Bức tranh kinh tế 7 tháng đầu năm của TP.HCM

Bức tranh kinh tế 7 tháng đầu năm của TP.HCM

Các doanh nghiệp trên địa bàn TP.HCM vẫn nâng cao tinh thần cảnh giác phòng chống dịch bệnh và ổn định sản xuất nhằm phát triển kinh tế.

Thu ngân sách 7 tháng đầu năm đạt 66,3% dự toán

Theo báo cáo của Cục Thống kê TP.HCM, mặc dù bị tác động nặng nề bởi dịch COVID-19 nhưng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn TP.HCM trong 7 tháng đầu năm đạt 230.821 tỉ đồng, đạt 66,3% dự toán và tăng 18,1% so cùng kỳ năm ngoái.

Trong đó, thu nội địa hơn 150.814 tỉ đồng, thu từ dầu thô hơn 7.607 tỉ đồng, thu từ hoạt động xuất nhập khẩu 72.400 tỉ đồng và thu ngân sách địa phương hơn 45.655 tỉ đồng. Năm nay, Trung ương giao chỉ tiêu TP.HCM thu ngân sách 365.000 tỉ đồng, bình quân một ngày thu 1.500 tỉ đồng.

Năm 2019, TP.HCM thu gần 410.000 tỉ đồng nhưng năm 2020 ảnh hưởng dịch COVID-19 nên chỉ thu được 371.000 tỉ đồng (hơn 91% dự toán). Những năm gần đây, thu ngân sách thành phố chiếm 25-27% tổng thu cả nước. Cũng theo Cục Thống kê TP.HCM, các chỉ tiêu phát triển kinh tế – xã hội trên địa bàn TP.HCM có mức tăng trưởng khả quan hơn so với cùng kỳ.

Những năm gần đây, thu ngân sách thành phố chiếm 25-27% tổng thu cả nước
Ảnh: TL

Cụ thể, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) 7 tháng đầu năm 2021 tăng 2,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, cả 4 ngành công nghiệp trọng điểm của TP.HCM tăng 2,15% so với cùng kỳ, gồm: sản xuất hàng điện tử; cơ khí; hoá dược – caosu – nhựa; chế biến lương thực, thực phẩm, đồ uống. Về xuất khẩu, tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hoá của các doanh nghiệp trên địa bàn xuất qua cảng thành phố (kể cả dầu thô) 7 tháng đầu năm đạt hơn 24,6 tỉ USD, tăng 8,8% so với cùng kỳ năm trước.

Có 5 nhóm hàng đạt giá trị xuất khẩu trên 1 tỉ USD gồm máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; hàng dệt may; máy móc thiết bị; giày dép. Tuy vậy, do tác động của dịch COVID-19, tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 7 tháng đầu năm ước đạt 583.192 tỉ đồng, giảm 1,8% so với cùng kỳ năm ngoái.

Tình hình doanh nghiệp hoạt động trong tháng 7

Về tình hình hoạt động của doanh nghiệp, tính từ đầu năm đến giữa tháng 7, toàn TP.HCM có 20.906 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng vốn đăng ký đạt 350.403 tỉ đồng. So với cùng kỳ năm trước, số giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh giảm 4,6%, vốn đăng ký giảm 9,1%.

Việc thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tại TP.HCM trong 7 tháng đầu năm cũng giảm. Tính tổng cộng vốn đăng ký cấp phép mới, vốn điều chỉnh và góp vốn, mua cổ phần chỉ đạt 1,78 tỉ USD, giảm 25,1% so với cùng kỳ năm ngoái.

Trong 7 tháng đầu năm năm 2021, TP.HCM có 23.199 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, chiếm 29,1% tổng số của cả nước. Trong số này, có 12.071 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh. Đây là kỷ lục về số lượng doanh nghiệp phải tạm ngừng kinh doanh trong 7 tháng đầu năm tại TP.HCM giai đoạn 2016-2021.

Tính từ đầu năm đến giữa tháng 7, toàn TP.HCM có 20.906 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng vốn đăng ký đạt 350.403 tỉ đồng}
Ảnh: TL

Trong 7 tháng đầu năm, cả nước có gần 80.000 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể và hoàn tất thủ tục giải thể, tăng hơn 25% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, gần 40.300 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, tăng 23% so với cùng kỳ năm trước; 28.000 doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, tăng gần 29%; 11.400 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, tăng hơn 27%. Trung bình mỗi tháng có gần 11.400 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.

Hiệp hội doanh nghiệp TP.HCM thông tin, thời gian qua, dịch COVID-19 đã làm trên 70% doanh nghiệp bị ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất – kinh doanh. Nhiều doanh nghiệp phải tạm ngừng hoạt động, đa số doanh nghiệp khác đều giảm từ 50% đến 90% doanh thu so với thời điểm trước dịch bệnh.

Số liệu cập nhật của Cục Quản lý đăng ký kinh doanh cho thấy, doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh tại TP.HCM chủ yếu thuộc các lĩnh vực: bán buôn; bán lẻ; sửa chữa ô tô, xe máy (15.180 doanh nghiệp, chiếm 37,7%); xây dựng (5.491 doanh nghiệp, chiếm 13,6%) và công nghiệp chế biến, chế tạo (4.717 doanh nghiệp, chiếm 11,7%).

Những lĩnh vực có số doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh lớn nhất cũng là những ngành nghề có số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động cao nhất tại TP.HCM
Ảnh: TL

Tuy nhiên, tại những lĩnh vực có số doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh lớn nhất cũng là những ngành nghề có số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động cao nhất tại TP.HCM. Số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong 7 tháng đầu năm 2021 là 29.602 doanh nghiệp, tăng 3,6% so với cùng kỳ năm 2020.

Số doanh nghiệp thành lập mới trong 7 tháng đầu năm 2021 là 75.823 doanh nghiệp, tăng 0,8% so với cùng kỳ năm 2020. Đây là mức tăng thấp khi so sánh với mức tăng trung bình giai đoạn 2016-2020 (8,1%). Riêng tại TP.HCM, trước tình hình khó khăn của các doanh nghiệp, Hiệp hội Ngân hàng TP.HCM mới đây đã ký đồng thuận với 16 ngân hàng thương mại lớn ở thành phố sẽ giảm lãi suất cho các khách hàng đang vay. Dự kiến, sẽ có khoảng 400.000 khách hàng doanh nghiệp trên địa bàn sẽ được giảm lãi suất lần này.

Mai Châu
Nguồn Nhịp cầu Đầu tư