Đông Nam Á đua trung tâm dữ liệu

Đông Nam Á đua trung tâm dữ liệu

Cuộc đua trung tâm dữ liệu nhằm thúc đẩy nền kinh tế số đang nóng lên ở Đông Nam Á.

Cuộc khủng hoảng COVID-19 đã kích hoạt sự tăng tốc chưa từng có trong việc số hoá và cho thấy vai trò cực kỳ quan trọng của các trung tâm dữ liệu trước sự gián đoạn toàn cầu cũng như chiến lược triển khai kinh tế số của các quốc gia.

Theo một báo cáo của Cushman & Wakefield, quy mô thị trường trung tâm dữ liệu Châu Á – Thái Bình Dương được dự báo trị giá 28 tỷ USD vào năm 2024, vượt qua các khu vực như Bắc Mỹ để trở thành thị trường lớn nhất thế giới. Trong đó, Đông Nam Á là động lực chủ chốt, ước chiếm tới 13% quy mô thị trường của khu vực Châu Á – Thái Bình Dương về giá trị.

Các nền kinh tế Đông Nam Á đang chứng kiến sự phát triển vượt trội của các ngành truyền thông xã hội, công nghệ thông tin (IT) và streaming nội dung video, thương mại điện tử và ngân hàng..., vốn rất cần các mạng dữ liệu và hạ tầng IT đủ mạnh để hỗ trợ cho đà tăng trưởng. Trọng tâm của đà tăng trưởng này chính là các trung tâm dữ liệu và Đông Nam Á là thị trường vô cùng quan trọng đối với các nhà cung cấp trung tâm dữ liệu trong nước và đa quốc gia, tập đoàn công nghệ trong việc nắm bắt cơ hội để đáp ứng nhu cầu gia tăng về công nghệ số.

Trong đó, Singapore là thị trường được săn lùng nhất. Theo báo cáo của Cushman & Wakefield về Chỉ số cạnh tranh trung tâm dữ liệu vào tháng 8/2019, Singapore là điểm đến đáng mơ ước thứ 3 để thiết lập các trung tâm dữ liệu, chỉ xếp sau Iceland và Na Uy, nhảy vọt 4 bậc và qua mặt các thị trường chủ chốt như Thuỵ Điển, Thuỵ Sĩ, Phần Lan và Mỹ so với báo cáo được công bố năm 2017.

Ưu điểm vượt trội của Singapore là năng lực cáp quang dưới biển, một yếu tố tối quan trọng khi thiết lập trung tâm dữ liệu. “Singapore đã vươn vai trở thành đại bản doanh trung tâm dữ liệu ở Đông Nam Á”, Joycelyn Longue thuộc ENGIE Đông Nam Á, nhận định. Tính đến tháng 5/2020, Singapore sở hữu mạng lưới 24 cáp quang dưới biển kết nối với vô số điểm đến quan trọng trên thế giới, đưa nước này trở thành đại bản doanh kết nối khu vực với phần còn lại của thế giới. Theo Cloudscene, tính đến tháng 5/2020, Singapore là điểm đến của 50 nhà cung cấp dịch vụ trung tâm dữ liệu tại 93 địa điểm đặt trung tâm dữ liệu, chưa kể vô số người chơi khác đang triển khai các dự án trung tâm dữ liệu.

Tuy nhiên, mức tiêu thụ năng lượng gia tăng của các trung tâm dữ liệu cùng lượng khí thải carbon khổng lồ đã thu hút nhiều sự chú ý. Theo Singtel, gần 7% tổng điện năng được sử dụng tại Singapore là từ trung tâm dữ liệu, cao hơn đáng kể mức trung bình 1-2% của các nước khác. Ước tính vào năm 2030, trung tâm dữ liệu sẽ tiêu thụ tới 12% tổng nhu cầu năng lượng của Singapore, đồng nghĩa lượng khí thải carbon cũng tăng cao.

Singapore đã vươn vai trở thành đại bản doanh trung tâm dữ liệu ở Đông Nam Á

Ngoài ra, diện tích hạn hẹp khiến cho Singapore gặp thách thức trong việc cung cấp nguồn năng lượng tái tạo ổn định cho các trung tâm dữ liệu. Đây là một bất lợi cho Singapore trong bối cảnh các nước khác trong khu vực, với lợi thế công nghệ và quỹ đất dồi dào phù hợp phát triển năng lượng tái tạo, đang trở thành điểm đến của các nhà đầu tư trung tâm dữ liệu.

Khí hậu nhiệt đới và độ ẩm cao của Singapore nói riêng và Đông Nam Á nói chung cũng ảnh hưởng đến hiệu quả năng lượng của các trung tâm dữ liệu, buộc phải phụ thuộc rất lớn vào việc làm mát. Các chuyên gia trong ngành ước tính làm mát một trung tâm dữ liệu ở Đông Nam Á chiếm tới 35-40% tổng mức sử dụng năng lượng, trong khi mức trung bình của thế giới là 30-35%.

