Thế Giới Di Động thử nghiệm mô hình kinh doanh mới: Mô hình Cộng tác viên

Thế Giới Di Động thử nghiệm mô hình kinh doanh mới: Mô hình Cộng tác viên

Thế Giới Di Động vừa đưa thông tin về kế hoạch đưa vào thử nghiệm mô hình kinh doanh mới với tên gọi “Mô hình Cộng tác viên”.

Cú bắt tay khôn ngoan

Theo đó, Thế giới Di động và Điện máy Xanh sẽ hợp tác với các cửa hàng nhỏ lẻ trên khắp cả nước đang kinh doanh thiết bị điện tử với vai trò “tư vấn viên” và nhận mức chiết khấu phù hợp.

Mô hình này được đưa ra khi Việt Nam hiện có khoảng 20.000-30.000 cửa hàng nhỏ lẻ đang kinh doanh các mặt hàng điện thoại, điện máy. Các cửa hàng nếu có mặt bằng và bảng hiệu, có thể đăng ký thành cộng tác viên để kinh doanh cùng Thế Giới Di Động (TGDĐ).

Các cửa hàng nếu có mặt bằng và bảng hiệu, có thể đăng ký thành cộng tác viên để kinh doanh cùng Thế Giới Di Động
Ảnh: TGDĐ

Phía TGDĐ sẽ thẩm định thông tin đại lý, cùng với đó mức chiết khấu dành cho các đại lý nhỏ lẻ này là từ 5-20%. Ví dụ, mức chiết khấu cho một chiếc điện thoại đang có giá 8,69 triệu đồng có thể là 869.000 đồng, tương đương 10%. Nói một cách dễ hiểu, các cộng tác viên này đóng vai trò tư vấn cho sản phẩm của TGDĐ. Khi khách hàng đồng ý mua, mọi thao tác còn lại sẽ do phía công ty thực hiện.

Mô hình này mang đến một số lợi ích cho các cửa hàng nhỏ lẻ như: Không cần vốn, không cần phải chứa hàng tồn kho. Về phần khách hàng, họ sẽ mua sản phẩm đúng với giá niêm yết trên trang web của TGDĐ, hưởng các chính sách bán hàng và bảo hành bao gồm cả việc trả góp, điểm khác biệt là bước đầu họ sẽ tiếp cận thông qua các đại lý.

Hiện tại đây là một mô hình khá mới của Thế Giới Di Động
Ảnh: TGDĐ

Hiện tại, đây là một mô hình khá mới, nếu thành công, các cửa hàng mua bán nhỏ lẻ trên khắp Việt Nam sẽ có cơ hội phát triển cùng TGDĐ. Khách hàng cũng dễ dàng tiếp cận các sản phẩm và chính sách mua hàng của TGDĐ từ gần 30.000 cửa hàng này trên cả nước.

Theo TGDĐ, mô hình này mang đến một số lợi ích cho các cửa hàng nhỏ lẻ như không tốn chi phí tồn kho, vận hành. Họ chỉ cần tư vấn và nhận chiết khấu. Thời điểm đầu, TGDĐ chưa cung cấp các hình thức hỗ trợ bán hàng cho các đại lý này như trang trí cửa hàng hay hàng trưng bày. “Tuy nhiên, qua thời gian, chúng tôi sẽ có sự sàng lọc sàng lọc. Một số đại lý đạt đủ doanh số có được nhận được đầu tư nhiều hơn về hình ảnh, hàng lưu kho hoặc hình thức kinh doanh khác phù hợp cho đại lý đó”, ông Hiểu Em cho biết.

Tiếp tục mô hình thử nghiệm

Ông Đoàn Văn Hiểu Em, cũng nhận định đây mới chỉ là một thử nghiệm của TGDĐ, giống với thử nghiệm mô hình điện thoại siêu rẻ trước đây (đã thất bại) hay Điện máy Xanh mini. “Hiện tại chỉ là chúng tôi nhìn thấy cơ hội và nhảy vào làm. Chỉ đến khi nhìn thấy kết quả bước đầu, chúng tôi mới đưa ra các chính sách phù hợp tiếp theo hoặc đặt mục tiêu kết quả kinh doanh cụ thể”, ông Đoàn Văn Hiểu Em cho biết.

Theo chia sẻ của ông Đoàn Văn Hiểu Em, dù họ đã triển khai thử mô hình này ở Bà Rịa – Vũng Tàu, với sự tham gia của khoảng hơn 10 cửa hàng nhỏ lẻ bán điện thoại và thu lại kết quả khả quan; song doanh nghiệp này vẫn triển khai mô hình kinh doanh mới này ở quy mô lớn sắp tới, với tâm thế thử nghiệm. Vậy nên, TGDĐ không đặt ra chỉ tiêu doanh thu hoặc lợi nhuận mà chỉ có chỉ tiêu về chiêu mộ số lượng cộng tác viên cho các cửa hàng offline của mình.

Thế Giới Di Động không đặt ra chỉ tiêu doanh thu hoặc lợi nhuận mà chỉ có chỉ tiêu về chiêu mộ số lượng cộng tác viên cho các cửa hàng offline của mình
Ảnh: TGDĐ

Với mô hình này, quan điểm của chúng tôi là mình có thể lời ít đi một chút, san sẻ cho cộng tác viên và khách hàng, thì mới có thể xâm chiếm 20% thị phần đó", ông Đoàn Văn Hiểu Em giải thích rõ hơn về mô hình kinh doanh mới.

Minh Anh
Nguồn Nhịp cầu Đầu tư