Chủ tịch hãng xe Suzuki Motor và cuộc “đại trường chinh” khắp Châu Á thập niên 1980 và 1990

Chủ tịch hãng xe Suzuki Motor và cuộc “đại trường chinh” khắp Châu Á thập niên 1980 và 1990

Ông Osamu Suzuki được xem như nhà lãnh đạo nắm quyền lực lâu nhất trong lịch sử ngành ô tô thế giới. Ông đã giữ vị trí CEO hãng xe Suzuki trong 22 năm và tiếp tục nắm chức chủ tịch thêm 20 năm nữa.

Mới đây, báo chí thế giới đồng loạt đưa tin ông Osamu Suzuki, chủ tịch 91 tuổi của hãng ô tô Suzuki – Nhật Bản, sẽ chính thức từ chức sau hơn 40 năm quản lý doanh nghiệp ô tô này và đưa Suzuki trở thành một trong những doanh nghiệp hàng đầu thế giới. Hiện nay, Suzuki có hoạt động sản xuất tại 23 quốc gia và kinh doanh ô tô tại 192 quốc gia trên thế giới.

Ông Osamu Suzuki được xem như nhà lãnh đạo nắm quyền lực lâu nhất trong lịch sử ngành ô tô thế giới. Ông đã giữ vị trí CEO hãng xe Suzuki trong 22 năm và tiếp tục nắm chức chủ tịch thêm 20 năm nữa.

Ông Osamu Suzuki chính là người đứng sau chiến dịch thâm nhập rất thành công của Suzuki Motor vào thị trường Ấn Độ trong thập niên 1980. Đồng thời vào năm 2019, ông Osamu Suzuki cũng quyết định hợp tác góp vốn quan trọng với hãng xe Toyota Motor.

Quyết định từ chức của ông được đưa ra sau khi hãng xe Suzuki kỷ niệm 100 năm thành lập vào tháng 3/2020. Trong thông cáo mới nhất gửi đến công chúng, hãng xe Suzuki đã xác nhận ông sẽ chính thức rời khỏi chức vụ từ tháng 6/2021.

Ông Osamu Suzuki
Ảnh: AutoCar

Hãng xe Suzuki cũng đang lên kế hoạch mở rộng vào mảng sản xuất xe ô tô điện. Đại diện hãng xe cho biết từ năm 2025, công nghệ điện của hãng sẽ tập trung vào các dòng xe mới và quy mô sản xuất dòng xe này sẽ tăng đáng kể từ năm 2030.

Công ty cũng đặt ra một số mục tiêu tăng trưởng, cụ thể hãng muốn đạt được doanh số bán 3,7 triệu ô tô trên toàn cầu trước năm tài khoá 2025. Doanh số bán xe của hãng trong năm tài khoá gần nhất kết thúc vào tháng 3/2020 đạt 2,85 triệu xe.

Suzuki Motor cũng đặt mục tiêu tăng doanh số bán xe tại riêng thị trường Châu Á từ dưới 1,8 triệu xe lên 2,5 triệu xe, trong đó thị trường Ấn Độ dẫn đầu về doanh số bán xe. Suzuki muốn thâu tóm được 50% thị phần của thị trường ô tô Ấn Độ.

“Cho đến nay, chúng tôi mới tiếp cận được 300 triệu người tiêu dùng tiềm năng tại đất nước Ấn Độ có 1,3 tỷ dân. Chúng tôi sẽ cố gắng để tiếp cận với 1 tỷ người tiêu dùng còn lại. Chúng tôi sẽ nỗ lực tăng thị phần bằng cách tăng cường kích cầu tại các vùng nông thôn Ấn Độ”, chủ tịch của hãng xe Suzuki và là con trai cả của ông Osamu Suzuki – ông Toshihiro Suzuki chia sẻ trong một cuộc họp báo.

Suzuki muốn thâu tóm thị trường ô tô Ấn Độ

Trước đây, ông Osamu Suzuki từng nói ông sẽ không bao giờ về hưu. Khi được hỏi về sức khoẻ của mình, ông từng phủ nhận mọi lo lắng của công chúng: “Năm ngoái, tôi chơi golf 47 lần, tôi có rất nhiều năng lượng. Công việc chính là cuộc sống của tôi. Con người sẽ chết đi khi từ bỏ công việc”.

Ông Osamu Suzuki gia nhập Suzuki Motor vào năm 1958. Ông kết hôn với bà Shoko Suzuki – cháu gái của nhà sáng lập hãng xe Suzuki Motor. Bởi dòng họ Suzuki ở thời điểm đó không có người thừa kế nam nên ông đã đổi họ để có thể chính thức tham gia vào công việc kinh doanh của gia đình. Khi hãng xe Suzuki đang dưới sự lèo lái của bố vợ ông Osamu Suzuki – ông Shunzo Suzuki, ông Osamu đã tham gia vào công việc kiểm soát sản xuất và lập kế hoạch cho doanh nghiệp. Ông Osamu Suzuki chính thức giữ chức chủ tịch của Suzuki từ năm 1978.

