Bách hoá Xanh và Vinmart+ trên đường đua 60 tỷ USD

Bách hoá Xanh và Vinmart+ trên đường đua 60 tỷ USD

VinMart+ và chuỗi Bách hoá Xanh đang là 2 chuỗi có tham vọng lớn nhất trong thị trường bán lẻ.

Ngành hàng tiêu dùng với thị trường 60 tỷ USD, dưới 30% thị phần đang được phục vụ bởi mô hình siêu thị lớn, còn lại, trên 70% thị phần ở các chợ truyền thống, cửa hàng tạp hoá nhỏ lẻ. Trong cuộc cạnh tranh tại thị trường này, VinMart, VinMart+ và chuỗi Bách hoá Xanh đang là 2 chuỗi có tham vọng lớn nhất. Cả hai đều định hướng phát triển những siêu thị mini cung cấp thực phẩm tươi sống và nhu yếu phẩm lớn nhất tại Việt Nam.

Đích ngắm 70% thị phần

Đến cuối năm 2020, Bách hoá Xanh có tổng cộng 1.687 điểm bán, 70% số cửa hàng hoạt động ở khu vực tỉnh, 25% số cửa hàng có diện tích từ 300m2 trở lên, đạt doanh thu bình quân hơn 1,4 tỷ đồng/cửa hàng. Chuỗi Bách hoá Xanh đặt mục tiêu có 10.000 cửa hàng vào năm 2025. Trong khi đó, chuỗi VinMart, VinMart+ (siêu thị mini) có khoảng 3.000 cửa hàng và đang đặt mục tiêu đến năm 2025 đạt 30.000 cửa hàng (trong đó 10.000 cửa hàng tự phát triển và 20.000 cửa hàng nhượng quyền).

Trong cuộc gặp gỡ nhà đầu tư mới đây, ông Danny Le, Tổng Giám đốc Tập đoàn Masan, cho biết năm 2020 VinCommerce (VCM), công ty sở hữu chuỗi siêu thị VinMart, VinMart+, ghi nhận 31.000 tỷ đồng doanh thu. Năm 2021 Masan dự kiến doanh thu của VinCommerce sẽ tăng 15-20%, kỳ vọng nhiều yếu tố sẽ giúp Công ty cải thiện khả năng sinh lời trong năm 2021. Đáng chú ý, Masan sẽ tập trung tối ưu hoá cách sắp xếp cửa hàng theo hướng giúp người tiêu dùng dễ dàng tìm thấy sản phẩm mong muốn, thay vì gia tăng kích thước cửa hàng. VinMart+ được giữ ở quy mô 100-120m2/cửa hàng và VinMart (siêu thị) là 1.000-2.000m2/cửa hàng.

“Hướng đi này của VinCommerce khác với đối thủ cạnh tranh là chuỗi Bách hoá Xanh, vốn tích cực nâng cấp các cửa hàng hoạt động tốt lên quy mô lớn hơn để mở rộng sự lựa chọn sản phẩm cho khách hàng”, chuyên gia của Công ty Chứng khoán VCSC nhìn nhận.

Thực tế, Bách hoá Xanh đang thử nghiệm theo hướng tăng diện tích cửa hàng từ 200-300m2 lên 450-550m2, nâng số lượng SKU từ 4.000-4.500 lên 5.500-6.000. Cho đến nay, chuỗi Bách hoá Xanh đạt mức tăng trưởng 3 con số, trong khi thị trường kênh cửa hàng hiện đại chỉ tăng trưởng 15% và thị trường kênh truyền thống đang sụt giảm.

Chuỗi bán lẻ này tiếp tục duy trì tốc độ mở mới khoảng 30 cửa hàng/tháng và đẩy nhanh tốc độ nâng cấp cửa hàng với mức đầu tư 5 tỷ đồng (>500m2) để tăng doanh thu, giảm sự pha loãng doanh số bình quân trên cửa hàng do hiệu ứng mở cửa hàng mới ở các thị trường tỉnh. Theo đánh giá, khi nâng diện tích cửa hàng, chi phí mặt bằng có thể tăng gấp 3 lần, nhưng chi phí nhân sự chỉ tăng gấp đôi. Trong khi đó, sản lượng tiêu thụ có thể tăng lên gấp 5, 7 lần trước đây. Ông Trần Kinh Doanh, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư Thế Giới Di Động (MWG), cho biết mô hình cửa hàng “5 tỷ” không có hiệu ứng chia sẻ hay tước đoạt doanh thu của các cửa hàng cận kề.

