Tìm sức bền cho chuỗi cung ứng

Tìm sức bền cho chuỗi cung ứng

Sức bền của chuỗi cung ứng toàn cầu không phải đến từ chính sách tự cung tự cấp, mà từ đa dạng hoá nguồn cung.

Tàu Ever Given – con tàu “nổi tiếng” trên khắp các mặt báo do chắn ngang kênh đào Suez trong gần 1 tuần lễ khiến giao thương tắc nghẽn. Đây không chỉ là một trong những tàu container lớn nhất thế giới, mà còn là biểu tượng của sự giật lùi quá trình toàn cầu hoá. Kể từ đầu thập niên 1990, chuỗi cung ứng đã được vận hành để tối ưu hoá tính hiệu quả. Các doanh nghiệp đã tìm cách chuyên nghiệp hoá và tập trung nghiệp vụ nhất định ở những nơi mang lại lợi thế kinh tế nhờ quy mô. Tuy nhiên, có một mối quan ngại ngày càng tăng là “con tàu” quá lớn sẽ không thể điều khiển và chuỗi cung ứng ngày càng dễ bị tổn thương.

Bằng chứng là tình trạng thiếu hụt chất bán dẫn buộc nhiều hãng sản xuất ô tô phải cho các nhà máy trên khắp thế giới... “ngồi chơi”. Trong khi đó, Liên minh Châu Âu (EU) và Ấn Độ đã siết chặt kiểm soát đối với việc xuất khẩu vaccine ngừa COVID-19, làm chậm lại nỗ lực của thế giới trong việc tiêm vaccine cho tất cả người dân. Trong bối cảnh COVID-19 vẫn “bủa vây” cùng với căng thẳng địa chính trị ở nhiều khu vực, chính phủ các nước ở khắp nơi trên thế giới đang chuyển hướng từ việc theo đuổi tính hiệu quả của chuỗi cung ứng sang chính sách tự cung tự cấp.

Việc tăng cường sức bền cho các chuỗi cung ứng là điều dễ hiểu. Khi an ninh quốc gia bị đe dọa, các chính phủ buộc phải giữ vai trò đảm bảo nguồn cung cho nền kinh tế nội địa bằng cách hạn chế lệ thuộc vào các chuỗi cung ứng bên ngoài.

Hiện nay, để làm ra một chiếc iPhone phải dựa vào mạng lưới sản xuất của Apple trải dài trên 49 nước. Hãng dược Pfizer có tới hơn 5.000 nhà cung cấp. Nhưng việc theo đuổi không ngừng nghỉ tính hiệu quả đã dẫn đến mức tồn kho thấp và các điểm nghẽn. Hơn phân nửa các chất bán dẫn tiên tiến được sản xuất ở một số nhà máy tại Đài Loan và Hàn Quốc. Trung Quốc xử lý 72% lượng cobalt của thế giới, một kim loại được sử dụng trong pin ô tô điện. Hãng tư vấn McKinsey tính toán một quốc gia đã độc quyền xuất khẩu tới khoảng 180 sản phẩm.

Sự phụ thuộc như vậy đặc biệt tạo nguy cơ rất lớn khi xung đột địa chính trị ngày càng căng thẳng. Sự suy yếu của các quy định giao thương quốc tế cũng khiến các quốc gia càng không dám tin tưởng dựa dẫm vào nhau. Có thể thấy trong suốt đại dịch, các nước đã thông qua hơn 140 lệnh hạn chế giao thương đặc biệt và nhiều quốc gia đã âm thầm siết chặt rà soát các khoản đầu tư ra nước ngoài. Khi thương chiến Mỹ – Trung ngày càng leo thang, nguy cơ áp lệnh cấm vận, thậm chí xung đột quân sự cũng hiện hữu.

