Thị trường chuỗi F&B Việt tương lai: Cuộc so tài của thế hệ F1 ở các tập đoàn gia đình?

Thị trường chuỗi F&B Việt tương lai: Cuộc so tài của thế hệ F1 ở các tập đoàn gia đình?

Với sự xuất hiện của Ông Bầu và Chuk Chuk, thị trường F&B vừa đón chào thêm những “chiến tướng” mới: họ là con của các đại gia tầm cỡ trên thương trường như ông Đoàn Nguyên Đức, ông Võ Quốc Thắng và ông Trần Lệ Nguyên. Cộng với sự chuyển giao thế hệ đã tương đối thành công ở ABC Bakery, thị trường chuỗi F&B tương lai sẽ là cuộc chiến giữa thế hệ F1.

Chuyển giao thế hệ luôn là một bài toán khó và là thử thách đầy cam go ở các doanh nghiệp tư nhân lớn tại nước ta. Rút kinh nghiệm của những đàn anh đi trước, để bớt rủi ro, các doanh nhân 6x và 7x sau này, thường để con cái thử sức kinh doanh ngay khi họ vẫn đang trong thời kỳ sung sức. Ngoài cách làm truyền thông là để các con rèn luyện trong tập đoàn gia đình, các doanh nhân còn tạo ra những startup trực thuộc tập đoàn, nhằm tạo môi trường thuận lợi để rèn giũa các “cậu ấm cô chiêu”.

Phương cách mới này đang được các gương mặt thân quen của giới kinh doanh là các doanh nhân Đoàn Nguyên Đức, Võ Quốc Thắng và Trần Lệ Nguyên áp dụng.

Mặc dù 3 ông bầu là ông Đoàn Nguyên Đức – HAGL, ông Võ Quốc Thắng – Đồng Tâm và ông Trần Thanh Hải – NutiFood chính là “gương mặt đại diện” cho chuỗi; song họ hoặc doanh nghiệp của họ không hề góp vốn cho cà phê Ông Bầu.

Theo đó, đại diện pháp luật của cà phê Ông Bầu lại là Trần Thị Kim Oanh – Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc (TGĐ) của công ty với cổ phần cao nhất (51%). Hai cổ đông còn lại trong nhóm cổ đông sáng lập là Đoàn Hoàng Anh (con Bầu Đức) và Võ Quốc Lợi (con Bầu Thắng), mỗi người nắm 24,5% cổ phần.

Bà Trần Thị Kim Oanh, hiện là thành viên ban kiểm soát của Công ty CP Cà phê Phước An. Năm 2017, NutiFood đã mua lại cổ phần chi phối Công ty Phước An, đơn vị sở hữu nông trại cà phê Cada có diện tích hơn 4.000ha, công suất hơn 11.000 tấn cà phê/năm và ông Trần Thanh Hải – Chủ tịch NutiFood làm người đại diện pháp luật.

Cà phê Ông Bầu là startup mà 2 ông Bầu Đức và Bầu Thắng mở ra để rèn luyện “con cái trong nhà”

Theo đó, NutiFood sẽ chịu trách nhiệm về cung cấp nguyên vật liệu và sản phẩm, Đoàn Hoàng Anh – HAGL sẽ chịu trách nhiệm Marketing & Sale và Võ Quốc Lợi – Đồng Tâm chịu trách nhiệm về tài chính và dòng tiền.

Mới nhất, KIDO đã ra mắt chuỗi F&B của mình, tên Chuk Chuk và trọng trách xây dựng, phát triển chuỗi này được đặt lên vai Trần Tuyết Vân – con gái đầu của TGĐ KIDO Trần Lệ Nguyên. Công ty Cổ phần Đầu tư Thương mại TTV (có thể viết tắt từ tên Trần Tuyết Vân), pháp nhân phát triển dự án, có vốn điều lệ 100 tỉ đồng với 61% cổ phần thuộc sở hữu trực tiếp của KIDO.

Trần Tuyết Vân – năm nay mới 25 tuổi, được bổ nhiệm làm Tổng Giám đốc của Công ty TTV, còn ông Trần Lệ Nguyên là Chủ tịch HĐQT Công ty TTV.

Cộng với sự chuyển giao thế hệ đã tương đối thành công ở ABC Bakery, có thể nói, thị trường chuỗi F&B tương lai sẽ là cuộc đọ sức giữa những “cậu ấm cô chiêu”. Tức là, thế hệ F1 sẽ cùng nhau lên sàn so găng trực tiếp ở thị trường F&B, khi cha mẹ họ đứng sau hỗ trợ và là bệ phóng tài chính và kinh nghiệm.