Lớn hơn hay nhiều hơn sẽ thắng?

Thế Giới Di Động cũng đánh giá khi mở rộng việc nâng cấp cửa hàng với mật độ dày đặc hơn tại nhiều tỉnh, thành hơn thì doanh thu trung bình mỗi cửa hàng sẽ có xu hướng pha loãng. Do đó, các cửa hàng diện tích lớn mới nâng cấp, đặc biệt là tại thị trường tỉnh sẽ cần thời gian để tăng dần doanh số. “Trong thời gian tới, hiệu suất và độ bao phủ của hệ thống trung tâm phân phối sẽ tiến tới ngưỡng tối ưu, góp phần giảm tỷ lệ chi phí chung/doanh thu. Qua đó, chúng tôi dự báo mức lỗ của chuỗi Bách hoá Xanh sẽ dần được hạn chế và kỳ vọng có lãi từ quý IV/2021”, VDSC nhận định.

Theo báo cáo của Công ty Chứng khoán MBS, nếu chia chiếc bánh bán lẻ ra nhiều phần, bán lẻ bách hoá chiếm tỷ trọng lớn nhất với tổng giá trị thị trường khoảng 60 tỷ USD trong tổng 159 tỷ USD. Với tham vọng trở thành nhà bán lẻ dẫn đầu Việt Nam, các chuỗi siêu thị như Bách hoá Xanh hay VinMart và VinMart+ đều đẩy nhanh đầu tư trong bối cảnh thị trường bán lẻ có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất khu vực Đông Nam Á.

Tuy nhiên, cả Bách hoá Xanh và VinMart, VinMart+ đều thấy được bài học của nhiều doanh nghiệp bán lẻ theo chuỗi phải thu hẹp hoặc đóng cửa khi liên tục mở mới nhưng không duy trì được doanh thu hiệu quả cho các cửa hàng hiện hữu. Vì vậy, dù đi theo hướng khác nhau và mở rộng nhanh nhưng cả hai đều cố gắng tối ưu hoá doanh thu và hiệu quả. Song song với việc gia tăng thị phần bằng việc mở thêm điểm bán, doanh nghiệp phải cố gắng kiểm soát các tiêu chí khác như lãi gộp, doanh thu trung bình mỗi cửa hàng... theo hướng tốt lên.

Với tham vọng trở thành nhà bán lẻ dẫn đầu Việt Nam, các chuỗi siêu thị như Bách hoá Xanh hay VinMart và VinMart+ đều đẩy nhanh đầu tư trong bối cảnh thị trường bán lẻ có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất khu vực Đông Nam Á.

Quy mô cửa hàng sẽ là hai hướng phát triển khác biệt của Bách hoá Xanh và Vinmart+ mặc dù cả hai đều cố gắng cung cấp thực phẩm tươi ngon, giá ngang bằng hoặc thậm chí rẻ hơn chợ truyền thống, ở khắp mọi nơi mà người tiêu dùng dễ ghé đến. Đứng trên khía cạnh sản xuất sản phẩm, chuỗi VinMart, VinMart+ có lợi thế khi được hậu thuẫn từ nhà sản xuất Masan với nhiều sản phẩm tươi sống bên cạnh lĩnh vực thực phẩm, đồ uống... Kết thúc năm 2020, Masan ghi nhận doanh thu 77.218 tỷ đồng, tăng gấp đôi so với mức 37.354 tỷ đồng trong năm 2019. Trong đó, mảng bán lẻ gồm chuỗi VinMart/ VinMart+ đóng góp 30.978 tỷ đồng, tương đương 40% tổng doanh số Tập đoàn.

“Mục tiêu của chúng tôi là đẩy nhanh quá trình chuyển đổi bán lẻ hiện đại trên toàn quốc chứ không chỉ giới hạn ở một địa phương. Thay vì chỉ ở mức 8% hiện nay, kênh mua sắm hiện đại dự kiến chiếm 30% toàn ngành bán lẻ vào năm 2025 và Masan có thể gia tăng quy mô này lên đến 50%”, ông Nguyễn Đăng Quang, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Masan, cho biết.

Minh Nguyễn
Nguồn Nhịp cầu Đầu tư