Thời thế của Air Cargo

Thời thế của Air Cargo

Vận chuyển hàng hoá bằng đường hàng không (Air Cargo) tiếp tục chiếm sóng với một số thương vụ đầu tư mới.

Tiêu biểu là sự kiện Vietjet và UPS (Mỹ) ký một thoả thuận gia tăng năng lực khai thác vận tải hàng hoá trong nước và quốc tế. Theo đó, Vietjet có quyền tiếp cận các chuyến bay trên mạng lưới vận chuyển hàng hoá quốc tế của UPS từ Châu Á, trong khi hãng chuyển phát nhanh của Mỹ sẽ có thể sử dụng các dịch vụ của Vietjet tại Việt Nam, Thái Lan và khu vực Châu Á.

Vietjet là hãng hàng không đầu tiên trong nước được chấp thuận khai thác hàng hoá trên khoang hành khách và thực hiện các chuyến bay vận chuyển hàng hoá quốc tế giữa Việt Nam với Nhật, Hàn Quốc, Trung Quốc, Hồng Kông, Thái Lan, Malaysia và Indonesia. Các chuyến bay mới đến Đài Loan từ Việt Nam và Thái Lan cũng được Vietjet lên kế hoạch triển khai, đi cùng mục tiêu gia tăng tần suất bay trên các đường bay hiện hữu.

Hay mới đây, Tập đoàn IPPG đề xuất thành lập Hãng hàng không IPP Air Cargo, hướng tới mục tiêu vận tải hàng hoá hoạt động trong phạm vi nội địa và quốc tế. Dự án có tổng mức đầu tư ban đầu 2.400 tỉ đồng, dự kiến cất cánh vào năm sau. Hãng bay này sẽ kết nối với hệ thống kho bãi đang xây dựng, vận chuyển khoảng 115.000 tấn hàng hoá và đạt doanh thu 71 triệu USD.

Có thể thấy, IPP Air Cargo sẽ tận dụng nhu cầu vận chuyển hàng hoá, các nhu yếu phẩm, thực phẩm, thiết bị y tế... hết sức cần thiết trong bối cảnh dịch bệnh. Bên cạnh đó, tầm nhìn lâu dài là nhu cầu vận chuyển hàng hoá xuất nhập khẩu đang tăng trưởng mạnh của Việt Nam.

Liên quan đến tuyến bay quốc tế, mới đây, Bamboo Airways được cấp phép bay thẳng tới Mỹ kể từ tháng 9/2021. Điều này mở ra triển vọng tăng trưởng cho mảng giao nhận hàng hoá khi Mỹ đang là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam.

Phương thức vận chuyển hàng hoá bằng đường hàng không đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ hệ thống thương mại toàn cầu hiện tại, với ước tính 35% giá trị thương mại toàn cầu được vận chuyển bằng đường hàng không. Máy bay có tốc độ cao nhất trong các phương thức vận tải hiện nay nên hàng hoá sẽ được gửi đi nhanh chóng. Vận tốc trung bình của một máy bay chở hành khách là khoảng 800-1.000 km/h, cao hơn rất nhiều so với các hình thức vận chuyển khác. Vì thế, không có phương tiện nào có thể so sánh được, xét về thời gian vận chuyển.

Tại Việt Nam, vận tải hàng không hiện chỉ chiếm chưa đến 1% tổng kim ngạch xuất khẩu (khoảng 1,1 triệu tấn) nhưng mang lại khoảng 25% tổng giá trị xuất khẩu do vận chuyển chuyên biệt các mặt hàng có giá trị cao như máy tính xách tay và smartphone.

Dù vậy, có tới 88% thị phần nằm trong tay các hãng air cargo quốc tế như UPS, DHL, FedEx. Thực tế, trong nước chưa có hãng hàng không nào có máy bay chuyên chở hàng hoá và hầu hết hàng hoá đều được đặt dưới bụng các máy bay chở hành khách khiến sản lượng chuyên chở bị hạn chế. Vì thế, đây cũng là cơ hội cho các hãng bay tập trung vào phân khúc này.

“Chúng tôi không chỉ thành lập Hãng hàng không IPP Air Cargo mà còn xây dựng chuỗi liên hoàn trung tâm logistics cung cấp giải pháp công nghệ thông minh, hiện đại để quản lý kho hàng”, ông Johnathan Hạnh Nguyễn, Chủ tịch Hội đồng Quản trị IPPG, cho biết.

Hiện thị trường Việt Nam được đánh giá là ngôi sao đang lên nhờ các hiệp định thương mại tự do quy mô lớn và thương mại điện tử bùng nổ. Việt Nam cũng là nơi lắp rắp của nhiều tập đoàn công nghệ nổi tiếng như Samsung, LG, Panasonic, Intel, Foxconn, vốn có nhu cầu vận chuyển bằng đường hàng không rất lớn. Năm ngoái, Samsung đã đề nghị Vietnam Airlines chuyển một số máy bay chở khách sang chở hàng để vừa tận dụng cơ hội, vừa giúp bù đắp phần nào lợi nhuận sụt giảm từ mảng khách du lịch.

Giả sử, với đơn cước trung bình cho mỗi kg hàng là 5 USD, thì với 1,1 triệu tấn vận chuyển, ước tính giá trị ngành air cargo lên tới 5,5 tỉ USD. Trong các năm tới, khối lượng vận chuyển hàng hoá được kỳ vọng sẽ phục hồi và tiến đến cột mốc 2 triệu tấn/năm nhờ những cải tiến về công nghệ quản lý logistics, đi cùng xu thế Việt Nam dần chuyển nền kinh tế sản xuất công nghiệp sang sản xuất hàng hoá công nghệ cao, trong đó có các sản phẩm có nhu cầu lớn về vận tải hàng không như hàng điện tử, dược phẩm, thiết bị y tế, nông sản chất lượng cao.

Tại Việt Nam, vận tải hàng không hiện chỉ chiếm chưa đến 1% tổng kim ngạch xuất khẩu (khoảng 1,1 triệu tấn) nhưng mang lại khoảng 25% tổng giá trị xuất khẩu
Ảnh: TL

Nhưng nút thắt về đầu tư và quản lý hạ tầng hàng không có thể ảnh hưởng đến tham vọng của các hãng air cargo. Đơn cử tại sân bay Tân Sơn Nhất, báo cáo của Cục Hàng không cho thấy các hãng đều sử dụng gần hết slot được cấp, chỉ có Pacific Airlines có tới 15,9% slot được cấp nhưng không sử dụng hết. Đại diện một hãng hàng không cho rằng công tác điều phối slot tại sân bay Nội Bài và sân bay Tân Sơn Nhất đang có một số bất hợp lý trong công tác tối ưu nguồn lực.

Kết quả là một số hãng hàng không trong và ngoài nước có nhu cầu khai thác nhưng lại không được phân bổ slot, dẫn đến tình trạng có những hãng hàng không chiếm giữ quỹ slot tại các sân bay nhưng không khai thác, góp phần gây thực trạng tắc nghẽn và ảnh hưởng đến kế hoạch gia tăng tần suất bay của một số hãng lớn.

Giá dầu tăng cao cũng là một thách thức mà các hãng bay phải tính đến. Đối với ngành hàng không, chi phí nhiên liệu chiếm từ 30-50%. Do đó, bất kỳ sự gia tăng nào của giá dầu cũng ảnh hưởng nghiêm trọng đến lợi nhuận hoạt động của các hãng hàng không.

Nguyễn Sơn
Nguồn Nhịp cầu Đầu tư