Đoàn Hoàng Anh và Võ Quốc Lợi của Cà phê Ông Bầu

Giới truyền thông trong nước vẫn thường truyền tai nhau, trên doanh trường, không ai “giấu” con kỹ như bầu Đức. Con gái đầu tiên của ông tên là Đoàn Hoàng Anh – năm nay đã 31 tuổi, nhưng chưa một lần lộ diện trước truyền thông, ngay cả khi cô là một trong 3 cổ đông lớn của chuỗi cà phê Ông Bầu.

Theo lời của Bầu Đức kể, thì ông đưa Đoàn Hoàng Anh sang Singapore học từ năm 11 tuổi. Hai người con còn lại – Đoàn Hoàng Nam và Đoàn Hoàng Nam Anh cũng sang Singapore khi chưa được 10 tuổi. Lý do ông chọn Singapore vì môi trường văn hoá Châu Á gần gũi với Việt Nam và vợ chồng ông có thể thuận tiện bay qua bay lại và vẫn giữ được sự riêng tư về thân thế của các con.

Lần đầu tiên Đoàn Hoàng Anh xuất hiện trước đông người là khi tham dự sự kiện khởi công xây dựng dự án của HAGL tại Myanmar vào năm 2014. Tuy nhiên, lúc đó, Bầu Đức tiết lộ là con gái mình chỉ đi theo để phụ giúp, chứ không phải đang làm việc cho HAGL, mà đang làm việc cho một ngân hàng nước ngoài tại Singapore.

Bẵng đi một thời gian, cái tên Đoàn Hoàng Anh lần nữa xuất hiện trở lại khi cô trở thành cổ đông lớn của chuỗi Ông Bầu. Tuy nhiên, như mọi lần, hình ảnh của ái nữ nhà HAGL vẫn được giấu kín bưng. Ở tuổi 31, thật khó tin khi Đoàn Hoàng Anh – người kế nghiệp một doanh nhân nổi tiếng như bầu Đức lại chưa một lần ló dạng trước công chúng.

Võ Quốc Lợi

Võ Quốc Lợi sinh năm 1988, là con trai của một ông bầu khác – Võ Quốc Thắng, Chủ tịch HĐQT Đồng Tâm Group. Lợi tốt nghiệp Trường Đại học Nam California (University of Southern California) tại Mỹ ngành Tài chính Ngân hàng, sau đó học Thạc sĩ Quản trị kinh doanh – Trường London Business (Anh) và có thời gian ngắn đi làm tại Quỹ đầu tư Russell Investment Index, cũng như 9 năm làm việc trong lĩnh vực tài chính – ngân hàng.

Thiếu gia này hiện đang sở hữu hơn 15,17 triệu cổ phần, chiếm 4,69% vốn điều lệ của Kienlong Bank và anh vừa được bầu làm Phó TGĐ Kienlong Bank vào đầu năm 2021. Kienlong Bank là ngân hàng có quan hệ mật thiết với Đồng Tâm Group. Ông Võ Quốc Thắng đang là cố vấn của ngân hàng này.

Ngoài ra, Võ Quốc Lợi cũng đang là thành viên HĐQT Tập đoàn Kỹ nghệ Gỗ Trường Thành (TTF). Lợi được bổ nhiệm làm Thành viên HĐQT Gỗ Trường Thành từ ngày 10/6/2020.

Đầu năm 2021, Võ Quốc Lợi kết hôn với Đào Thị Phương Thảo, là con gái của “Chúa đảo Tuần Châu” Đào Hồng Tuyển. Đám cưới giữa 2 gia đình hào môn thu hút sự chú ý lớn với công chúng.

Khi ra mắt vào tháng 2/2020, chuỗi Ông Bầu đã đặt mục tiêu có 1.000 cửa hàng trong năm 2020 và 10.000 cửa hàng vào năm 2022. Nhưng cho đến thời điểm hiện tại, sau 16 tháng ra mắt, họ mới chỉ có 250 điểm bán, tính cả mô hình cửa hàng lớn, nhỏ và kiosk.

Kao Huy Phương (37 tuổi) và Kao Huy Minh (32 tuổi) của ABC Bakery

Khác với nhiều gia đình doanh nhân khác, vì ông Kao Siêu Lực chỉ có khiếu làm bánh và không có tài năng ở mảng kinh doanh – tài chính, nên cả 2 con của ông là Kao Huy Phương và Kao Huy Minh phải từ bỏ công việc ở Singapore để về phụ giúp ba và ABC Bakery từ sớm. Do là gia đình gốc Hoa lại sang Singapore du học trong nhiều năm, cả hai chị em thông thạo 3 ngôn ngữ là tiếng Việt, Hoa, Anh.

Sau khi li hôn với vợ, vì chỉ rành việc “bếp núc”, ông Kao Siêu Lực chấp nhận rời bỏ thương hiệu Đức Phát Bakery (công ty này là sở hữu chung của 2 vợ chồng trong thời gian kết hôn) và nhận 1 triệu USD và 1/2 số cửa hàng, mở ra thương hiệu mới ABC Bakery.

