Phép cộng của Phúc Long

Phép cộng của Phúc Long

Chuỗi trà – cà phê Phúc Long tạo ra đột phá về thị phần sau cái bắt tay với Masan.

Masan vừa xác nhận The Sherpa, một thành viên của Masan, đã chi 15 triệu USD để mua lại 20% cổ phần Phúc Long Heritage, doanh nghiệp sở hữu Phúc Long. Đại diện Masan cho biết, hai bên sẽ cùng phát triển mô hình “Kiosk Phúc Long” thông qua mạng lưới hơn 2.200 cửa hàng VinMart+ trên toàn quốc.

Thương vụ này được đánh giá sẽ ảnh hưởng lớn tới thị phần của chuỗi cà phê tại Việt Nam. Ước tính tổng tiêu thụ trà và cà phê tại Việt Nam vào khoảng 2,3 tỉ USD, dự kiến tăng trưởng hơn 10% mỗi năm. Trong đó, chuỗi cửa hàng bán lẻ trà và cà phê có thương hiệu chỉ chiếm 25%, bao gồm các thương hiệu lớn như Highlands Coffee (trên 300 cửa hàng), The Coffee House (trên 150 cửa hàng) và Starbucks (trên 70 cửa hàng).

Phúc Long tuy có số lượng cửa hàng chỉ hơn 70 nhưng được đánh giá là gương mặt đáng chú ý. Từ một cơ sở sản xuất trà, cà phê ở Bảo Lộc (Lâm Đồng), vài năm gần đây, Phúc Long nổi lên như một tên tuổi có tiếng trong giới kinh doanh đồ uống, với doanh thu năm 2019 đạt 779 tỉ đồng, tăng 65% cùng kỳ và chỉ đứng sau Highlands Coffee, Starbucks và The Coffee House. Phúc Long đã liên tục mở rộng và thực hiện Bắc tiến từ năm 2019. Chiến lược này đã giúp Phúc Long hiện diện ở hầu hết các vị trí đắt đỏ, khu vực trung tâm TP.HCM và cửa hàng của Phúc Long cũng thường đông đúc. Tuy nhiên, chiến lược mở rộng thần tốc khiến Phúc Long không thể đạt lợi nhuận cao vì vấn đề chi phí.

Đây là điều cũng đã diễn ra ở các chuỗi cà phê khác. Năm 2019, The Coffee House dù ghi nhận doanh thu tăng trưởng 28%, đạt hơn 861 tỉ đồng nhưng vẫn bị lỗ vì chi phí bán hàng quá lớn. Hay doanh thu năm 2019 của Trung Nguyên Legend tuy tăng 17%, đạt 408,9 tỉ đồng nhưng lại lỗ hơn gấp đôi so với năm trước. Kiểm soát chi phí trở thành bài toán quan trọng của các chuỗi cửa hàng cà phê.

Năm 2021, để giảm chi phí mà cũng vừa là gia tăng quy mô, Phúc Long bắt tay triển khai các mô hình mới. Đó là mở các kiosk bên trong siêu thị và gần hơn là mô hình co-working (chia sẻ chung). Cách thức của Phúc Long không mới. Vì chuỗi Ông Bầu cũng đã hợp tác với hệ thống nhà hàng Ba Gác nhằm đạt 10.000 điểm bán sau 2 năm. Tương tự, cà phê Guta cũng mở quầy ngay trước mặt tiền của siêu thị Co.opSmile và nhiều toà nhà khác. Chuyên gia thương hiệu Võ Văn Quang nhận xét, mở cửa hàng trong cửa hàng là xu hướng, giúp các nhà kinh doanh chia sẻ chi phí, mang lại lợi ích cho các bên.

Ở hình thức kết hợp quán cà phê với co-working space (văn phòng chia sẻ), nhiều thương hiệu như Think In A Box, Artfolio Coworking Café, The Coffee House, Foglian Coffee… cũng đã tiến hành. Ông Hoàng Tùng, nhà sáng lập kiêm Giám đốc Điều hành chuỗi Pizza Home, cho rằng mô hình tích hợp quán cà phê với co-working không hề xa lạ và sẽ là làn gió mới trong thị trường kinh doanh ngành dịch vụ.

