể thấy, trong khi Việt Nam đang tích cực ứng dụng công nghệ sinh học vào trong nông nghiệp, công nghiệp chế biến, hoá mỹ phẩm... thì ở mảng dược phẩm sinh học vẫn còn khiêm tốn.

Sản xuất vaccine tại Công ty cổ phần Công nghệ sinh học dược Nanogen

Chuyên gia của DKSH cho rằng, để phát triển và sản xuất dược sinh học, các quy trình phải tập trung vào các phân tử như kháng thể đơn dòng, protein tái tổ hợp, vaccine và oligo nucleotide. Đây thường là những quy trình lâu dài và phức tạp, với nhiều thách thức đặc thù. Để có thể đưa một sản phẩm trị liệu ra thị trường thành công, điều quan trọng là phải giảm các rủi ro sử dụng càng thấp càng tốt cũng như truyền tải thông tin chính xác, kịp thời và tăng hiệu quả dẫn truyền.

Có lẽ thế, không riêng Việt Nam, nhiều quốc gia khác như ở Singapore đã chọn tiến sâu vào dược phẩm sinh học bằng những hình thức hợp tác, liên doanh cùng làm với đối tác nước ngoài. Tuy nhiên, theo ông Chris Freund của Mekong Capital, vấn đề không phải là yếu tố “nước ngoài”. Một số công ty cần quan hệ đối tác và một số khác có thể không. Quan trọng là khi quyết định bắt tay hợp tác, đôi bên cần chọn lựa cẩn thận, vì mục đích tăng thêm giá trị, đạt được tầm nhìn của mình.

Ngọc Thuỷ
Nguồn Nhịp cầu Đầu tư