Chỉ rành việc “bếp núc” mà thiếu am hiểu tài chính, ông Lực từng lao đao khi ABC Bakery khủng hoảng dòng tiền trong những năm đầu tái lập nghiệp và phải mất 1 năm, công ty mới vượt qua được biến cố nhờ sự chia sẻ của các đối tác.

Kao Huy Phương (trái) và Kao Huy Minh

Trong năm 2009, sau nhiều tháng suy nghĩ, Kao Huy Phương đã từ bỏ cơ hội học bổng và làm việc cho chính phủ Singapore, quay về giúp sức cho ba mình. Dự án đầu tiên của cô là đầu tư 500 ngàn USD mua dây chuyền sản xuất bánh, cơ sở để họ có thể làm việc với McDonald’s. Đầu tư này sau đó không chỉ thuyết phục McDonald’s mua hàng mà kéo theo các khách hàng lớn khác.

Vài năm sau đó, Kao Huy Minh cũng rời công việc marketing tại một toà soạn báo ở Singapore trở về Việt Nam sau một lần “kiếm hình ảnh của ba và thấy ba già đi nhiều so với 10 năm trước đó”.

Hiện tại, ông Kao Siêu Lực phụ trách phần sản phẩm; Kao Huy Phương phụ trách mảng đối ngoại – kinh doanh và Kao Huy Minh phụ trách đối nội – nhân sự.

Sau khoảng 10 năm đồng hành cùng nhau, 3 cha con nhà họ Kao đã khiến ABC Bakery lột xác. Hiện tại, ABC Bakery có 30 cửa hàng, ngoài ra còn phát triển kênh B2B và xuất khẩu đi Nhật Bản – Đông Nam Á. ABC Bakery đang là nhà cung cấp cho khoảng gần 50 thương hiệu F&B quốc tế đang hoạt động tại Việt Nam – chiếm 50% doanh thu chung của thương hiệu. Đầu năm 2019, Kao Huy Phương kí được hợp đồng trị giá 35 tỉ đồng xuất khẩu bánh mì và bánh bông lan đi Nhật Bản; xuất khẩu đóng góp 16% doanh thu.

Trong năm 2018, doanh thu của ABC Bakery khoảng 600 tỉ đồng. Trong năm 2020 và 2021, doanh số của thương hiệu bánh này chắc chắn sẽ không tốt như trước, do những tác động xấu của COVID-19. Tuy nhiên, với những chuyển động trong suốt 1,5 năm qua, như việc ông Kao Siêu Lực sáng tạo bánh mì thanh long, sầu riêng và làm bánh mì dinh dưỡng ủng hộ tuyến đầu chống dịch; thương hiệu ABC Bakery đã được lan toả rất sâu và xa, trở nên cực kỳ nổi trội trên thị trường ở thời điểm hiện tại.

Với trường hợp của ABC Bakery, xem như họ đã chuyển giao thế hệ thành công rực rỡ.

Trần Tuyết Vân của Chuk Chuk – KIDO

Trần Tuyết Vân là con gái đầu của ông Trần Lệ Nguyên – Tổng Giám đốc của Tập đoàn KIDO. Đây cũng là một tiểu thư kín tiếng khác của giới kinh doanh Việt.

Tại buổi họp báo ra mắt Chuk Chuk tháng 6 vừa qua cũng là lần đầu tiên Trần Tuyết Vân chính thức xuất hiện trước truyền thông, dù cô chỉ xuất hiện sau lớp khẩu trang do vấn đề phòng dịch. Qua những gì Trần Tuyết Vân thể hiện trong buổi họp báo, có thể thấy cô vẫn khá kiệm lời.

Trần Tuyết Vân – Tổng Giám đốc Công ty TTV – phụ trách chuỗi Chuk Chuk

Với Chuk Chuk, nhiệm vụ của cô gái 25 tuổi này khá nặng nề: phát triển chuỗi lên 58 cửa hàng vào cuối năm 2021, 120 cửa hàng vào năm 2022, 189 cửa hàng vào năm 2023, 358 cửa hàng vào năm 2024 và 1.000 cửa hàng vào năm 2025. Mục tiêu của Chuk Chuk trong vài năm đầu tiên tương đối thực tế khi liên hệ với các chuỗi F&B mới ra đời gần đây như Ông Bầu hay E-Coffee.

Dự kiến, trong năm 2021, doanh thu của Chuk Chuk khoảng 141 tỉ đồng, năm 2023 khoảng 1.200 tỉ đồng và năm 2025 đạt 7.800 tỉ đồng. Theo đó, đến năm 2025, 75% cửa hàng của Chuk Chuk sẽ nằm ở TP.HCM và Hà Nội; 20% nằm ở thành phố cấp 1 và cấp 2; 5% ở thành phố cấp 3.

Quỳnh Như
Nguồn CafeBiz