Nikkei: Việt Nam sẽ là “chiến trường” nóng của công nghệ tài chính Đông Nam Á

Nikkei: Việt Nam sẽ là “chiến trường” nóng của công nghệ tài chính Đông Nam Á

Nhiều nhà đầu tư cho rằng lĩnh vực công nghệ tài chính của Việt Nam đặc biệt hấp dẫn vì nhiều lý do. Tỷ lệ sử dụng điện thoại di động của người trưởng thành tại Việt Nam rất cao, lên đến 80%.

Đối với ứng dụng tài chính công nghệ MoMo, yếu tố quyết định để chiến thắng cuộc chiến ứng dụng thanh toán với Grab và nhiều đối thủ khác tại thị trường tiêu dùng quy mô 100 triệu người có thể bắt đầu từ một cốc cà phê, theo nội dung bài đăng mới đây trên báo Nikkei.

Trước đợt bùng dịch dẫn đến giãn cách xã hội tại nhiều địa phương ở Việt Nam, MoMo đã chạy chương trình khuyến mại lớn với nhiều chuỗi kinh doanh cà phê trong đó có Highlands Coffee, chuỗi kinh doanh cà phê với hơn 300 điểm bán trên khắp cả nước. Người dùng MoMo được giảm giá khi sử dụng ứng dụng này để đặt hàng đồ uống. Chương trình muốn người dùng thực sự cảm nhận được sự tiện lợi với một ứng dụng tích hợp.

Công ty có chiến lược đưa ứng dụng này vào nhóm ứng dụng được người dùng quan tâm nhất trên điện thoại của họ. Tại một đất nước mà 80% hoạt động thương mại vẫn được thực hiện thanh toán trực tiếp, việc có thể mua được cốc cà phê một lần hoặc nhiều lần trong ngày bằng ứng dụng mang đến sự tiện lợi. Từ việc mua cà phê, người dùng sẽ có thể sử dụng ứng dụng cho nhiều hành vi tiêu dùng khác của họ, ví như mua vé xem phim, đặt đồ ăn trực tuyến, đặt vé máy bay hoặc chơi điện tử.

Nguồn: Ví MoMo

Cuộc chiến trên thị trường thanh toán trực tuyến dự kiến sẽ ngày một nóng lên, VnLife, công ty quản lý ứng dụng VNPay được bảo trợ bởi quỹ Vision Fund của Tập đoàn SoftBank, vào tháng 7/2021 công bố huy động được 250 triệu USD từ General Atlantic, Dragoneer Investment Group, PayPal Ventures và nhiều quỹ khác.

Quy mô kinh tế Việt Nam hiện ước tính khoảng 340 tỉ USD, nhỏ hơn so với Indonesia cũng như Thái Lan hay Philippines. Tuy nhiên nhiều nhà đầu tư cho rằng lĩnh vực công nghệ tài chính của Việt Nam đặc biệt hấp dẫn vì nhiều lý do. Tỷ lệ sử dụng điện thoại di động trong người trưởng thành tại Việt Nam rất cao, lên đến 80%, tuy nhiên, số lượng chi nhánh ngân hàng tính trên đầu người còn rất thấp.

Không chỉ vậy, cơ quan quản lý cũng đã thể hiện quan điểm ủng hộ sự phát triển của ngành công nghệ tài chính. Nhiều yếu tố kể trên đã tạo ra mảnh đất màu mỡ cho những công ty khởi nghiệp muốn cung cấp dịch vụ tài chính thông qua điện thoại thông minh.

Nguồn: Hires

Theo nhiều chuyên gia, đại dịch COVID-19 đã mang đến cú huých quan trọng cho sự phát triển của ngành công nghệ tài chính. Việc thuyết phục các cửa hàng chấp nhận ví di động cho đến nay không hề dễ dàng bởi các chủ kinh doanh không muốn trả phí. Tuy nhiên, các biện pháp phong toả áp dụng trong thời kỳ đại dịch COVID-19 đã khiến cho họ phải kiếm cách để tiếp cận được khách hàng thông qua mạng Internet.

Theo phân tích của chuyên gia tại FinTech-Crypto Hub thuộc trường RMIT Việt Nam, lợi thế cạnh tranh quan trọng của ZaloPay chính là có kết nối với Zalo, ứng dụng nhắn tin phổ biến nhất tại Việt Nam. Tại Trung Quốc, Tencent sử dụng nền tảng người dùng WeChat rất phổ biến nhằm phát triển hệ thống thanh toán, và nhanh chóng ứng dụng thanh toán đã vươn lên vị trí hàng đầu tại Trung Quốc.

Dù rằng ở hiện tại có rất nhiều ứng dụng thanh toán trên điện thoại di động nhưng ứng dụng nào còn tồn tại sau 5 năm nữa không phải một dự báo dễ dàng.

Grab, trong khi đó, đã liên minh với Moca – công ty thanh toán di động và đưa ứng dụng này trở thành công cụ thanh toán quan trọng cho hoạt động đặt xe và giao nhận đồ ăn. Công ty Sea của Singapore cũng đã chính thức công bố dịch vụ thanh toán tại Việt Nam. Sea hiện đang vận hành Now, một trong những ứng dụng giao thực phẩm phổ biến nhất.

Tuy nhiên, không ít chuyên gia lo lắng về việc độ trung thành của khách hàng khá thấp. Nhiều người dùng Việt Nam tải rất nhiều ứng dụng, họ cố gắng tận dụng bất kỳ chương trình khuyến mại nào khi họ mua sắm. Thế nhưng thách thức ở đây chính là việc làm sao giữ chân được người dùng khi không còn khuyến mại nữa? Khả năng đó có xảy ra không? Nhiều chuyên gia vô cùng băn khoăn về điều này.

Chính vì vậy, dù rằng ở hiện tại có rất nhiều ứng dụng thanh toán trên điện thoại di động nhưng ứng dụng nào còn tồn tại sau 5 năm nữa không phải một dự báo dễ dàng.

Chuyên gia của RMIT đặt ra câu hỏi: “Chúng ta cần phải hỏi câu hỏi vì lý do nào mà các ứng dụng tồn tại? Họ tồn tại bởi chỉ vài năm trước đây, hệ thống thanh toán di động chưa phát triển mạnh. Thế nhưng giờ đây khi mà các ngân hàng cũng cung cấp dịch vụ tương tự như ví điện tử, các ví điện tử sẽ cần phải tính đến hướng làm sao để khác biệt”.

Ngọc Diệp
Nguồn BizLive