Theo thống kê quý IV/2020 của CBRE Việt Nam, số lượng chuỗi cà phê vẫn đạt mức tăng trưởng hơn 10% trong năm 2020. Cần nói thêm, chuỗi cà phê cũng là ngành duy nhất trong lĩnh vực F&B tăng trưởng dương trong giai đoạn 2019-2020. “Cà phê đã trở thành thói quen tiêu dùng hằng ngày, nhất là các phân khúc phổ thông nên không nằm trong danh sách cắt giảm chi tiêu của người tiêu dùng”, ông Đoàn Đình Hoàng, sáng lập chuỗi cà phê nhượng quyền Guta, trao đổi với NCĐT. Vì vậy, bất chấp tình hình dịch bệnh, các chủ cửa hàng cà phê nội và ngoại vẫn đề ra kế hoạch mở rộng nhằm tranh thủ cơ hội mở rộng thị phần.

Nguồn: Hires

Cái bắt tay giữa Masa và Phúc Long cũng diễn ra trong bối cảnh này và hứa hẹn sẽ khiến bức tranh chuỗi cà phê tại Việt Nam có nhiều thay đổi. Đó là khi Phúc Long hợp tác và tận dụng được mạng lưới bán lẻ rộng khắp của Masan. Cuối năm 2020, theo báo cáo thường niên, Masan sở hữu 123 siêu thị VinMart và 2.231 siêu thị mini VinMart+. Đó là chưa nói đến kênh bán hàng online. Thông qua ứng dụng VinID, VinCommerce đang tiếp cận hơn 8,7 triệu khách hàng.

Như đã đề cập, Highlands, The Coffee House, Phúc Long, Starbucks, Trung Nguyên Legend... mới chiếm khoảng 25% thị phần. Điều này đồng nghĩa, nếu có cách tiếp cận khách hàng đa dạng, Phúc Long sẽ dễ dàng hơn trong việc tấn công vào nhóm 75% thị phần còn lại. Mục tiêu của Phúc Long là trong vòng 18-24 tháng tiếp theo mở 1.000 kiosk từ con số 4 hiện tại. Ngoài ra, chiến lược của Phúc Long còn là xuất khẩu.

Ông Trương Công Thắng, Tổng Giám đốc VinCommerce, cũng cho biết: “Hợp tác này sẽ đưa thương hiệu chuỗi bán lẻ trà và cà phê Phúc Long vươn ra thế giới”, mở ra một kênh xuất khẩu lớn hơn cho chuỗi cà phê này. Theo kế hoạch, Kiosk Phúc Long sẽ chia sẻ 20% doanh thu với VinMart+. Dựa trên kết quả kinh doanh của mô hình thí điểm, hợp tác có khả năng tăng biên lợi nhuận cho hệ thống cửa hàng VinMart+ hơn 4% so với mức hiện tại. Trả mức định giá 50 lần cho 20% cổ phần tại chuỗi trà, cà phê Phúc Long, Masan đã có thêm một mảnh ghép chiến lược cho Point of Life – mô hình bán lẻ tích hợp nền tảng trực tuyến.

Trước đó, Masan đã bắt tay với Alibaba thông qua thương vụ Alibaba và Baring Private Equity (BPEA) đầu tư 400 triệu USD để sở hữu 5,5% cổ phần ở The CrownX. 2 năm trước, thông qua Alibaba.com, các doanh nghiệp Việt Nam có thể quảng bá sản phẩm tới 260 triệu công ty mua hàng tại 240 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Tuy chưa đề cập nhưng thông qua Masan, Phúc Long có thể mở ra những cơ hội xuất khẩu mới trên nền tảng thương mại điện tử xuyên biên giới.

Viết Nguyên
Nguồn Nhịp cầu Đầu tư