Năm 1983, ông Osamu Suzuki đã có một quyết định vô cùng đột phá so với tất cả các hãng xe Nhật ở thời điểm đó. Suzuki Motor là hãng xe Nhật đầu tiên “tiến quân” vào thị trường Ấn Độ. Ông Osamu Suzuki thành lập liên doanh có tên Maruti Udyog và xây dựng nhà máy sản xuất tại Ấn Độ. Liên doanh Maruti Udyog nhanh chóng dẫn đầu thị trường Ấn Độ. Sau này liên doanh đổi tên thành Maruti Suzuki India và giữ vị trí một chi nhánh của Suzuki.

Liên doanh Maruti Udyog tại Ấn Độ

Kinh tế Nhật thời kỳ thập niên 1980 và 1990 trải qua nhiều biến động lịch sử. Thập niên 1980 chứng kiến sự phát triển bùng nổ của kinh tế Nhật, nhưng cùng lúc đó bong bóng chứng khoán, bất động sản và nhiều loại tài sản khác của Nhật phình to.

Sang đến thập niên 1990, nền kinh tế bong bóng của Nhật “xì hơi”, Suzuki đã lập tức thay đổi thành công sang sản xuất dòng xe hạng C cỡ nhỏ để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng. Dòng xe này chịu thuế thấp hơn, giá cả phải chăng hơn. Xe dòng mới bán chạy, vị thế dẫn đầu của Suzuki Motor trong ngành ô tô Nhật càng được củng cố.

Năm 2015, ông Osamu Suzuki đã nhường lại chức vụ chủ tịch kiêm giám đốc điều hành (COO) cho con trai ông là ông Toshihiro. Ông Osamu cũng đưa ông Toshihiro lên làm Tổng Giám đốc Điều hành (CEO) vào năm 2016 còn bản thân ông đảm nhiệm vị trí chủ tịch đại diện. Tuy nhiên từ đó đến nay, ông vẫn là người đưa ra quyết định cao nhất trong hãng xe Suzuki Motor bởi ông cũng đồng thời giữ chức chủ tịch hội đồng quản trị.

Trong quá trình lãnh đạo tại hãng xe Suzuki Motor, ông được biết đến như một nhà lãnh đạo rất cầu toàn, cá nhân ông trực tiếp tham gia vào gần như mọi công việc của doanh nghiệp, đồng thời cũng luôn nghiên cứu các nhà máy của hãng để tìm ra biện pháp cắt giảm chi phí hiệu quả nhất. Trước đây, ông từng yêu cầu một nhà máy sử dụng màu trắng làm vạch nền chứ không dùng màu vàng nhằm tiết kiệm chi phí.

Ông Osamu Suzuki đến thăm một nhà máy Suzuki Motor

Ông giữ được mối quan hệ thân cận, gần gũi với nhân viên chính vì vậy nhân viên Suzuki Motor coi ông như một người cha chứ không phải nhà điều hành cao cấp nhất.

Ông Suzuki xây dựng hãng xe Suzuki Motor còn bằng cách hành xử như một nhà ngoại giao. Ông dành nhiều thời gian cho các chuyến đi đến nhiều nước nhằm củng cố cho các mối quan hệ hợp tác, trong đó có cả các cơ quan chính phủ. Ông đi khắp khu vực Đông Dương và các vùng lân cận để thành lập các nhà máy lắp ráp vệ tinh.

Năm 1967, ông Suzuki mở nhà máy tại Thái Lan. Năm 1974, ông mở nhà máy tại Indonesia. Cũng tại Indonesia, ông đã lập được liên doanh sản xuất phụ tùng. Năm 1975, ông tiếp tục khánh thành nhà máy tại Philippines. Năm 1980, ông khai trương thêm nhà máy ở Australia và Pakistan. Đầu thập niên 1980, ông lập liên minh với hãng xe Mỹ General Motors nhằm thâm nhập vào thị trường Châu Âu và Bắc Mỹ.

Cũng trong cuộc “đại trường chinh” khắp thế giới này, ông đã lập nên liên doanh thành công nhất trong lịch sử của Suzuki Motor, đó chính là liên doanh Maruti Udyog tại Ấn Độ. Đến năm 1994, liên doanh Maruti Udyog tại Ấn Độ sản xuất 200.000 xe mỗi năm, phần nhiều trong số này xuất sang Đông Âu, Nepal, Bangladesh.

Năm 1984, Suzuki bắt đầu vào New Zealand và đến năm 1989 đã hiện diện tại thị trường Canada. Trong suốt thập niên 1990, Suzuki tiếp tục tiến vào thị trường Hàn Quốc, Ấn Độ và Việt Nam. Thời điểm năm 1993, Suzuki có 76% thị phần tại thị trường Ấn Độ, con số này tại Pakistan cũng đạt 66%. Tại Trung Quốc cùng thời điểm đó, Suzuki bán được nhiều xe hơn bất kỳ hãng xe Nhật nào, kể cả Toyota.

Nhật Đăng
Nguồn Nhịp sống doanh nghiệp