UN: Kinh tế toàn cầu thiệt hại hơn 4 nghìn tỉ USD trong năm 2020 và 2021

UN: Kinh tế toàn cầu thiệt hại hơn 4 nghìn tỉ USD trong năm 2020 và 2021

Nhóm các nước đang phát triển sẽ gánh chịu ước tính khoảng 60% thiệt hại của kinh tế toàn cầu, theo Unctad.

Sự suy giảm của ngành du lịch toàn cầu do đại dịch COVID-19 sẽ khiến kinh tế toàn cầu thiệt hại hơn 4 nghìn tỉ USD trong giai đoạn năm 2020 và 2021, tồi tệ hơn nhiều so với dự báo của các chuyên gia.

Thực tế này diễn ra khi mà quá trình tiêm vaccine COVID-19 vẫn còn chậm chạp, nhóm nền kinh tế các nước đang phát triển phụ thuộc nhiều vào du khách quốc tế.

Chỉ riêng trong năm nay, thiệt hại mà sự suy giảm của ngành du lịch quốc tế gây ra cho kinh tế toàn cầu ước tính 1,7 cho đến 2,4 nghìn tỉ USD ngay cả nếu ngành du lịch quốc tế hồi phục lại tại Mỹ, Anh và Pháp trong nửa sau năm nay. Nhóm các nước này có tỷ lệ tiêm vaccine COVID-19 cao hơn, theo báo cáo mới đây của Hội nghị Thương mại và Phát triển Liên hợp quốc.

Nghiên cứu mới nhất nhấn mạnh đến chi phí đắt đỏ mà thế giới phải gánh chịu khi mà tiến độ tiêm vắc xin COVID-19 không đồng đều tại các nước trên thế giới. Nhóm các nước đang phát triển sẽ gánh chịu ước tính khoảng 60% thiệt hại của kinh tế toàn cầu, theo Unctad.

Nguồn: Reuters

Báo cáo nhấn mạnh rằng cuộc khủng hoảng của ngành du lịch còn lâu mới qua đi, các biện pháp hạn chế và cấm đi lại hiện vẫn đang được áp dụng tại nhiều khu vực có tỷ lệ tiêm vaccine COVID-19 thấp. Cũng theo Tổ chức Du lịch Thế giới thuộc Liên hợp quốc, du lịch quốc tế có thể chưa trở lại ngưỡng trước đại dịch COVID-19 cho tới năm 2023.

Các nền kinh tế như Thái Lan hay Thổ Nhĩ Kỳ, vốn phụ thuộc nhiều vào du khách nước ngoài để tăng trưởng kinh tế, chịu nhiều thiệt hại. Việc du lịch suy giảm tác động rất tiêu cực đến các ngành nghề có liên quan đến nhau như thực phẩm, đồ uống, bán lẻ, truyền thông và giao thông.

Nhìn chung, sự suy giảm của ngành du lịch đã dẫn đến việc tỷ lệ thất nghiệp trong nhóm lao động tay nghề thấp tăng trung bình 5,5%, sự suy giảm của ngành du lịch đặc biệt tác động mạnh đến nhiều phụ nữ và người trẻ.

“Du lịch là nguồn sống cho hàng triệu người và việc triển khai quá trình tiêm vaccine COVID-19 nhằm bảo vệ các cộng đồng và hỗ trợ cho sự khởi động lại của ngành cực kỳ quan trọng với sự phục hồi của việc làm và tài nguyên, đặc biệt tại các nước đang phát triển”, Tổng Thư ký Tổ chức Du lịch Liên hợp quốc – ông Zurab Pololikashvili khẳng định.

Tại các nước phát triển, triển vọng tiêm vaccine COVID-19 đang cải thiện. Ngày một nhiều người Mỹ đang có kế hoạch đi du lịch nước ngoài, theo Conference Board.

Trung Mến
Nguồn BizLive