Ông Nguyễn Đức Tài: Nếu kết hợp được 2 động lực này của nhân viên, startup sẽ lớn mạnh

Ông Nguyễn Đức Tài: Nếu kết hợp được 2 động lực này của nhân viên, startup sẽ lớn mạnh

Nếu doanh nghiệp kết hợp được cả tiền và niềm vui thì sẽ có đội ngũ mạnh mẽ.

Cốt lõi của một đội ngũ mạnh

Để có được Thế Giới Di Động thành công như hiện nay, ông Nguyễn Đức Tài rất nhiều lần nhấn mạnh vai trò của đội ngũ, bởi theo ông chỉ cần một đội ngũ đâu ra đó, tất cả sẽ làm được. Đội ngũ này sẽ là tạo ra vốn, tạo ra tất cả chứ không phải vốn là thứ tạo nên đội ngũ. “5 người này không ai trùng lắp lên ai, bù cho nhau nhiều hơn là trùng lắp”, ông từng chia sẻ về những thành viên sáng lập.

“Cốt lõi của sức mạnh là đội ngũ có động lực mạnh mẽ? Khi nào con người ta có động lực mạnh mẽ?” là câu hỏi thường xuyên được các starup cũng như người làm kinh doanh đặt ra với ông Tài.

Trong một hội thảo dành cho người trẻ, ông Tài cho biết:

“Con người khi thực hiện một hành động, các bạn sẽ thấy đằng sau đó có 2 động lực: Vì Tiền và vì Niềm vui. Có những thứ các bạn không làm vì tiền mà vì niềm vui. Tôi đang đứng đây với các bạn không phải vì tiền mà vì niềm vui, vì nghĩ rằng có lẽ thời gian, chia sẻ của mình sẽ có đóng góp cho ai đó. Đó là lý do tôi tham gia vào một số buổi chia sẻ. Ngược lại cũng có những lời mời từ các trường huấn luyện, dạy quản trị nhưng tôi nói không tham gia vì không thấy được niềm vui.

Bạn đang làm tổ chức kinh doanh giáo dục để kiếm tiền. Còn bạn nói tôi với tư cách trainer thì bạn phải lượng hoá tiền bạn trả cho tôi là bao nhiêu. Bạn lượng hoá ra chắc trả không nổi vì 1 ngày của tôi làm ra khoảng 1 tỷ đồng. Bạn trả nổi không? Bạn sẽ đặt trên bàn 500 triệu nếu tính đúng tính đủ hay không? Vậy đơn giản, làm miễn phí cho những cái bạn trẻ phát triển thì tôi làm.

Đây là 2 động lực mạnh mẽ của con người. Các bạn kiểm tra xem làm đúng như vậy không. Các bạn làm cái gì đó vì tiền hoặc vì niềm vui.

Nếu doanh nghiệp của các bạn kết hợp được cả 2 cái này, đội ngũ của các bạn đến đây làm họ thấy có tiền và niềm vui thì các bạn sẽ có đội ngũ mạnh mẽ”.

“Trong khó khăn, niềm vui có thể giúp cho đội ngũ đồng cam cộng khổ nhưng nó không thể kéo dài.”

Ông Tài lấy ví dụ có một bạn trẻ đưa ra câu hỏi rằng mình khởi nghiệp một công ty tin học và tuyển các bạn sinh viên mới ra trường làm việc. Sau 2-3 năm cứng cáp thì các nhân viên bỏ bạn này sang doanh nghiệp khác. Lời khuyên của ông Tài là hãy thử suy nghĩ xem mình có kết hợp được 2 thứ này không.

“Người ta bỏ em ra đi chỗ khác vì 1 trong 2 thứ này: Một là vì tiền, hai là vì niềm vui. Nếu em đang đưa ra cho họ thu nhập ngon lành thì chắc họ bỏ em đi vì niềm vui. Hoặc em đối xử với họ tốt, em đào tạo họ như là một thành viên trong gia đình thì vấn đề là tiền. Niềm vui có thể giúp cho con người ta ở lại ngắn hạn. Trong khó khăn, niềm vui có thể giúp cho đội ngũ các bạn đồng cam cộng khổ nhưng nó không thể kéo dài”, Chủ tịch Thế Giới Di Động kết luận.

Nguyên tắc cơ bản của quản trị

Hai yếu tố “tiền” và “niềm vui” được ông Tài chia sẻ kể trên chính là rút gọn từ nguyên tắc quản trị cơ bản. Theo tác giả nổi tiếng Brian Tracy, trong bất kỳ doanh nghiệp nào, ba yếu tố về động lực (3 chữ R) có tác động rất lớn đến sự nhiệt tình và cam kết của nhân viên. Ba R về động lực gồm Phần thưởng (Reward), sự Công nhận (Recognition) và sự Củng cố (Reinforcement).

Một trong những lời phàn nàn lớn nhất trong công việc là khi mọi người nỗ lực để hoàn thành xuất sắc công việc để rồi bị sếp phớt lờ thành tích của họ.

Có hai loại phần thưởng: Hữu hình và vô hình. Phần thưởng hữu hình là tiền bạc, các kỳ nghỉ và các phần thưởng vật chất. Cách tốt nhất để sử dụng tiền như một phần thưởng là trao một số tiền cụ thể như một khoản thưởng liên quan trực tiếp đến hiệu suất làm một công việc hoặc đạt được một mục tiêu nào đó. Phần thưởng vô hình có thể là các danh hiệu và giải thưởng được trao tại lễ kỷ niệm hàng năm cho hiệu suất vượt trội. Khen ngợi và khen thưởng công khai, đặc biệt là trước mặt những người khác, là một phần thưởng vô hình tuyệt vời giúp thúc đẩy tinh thần và động lực đồng thời cải thiện hiệu suất liên tục trong thời gian dài. Đó là một “phần thưởng cảm xúc” không có giá trị về mặt vật chất nhưng có giá trị rất to lớn về mặt tinh thần.

Niềm vui của nhân viên đến từ sự công nhận và sự củng cố. Một trong những động lực lớn nhất trong công việc là được công nhận vì đã nỗ lực hết sức và làm tốt công việc được giao. Mặt khác, một trong những lời phàn nàn lớn nhất trong công việc là khi mọi người nỗ lực để hoàn thành xuất sắc công việc để rồi bị sếp phớt lờ thành tích của họ.

Thảo Nguyên
Nguồn CafeBiz