Quy định chính sách cũng là một rào cản đối với các nhà khai thác trung tâm dữ liệu. Tại Singapore, trung tâm dữ liệu được yêu cầu phải báo cáo hằng năm về tình hình sử dụng năng lượng và mức thải khí nhà kính, phải đảm bảo tính hiệu quả năng lượng cũng như tuân theo các quy định báo cáo ngặt nghèo. Thậm chí năm 2019 Chính phủ Singapore từng đưa ra lệnh cấm đối với các trung tâm dữ liệu mới, do quan ngại lượng khí thải carbon của ngành này. Mục đích là để Chính phủ có thời gian đánh giá lại thị trường cũng như đưa ra những giải pháp năng lượng hiệu quả hơn. Với nhiều dự án sắp hoàn thành có thể đảm bảo nguồn cung trung tâm dữ liệu trong ngắn hạn, các chuyên gia ước tính từ cuối năm 2021 trở đi, lệnh cấm này sẽ dẫn đến chậm nguồn cung, ảnh hưởng đến sức hút của Singapore như một trung tâm dữ liệu của khu vực.

Trung tâm dữ liệu đã trở thành một phần của xã hội và có tiềm năng trở thành một thế lực vì sự thay đổi tốt hơn của thế giới nhưng tiềm năng đó cần được hiện thực hoá

Indonesia và Malaysia cũng là các “ngôi sao đang lên”, được dự báo sẽ giành phần lớn hơn trong chiếc bánh trung tâm dữ liệu của Đông Nam Á. Cả hai nước này đều ở giai đoạn sơ khai hơn nhiều so với Singapore. Tuy nhiên, Indonesia và Malaysia có ưu điểm là tiếp cận dễ hơn và chi phí thấp hơn. Các thị trường này có quỹ đất dồi dào, có thể tạo ra nguồn cung năng lượng tái tạo riêng để đáp ứng nhu cầu vận hành của các trung tâm dữ liệu.

Đáng chú ý, Indonesia, nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á, sở hữu thế mạnh là thị trường trẻ, rành công nghệ, quy mô đủ lớn để thu hút hàng loạt công ty công nghệ. Năm 2020 nước này đã có gần 190 triệu người sử dụng Internet, cao nhất tại Đông Nam Á. Ngoài năng lực kết nối mạnh, với tỷ lệ thâm nhập Internet lên tới 74%, nước này cũng tạo bệ đỡ cho khối doanh nghiệp vừa và nhỏ, các định chế tài chính..., đẩy cao nhu cầu đối với các nhà cung cấp dịch vụ trung tâm dữ liệu và điện toán đám mây. Các gã khổng lồ công nghệ như Amazon Web Services, Google Cloud Platform và Microsoft cũng đã bắt đầu xây dựng các trung tâm dữ liệu ở Indonesia. Những người chơi Trung Quốc như Alibaba và Tencent đang háo hức thâm nhập thị trường tiêu dùng Indonesia, đặc biệt ở vùng xa, vì thế đang nhắm đến trung tâm dữ liệu ở các thành phố hạng 2.

Malaysia cũng được đánh giá sẽ là một thị trường cạnh tranh trong dài hạn. Với hàng loạt cải cách, đặc biệt trong lĩnh vực viễn thông, Malaysia đã xây dựng được cơ sở hạ tầng mạnh có thể hỗ trợ các trung tâm dữ liệu phát triển. Từ tháng 9/2019, Malaysia đã ra mắt kế hoạch 5 năm mang tên NFCP nhằm nâng cao cơ sở hạ tầng thông tin mạng và băng thông rộng. Nước này cũng quan tâm đến việc đảm bảo nguồn cung năng lượng ổn định. Tính đến năm 2020, Malaysia có hơn 6.000 MW công suất thủy điện được lắp đặt, chiếm gần 11% nguồn cung điện cả nước. Chính phủ cũng nhắm đến nâng công suất thuỷ điện lên 20.000MW thông qua các sáng kiến như Hành lang Năng lượng tái tạo Sarawak (SCORE).

Các nước Đông Nam Á khác trong đó có Thái Lan cũng đang tăng tốc trong cuộc đua trung tâm dữ liệu. Đánh giá về làn sóng mới này, giới chuyên gia cho rằng các trung tâm dữ liệu cần nhanh chóng ứng dụng những công nghệ hiệu quả năng lượng để đảm bảo tính bền vững; chính phủ cần hỗ trợ các đơn vị vận hành trung tâm dữ liệu qua những sáng kiến và chính sách; cộng đồng trung tâm dữ liệu cần chia sẻ các phương pháp thực hành tốt nhất và nâng cao tiêu chuẩn bền vững. “Trung tâm dữ liệu đã trở thành một phần của xã hội và có tiềm năng trở thành một thế lực vì sự thay đổi tốt hơn của thế giới nhưng tiềm năng đó cần được hiện thực hoá”, Grant Muller, đứng đầu Telstra Energy tại Telstra Corp, nhận định.

Văn Quốc
Nguồn Nhịp cầu Đầu tư