Khi khó có thể dựa vào quy định quốc tế để giải quyết ổn thoả các tranh chấp, các quốc gia có xu hướng tự xử lý theo luật chơi của mình. Và họ có thể không can thiệp một cách nhẹ nhàng. Chính quyền của Thủ tướng Ấn Độ Narenda Modi, với khuynh hướng duy trì chủ nghĩa bảo hộ, đã hô hào khẩu hiệu “vì người trong nước”.

Mới đây, Tổng thống Joe Biden cũng triển khai một dự án kéo dài 100 ngày nhằm rà soát lại các chuỗi cung ứng của Mỹ. Vào ngày 9/3, EU tuyên bố sẽ tăng gấp đôi tỉ trọng của khu vực này trong tổng lượng sản xuất chip toàn cầu vào năm 2030, lên mức 20%. EU cũng cam kết sẽ tự cung tự cấp trong mảng pin vào năm 2025. Năm ngoái Chủ tịch Tập Cận Bình của Trung Quốc ra mắt chiến lược “vòng tuần hoàn kép” nhằm tách nền kinh tế Trung Quốc khỏi các sức ép bên ngoài. Theo đó, nước này sẽ dựa vào thị trường nội địa để phát triển nền kinh tế.

Những tuyên bố này là một tín hiệu cho thấy thế giới đang muốn chuyển hướng khỏi giao thương tự do và các thị trường mở. Nhưng sự giật lùi khỏi toàn cầu hoá được khuyến cáo không chỉ gây thiệt hại to lớn mà còn tạo ra những tổn thương mới chưa từng có.

Sản lượng khẩu trang của Trung Quốc đã tăng gấp 10 lần khi nhu cầu đột ngột tăng mạnh trong đại dịch
Nguồn: VnExpress

Một lý do là các chuỗi cung ứng toàn cầu có tính ổn định cao hơn rất nhiều so với các chuỗi cung ứng nội địa có sự quản lý của chính phủ. Có thể thấy, sản lượng khẩu trang của Trung Quốc đã tăng gấp 10 lần khi nhu cầu đột ngột tăng mạnh trong đại dịch. Sau cơn hoảng loạn thu gom thực phẩm, chuỗi cung ứng toàn cầu trị giá 8.000 tỉ USD đã nhanh chóng thích ứng, hầu hết các siêu thị đều dự trữ đủ hàng để đáp ứng nhu cầu của người dân. Chuỗi cung ứng toàn cầu cũng hoàn toàn có năng lực cung cấp 10 tỉ liều vaccine trong năm nay.

Tự cung tự cấp nghe có vẻ an toàn, nhưng tính hiệu quả chuỗi cung ứng mất đi và chi phí từ việc chồng chéo các chuỗi cung ứng sẽ là thảm họa, trước một thực tế là các doanh nghiệp trên toàn cầu đã đầu tư lên tới 36.000 tỉ USD ra nước ngoài. Chi phí gia tăng do các doanh nghiệp nội địa được bảo hộ khỏi sức ép cạnh tranh bằng các khoản trợ cấp hoặc thuế quan sẽ là một khoản thuế ẩn hình đánh lên người tiêu dùng. Và sau tất cả, một chính sách tự cung tự cấp sẽ chỉ “chăm bẵm” vào thị trường nội địa, thậm chí các nền kinh tế lớn cũng không thể tránh khỏi các cú sốc nội địa, do sự vận động hành lang và tình trạng yếu kém của chính các nhà sản xuất trong nước.

Sức bền cho chuỗi cung ứng không phải đến từ năng lực tự cung tự cấp mà từ đa dạng hoá nguồn cung và tăng năng lực thích ứng của khu vực tư nhân trước các cú sốc không ngừng xảy đến. Qua thời gian, các doanh nghiệp trên toàn cầu sẽ phải học cách thích ứng với những mối đe dọa dài hạn như căng thẳng Mỹ – Trung và tác động từ biến đổi khí hậu.

Tổng hợp
Nguồn Nhịp cầu Đầu tư