Cửa hàng đóng cửa hàng loạt, vì sao doanh số smartphone tại Việt Nam vẫn tăng vọt trong quý II

Cửa hàng đóng cửa hàng loạt, vì sao doanh số smartphone tại Việt Nam vẫn tăng vọt trong quý II

Lượng điện thoại thông minh bán ra tại Việt Nam trong quý II đã tăng 11% so với cùng kỳ năm ngoái.

Thị trường di động Việt Nam chứng kiến tăng trưởng ngoạn mục trong quý II/2021, bất chấp bối cảnh khó khăn của dịch bệnh. Theo hãng nghiên cứu thị trường Counterpoint Research, doanh số smartphone trong nước đã tăng 11% trong quý II so với cùng kỳ năm trước.

Thay đổi lớn trong bảng xếp hạng

Động lực lớn của thị trường trong quý vừa qua đến từ các nhà sản xuất Trung Quốc và chính một cái tên trong số đó đã tạo thay đổi ngoạn mục. Cụ thể, Xiaomi đã vượt mặt Oppo để trở thành hãng di động lớn thứ 2 tại Việt Nam, điều không hãng nào làm được trong vài năm qua.

Thị phần smartphone tại Việt Nam trong quý II/2021 so với một năm trước.

Về thị phần cụ thể, Samsung vẫn dẫn đầu thị trường với 37% thị phần, giảm 2% so với vùng kỳ. Xiaomi vọt lên vị trí thứ 2 với 17% thị phần trong khi Oppo và Vivo lần lượt giữ vị trí thứ 3 và 4 với lần lượt 16 và 12% thị phần. Apple xếp vị trí thứ 5 với khoảng 7% thị phần tại Việt Nam.

Như vậy, chỉ riêng 3 hãng di động Trung Quốc đã chiếm đến 45% thị phần di động tại Việt Nam, gần một nửa. Cộng thêm Apple và Samsung, 5 hãng di động lớn nhất thị trường chiếm khoảng 89% thị phần, chỉ còn lại 11% cho toàn bộ các hãng di động còn lại.

Cửa hàng đóng cửa hàng loạt, vì sao thị trường vẫn tăng trưởng mạnh?

Đợt dịch thứ 4 tại Việt Nam bùng phát từ ngày 27/4, khiến doanh số tại nhiều cửa hàng bị ảnh hưởng trong giai đoạn tháng 5 và 6. Tuy vậy, thị trường vẫn ghi nhận mức tăng trưởng doanh số cao.

Theo Debasish Jana, chuyên gia nghiên cứu thị trường của Counterpoint Research, có nhiều nhiều nguyên nhân giúp thị trường tăng trưởng: “Thị trường điện thoại thông minh tại Việt Nam đang không ngừng phát triển. Nhiều yếu tố góp phần thúc đẩy sự tăng trưởng này bao gồm sự dịch chuyển từ điện thoại phổ thông sang smartphone của người dân, sự ổn định về phát triển kinh tế và hàng loạt chương trình khuyến mãi từ các hãng sản xuất”, ông cho biết.

Nhiều cửa hàng, siêu thị di động tại Việt Nam buộc phải đóng cửa trong giai đoạn giãn cách.

Chuyên gia này cũng nhận định kênh bán hàng trực tuyến đóng vai trò quan trọng cho sự tăng trưởng này. Khi buộc phải hạn chế hoạt động offline hoặc dừng hoạt động, doanh số bán hàng trực tuyến của các cửa hàng đã tăng mạnh. Counterpoint Research ghi nhận thị phần các kênh bán hàng trực tuyến đã chiếm 14% tổng thị trường điện thoại thông minh, tăng mạnh so với năm ngoái.

Ngoài ra, sự phát triển mạnh mẽ của các dòng điện thoại 5G, đặc biệt là smartphone tầm trung cũng thúc đẩy người mua “lên đời” điện thoại mới để đón sóng 5G, mặc dù tầm phủ sóng 5G của Việt Nam hiện chỉ giới hạn ở một số thành phố lớn dưới hình thức chạy thử nghiệm.

Quý III đầy khó khăn phía trước

Mặc dù bị vướng dịch nhưng trong phần lớn quãng thời gian của quý II, các cửa hàng vẫn có thể kinh doanh “túc tắc”, đồng thời đẩy mạnh bán hàng online. Tuy nhiên, quý III mới là thời điểm nhiều hệ thống bán lẻ phải dừng toàn bộ hoạt động, việc ship hàng online cũng gặp nhiều khó khăn. Do đó, doanh số các dòng di động bán ra chắc chắn gặp ảnh hưởng lớn.

Đó là chưa kể quý III hàng năm vẫn được xem là mùa thấp điểm của thị trường khi không có nhiều model mới ra mắt. Năm nay, cũng chỉ có Oppo vừa cho ra mắt dòng sản phẩm chủ lực Reno6 và 6Z tại Việt Nam. Samsung cũng sẽ cho ra mắt dòng Galaxy Z Fold cao cấp vào ngày 11/8 nhưng chưa rõ ngày bán ra sản phẩm. Trong khi đó, iPhone 13 dự kiến ra mắt trong tháng 9 và khó về Việt Nam trước tháng 11 nên doanh số iPhone nhiều khả năng sẽ giảm mạnh trong quý III do người dân có tâm lý chờ đợi.

Thành Duy
Nguồn CafeF