GTNFoods bất ngờ muốn sáp nhập vào Vilico

GTNFoods bất ngờ muốn sáp nhập vào Vilico

GTNFoods bất ngờ đưa kế hoạch sáp nhập vào Vilico và huỷ niêm yết cổ phiếu trên sàn chứng khoán.

Bài toán sáp nhập

Trong tài liệu họp cổ đông thường niên của GTNFoods mới công bố cho thấy ban lãnh đạo Công ty CP GTNFoods dự kiến trình cổ đông thông qua phương án sáp nhập tổng thể, hợp đồng sáp nhập vào Tổng công ty Chăn nuôi Việt Nam (Vilico). Cùng với đó là kế hoạch sản xuất kinh doanh trong năm 2021 với doanh thu thuần hợp nhất 3.073 tỷ đồng, tăng 9% so với năm liền trước và thu về khoản lợi nhuận sau thuế 244 tỷ, giảm 3%.

Theo báo cáo về kế hoạch sáp nhập, Vilico sẽ phát hành thêm cổ phiếu để hoán đổi toàn bộ 250 triệu cổ phiếu GTN, tương ứng 100% số cổ phần đang lưu hành thuộc sở hữu của các cổ đông GTNFoods. Tuy nhiên, khối lượng cổ phiếu VLC phát hành thêm để hoán đổi 250 triệu cổ phiếu GTN chưa được công bố.

Sau khi hoàn tất hoán đổi cổ phiếu, GTNFoods sẽ được sáp nhập vào Vilico và chấm dứt sự tồn tại. Phía nhận sáp nhập – Vilico sẽ được hưởng các quyền và lợi ích hợp pháp, chịu trách nhiệm về các khoản nợ chưa thanh toán, hợp đồng lao động và nghĩa vụ, tài sản khác của GTNFoods một cách toàn bộ và nguyên trạng. Trong đó, bao gồm nhưng không giới hạn các quyền kinh doanh, quyền sử dụng đất, các khoản phải thu, phải trả...

Hiện Vilico đang có vốn điều lệ 631 tỷ đồng, trong đó GTNfoods là cổ đông lớn nhất nắm giữ 74,49% vốn (tương ứng 47 triệu cổ phiếu VLC). Theo kế hoạch sau sáp nhập, toàn bộ 47 triệu cổ phiếu này sẽ bị huỷ và giảm vốn điều lệ của Vilico tương ứng 470 tỷ đồng.

Theo đánh giá của lãnh đạo doanh nghiệp, thương vụ sáp nhập trên sẽ giúp Vilico thực hiện tăng quy mô vốn mà không phải huy động từ bên ngoài và không làm giảm lưu lượng tiền mặt của doanh nghiệp sau sáp nhập. Đồng thời, doanh nghiệp sau sáp nhập có thể tiết giảm chi phí cố định (so với tổng chi phí từ Vilico và GTNFoods hoạt động riêng lẻ). Tuy nhiên, sau khi hoàn tất việc phát hành cổ phiếu để hoán đổi, số lượng cổ phiếu đang lưu hành của Vilico sẽ tăng lên, làm thay đổi tỷ lệ sở hữu của các cổ đông hiện hữu sau sáp nhập.

Thị trường nhiều tiềm năng

Theo lộ trình được GTNFoods công bố, hợp đồng sáp nhập sẽ được 2 bên ký kết ngay trong tháng 3 và chậm nhất đến tháng 8/2021 sẽ thực hiện sáp nhập. Đồng thời, kế hoạch sáp nhập kể trên sẽ chỉ được thực hiện khi ít nhất 65% cổ phần có quyền biểu quyết tham gia dự họp của GTNFoods và Vilico thông qua. Sau sáp nhập, Vilico định hướng trở thành đơn vị lớn trong lĩnh vực chăn nuôi và chế biến sản phẩm thịt tại Việt Nam.

Bên cạnh đó, sau khi sáp nhập GTNFoods, Vilico sẽ đầu tư cả mảng chăn nuôi bò sữa và sản xuất, kinh doanh các mặt hàng sữa thông qua công ty con là Công ty Cổ phần Giống Bò Sữa Mộc Châu. Ngoài ra, các mảng kinh doanh như chè; rượu vang, nước giải khát; sữa; hàng tiêu dùng, chăn nuôi, nông nghiệp... cũng được đẩy mạnh thông qua các công ty con phụ trách từng mảng.

GTNFoods hiện có vốn điều lệ 2.500 tỷ đồng, trong đó Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk) nắm 75% vốn và là công ty mẹ trực tiếp
Ảnh: sg247.com.vn

GTNFoods hiện có vốn điều lệ 2.500 tỷ đồng, trong đó Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk) nắm 75% vốn và là công ty mẹ trực tiếp. Trong năm 2020, doanh nghiệp này ghi nhận 2.826 tỷ đồng doanh thu thuần, giảm 5% so với năm trước. Tuy nhiên, nhờ tiết giảm chi phí giá vốn, công ty ghi nhận lợi nhuận sau thuế 251 tỷ đồng, tăng gần 3.500% so với mức lợi nhuận 7 tỷ đồng của năm 2019.

Theo nghiên cứu của Vilico, tổng quy mô thị trường thịt trong nước hiện đạt trên 10 tỷ USD, trong đó riêng thịt trâu/ bò là hơn 2 tỷ USD. Xu hướng tăng trưởng thịt trâu/ bò ở mức 6-7%/năm, cao gấp đôi thịt heo, gà...

Trong khi đó, tổng đàn trâu, bò trong nước gần như không tăng qua các năm, chủ yếu là thịt trâu, bò nhập khẩu. Quy mô thị trường thịt trâu/ bò trong nước khoảng 500.000 tấn/năm và phải nhập khẩu khoảng 300.000 tấn/năm. Vilico đang có chủ trương đầu tư trang trại bò thịt quy mô 20.000 con/năm với tổng vốn đầu tư không quá 1.700 tỷ đồng.

Minh Anh
Nguồn Nhịp cầu Đầu tư