CyberPurify “vệ sĩ internet”

CyberPurify “vệ sĩ internet”

CyberPurify đã ra đời nhằm giúp phụ huynh trên toàn cầu thiết lập một môi trường an toàn cho trẻ em bằng công cụ trí tuệ nhân tạo.

Theo báo cáo gần đây nhất của Viện Nghiên cứu Quản lý Phát triển bền vững và Tổ chức Cứu trợ Trẻ em Quốc tế, tại các thành phố lớn ở Việt Nam, đến 96,9% trẻ có sử dụng mạng internet cho nhiều mục đích khác nhau như học hành, giải trí, tìm kiếm thông tin và chơi game. Tuy nhiên, mạng internet đang ngày càng nguy hiểm hơn khi những nội dung độc hại tự tìm đến trẻ.

Những nội dung đó không chỉ dưới dạng website thuần tuý mà còn là hình ảnh, video, quảng cáo bất chợt xuất hiện ở các trang web chơi game trực tuyến, mạng xã hội, các diễn đàn, chat nhóm... Nhiều nội dung không phù hợp như hình ảnh tai nạn, máu me, ngược đãi động vật, bạo lực và nhất là nội dung khiêu dâm có thể khiến trẻ khó chịu, bối rối, ám ảnh.

Tại các thành phố lớn ở Việt Nam, đến 96,9% trẻ có sử dụng mạng internet
Ảnh:TL

Theo BBFC (cơ quan quản lý nội dung truyền thông độc lập và phi lợi nhuận về hệ thống phân loại nội dung, phim, game của Anh), 7-8 tuổi là độ tuổi mà một số trẻ đã tình cờ nhìn thấy nội dung khiêu dâm. Hơn 60% trẻ em từ 11-13 tuổi và 53% trẻ từ 14-15 tuổi vô tình tiếp xúc với nội dung khiêu dâm trên mạng. Hầu hết chúng mô tả cảm giác là “kinh khủng” và “bối rối”, gây cảm giác tiêu cực, đặc biệt là những đứa trẻ dưới 10 tuổi.

Với sự phát triển của 5G, smartphone và các mạng xã hội, trung bình mỗi người tạo ra tới 1,7 GB dữ liệu mỗi ngày, tương đương 2.000 bức ảnh hoặc 150 video và ngày càng tăng cao hơn nữa trong tương lai, dẫn đến lượng nội dung đồ sộ cần được kiểm duyệt trước khi tiếp cận trẻ em ngày càng khổng lồ.

Thị trường bảo vệ nội dung trên mạng không mới và được định giá trên 900 triệu USD. Nhưng tới nay, nhiều công cụ lọc miễn phí của Google, Bing... chỉ chặn được một số ít, đa số là text tìm kiếm, chứ không thể chặn được hình ảnh, video bất chợt xuất hiện trên các trang mạng.

Chính vì vậy, từ năm 2007, anh Nguyễn Hữu Bình đã phát triển một ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để nhận dạng nội dung khiêu dâm có tên là KillPorn. Sau khi đạt được giải thưởng Nhân Tài Đất Việt, anh tặng license cho VNPT để cung cấp đến các thuê bao internet của nhà mạng này dưới tên gọi MegaKillPorn.

Đến nay, anh Bình và nhóm đã thành lập CyberPurify, một startup phát triển hệ thống máy học (Machine Learning) để nhận dạng nội dung độc hại chuyên sâu hơn. Công cụ của CyberPurify sẽ chạy dưới dạng extension/add-on trên trình duyệt phổ biến như Google Chrome, Microsoft Edge, Firefox và Safari để nhận dạng và ngăn chặn tới 15 loại nội dung độc hại đối với trẻ em, gồm cả ma quỷ, khiêu dâm, ma tuý và bạo lực đẫm máu.

CyberPurify sẽ tự động phân tích các nội dung đang hiển thị, che mờ nếu phát hiện chúng độc hại, hoặc gửi báo cáo đến phụ huynh khi phát hiện trẻ tìm hiểu về ma tuý, dược phẩm. Khi đứa trẻ tìm cách gỡ bỏ bộ lọc mạnh mẽ này, phụ huynh cũng sẽ nhận được thông báo.

Anh Nguyễn Hữu Bình, sáng lập và CEO của CyberPurify, cho biết: “Chúng tôi tập trung vào việc xây dựng mô hình AI cho phép nhận dạng và phân loại những nội dung độc hại, định nghĩa lại khái niệm về sự an toàn cho trẻ em bằng cách thay thế sự theo dõi kiểm soát bằng sự bảo vệ chủ động của AI trong việc nhận dạng theo thời gian thực ngay khi nội dung chưa hiển thị”.

Điểm đặc biệt của CyberPurify chính là không hề xâm phạm quyền riêng tư của trẻ, không theo dõi chúng làm gì, xem gì. CyberPurify cho rằng điều này sẽ tránh được việc ảnh hưởng đến tính cách, tinh thần và khả năng phát triển của trẻ.

“CyberPurify Kids bản thân nó cũng như một đứa trẻ, liên tục tự học thêm những nội dung độc hại được phát hiện mỗi ngày để trở nên thông minh hơn, ngăn chặn triệt để hơn. Đây là sản phẩm đầu tiên trên thế giới chạy trên trình duyệt có thể nhận dạng được hầu hết các loại nội dung độc hại tồn tại trên internet”, anh Bình nói thêm.

Công cụ CyberPurify Kids sẽ được cung cấp miễn phí cho các trường học, phòng lab, internet cafe hoặc những nơi có máy tính công cộng. Tính năng nâng cao bao gồm gửi báo cáo thống kê cho phụ huynh sẽ có tính phí.

CyberPurify cũng cung cấp dịch vụ B2B dưới dạng phần cứng và phần mềm chuyên dụng với khách hàng là những doanh nghiệp cung cấp nội dung số hoặc platform sử dụng như một công cụ thay thế con người để kiểm duyệt những nội dung do người dùng tạo ra. Dịch vụ này hiện xử lý trên 10 triệu nội dung hình ảnh và video mỗi ngày, tương đương với sức lao động của 20.000 người.

Nhờ ý tưởng và sản phẩm độc đáo, CyberPurify là 1 trong 5 startup thắng giải “Thử thách sáng tạo cùng công nghệ trí tuệ nhân tạo – AI Accelerator Challenge 2021 (AAC 2021)” do Bộ Khoa học và Công nghệ bảo trợ và Chính phủ Úc tài trợ.

Trong tương lai, CyberPurify mong muốn xây dựng một mạng lưới bảo vệ toàn diện trẻ em trên internet. Vì vậy, startup đang bắt tay xây dựng các thiết bị để ngăn chặn nội dung một cách triệt để hơn, mang lại một môi trường internet trong sạch.

Trung Nguyễn
Nguồn Nhịp cầu Đầu tư