Bùng nổ hoạt động vận chuyển liên quan đến thương mại điện tử

Bùng nổ hoạt động vận chuyển liên quan đến thương mại điện tử

Lĩnh vực giao nhận, đặc biệt giao hàng nhanh được đánh giá sẽ “ăn nên làm ra” trong năm nay vì nhu cầu mua hàng online ngày càng tăng mạnh.

Cận kề những ngày giáp tết, đơn hàng nhiều khiến anh Hoàng Tuấn, nhân viên giao hàng của hãng chuyển phát nhanh, không kịp ăn cơm trưa vì lo chuyển cho kịp tết. Lượng đơn hàng tăng gần gấp đôi so với ngày thường, anh Tuấn chia sẻ.

Dịch COVID-19 khiến cho các hoạt động mua bán trực tuyến, thương mại điện tử (TMĐT) phát triển mặc dù thu nhập của người tiêu dùng giảm. Theo số liệu từ Google – Temasek, nền kinh tế Internet Việt Nam đạt tăng trưởng 16% so với cùng kỳ trong năm 2020 lên 14 tỷ USD, đây là mức cao nhất ở Đông Nam Á.

Quy mô thị trường thương mại điện tử Việt Nam năm 2020 ước tính đạt 12 tỷ USD, tăng 15% so với cùng kỳ. Mức tăng trưởng mạnh nhất được ghi nhận ở mảng giao hàng thực phẩm và hàng bách hoá (tăng 33%), trong khi quần áo và mỹ phẩm tăng lần lượt 5% và 12%. Thương mại điện tử phát triển thúc đẩy ngành logistics, đặc biệt là dịch vụ chuyển phát nhanh.

Kết quả kinh doanh ngành chuyển phát nhanh trong năm 2020 vẫn khả quan
Ảnh: HL Vietnam International

Kết quả kinh doanh ngành chuyển phát nhanh trong năm 2020 vẫn khả quan. Hiện chưa có kết quả của cả năm nhưng theo lợi nhuận của Viettel Post sau 9 tháng 2020 đã tăng 15% so với cùng kỳ, kết quả này khá ấn tượng bất chấp thời gian giãn cách xã hội vào tháng 4/2020. Theo chứng khoán SSI, ước tính lợi nhuận của ngành sẽ ở mức tăng trưởng 2 con số trong cùng thời điểm khi dịch COVID-19 thúc đẩy các hoạt động thương mại điện tử cao hơn.

Mặc dù vậy, các công ty trong ngành cũng đang phải chịu sức ép cạnh tranh quyết liệt khi hàng loạt cái tên mới gia nhập thị trường. Trong giai đoạn 2019 – 2020, thị trường chuyển phát nhanh tiếp tục có sự cạnh tranh lớn khi chứng kiến sự gia nhập của hai công ty nước ngoài là J&T Express (từ cuối năm 2018) và Best Express (từ cuối năm 2019).

Những công ty này đã khuấy động thị trường bằng thị phần và giá cả, đưa mô hình kinh doanh nhượng quyền trong kinh doanh chuyển phát nhanh đến Việt Nam, với lợi thế tốc độ mở rộng nhanh cùng chi phí thấp so với mô hình thông thường như của VN Post, Viettel Post, GHTK, GHN... Những công ty mới này nhanh chóng giành được thị phần, buộc một số công ty lớn như VN Post và Viettel Post phải giảm giá dịch vụ.

Nhóm phân tích SSI nhận định, trong năm 2021 hoạt động vận chuyển liên quan đến thương mại điện tử dự kiến sẽ tiếp tục tăng trưởng, cùng với tổng giá trị hàng hoá từ 15-20% so với cùng kỳ do dân số trẻ của Việt Nam và điện thoại thông minh ngày càng phổ biến.

Theo Google, quy mô thị trường thương mại điện tử C2C tại Việt Nam sẽ tăng từ 7 tỷ USD trong năm 2020 lên 29 tỷ USD trong năm 2025, tương ứng với tốc độ tăng trưởng kép là 34% so với cùng kỳ. Tăng trưởng tổng giá trị hàng hoá ở cả thị trường C2C và B2C có thể dao động từ 15-20% so với cùng kỳ trong 5 năm tới.

Ăn theo xu hướng thị trường, cổ phiếu lĩnh vực chuyển phát nhanh được dự báo cũng tăng mạnh trong năm nay. Công ty Cổ phần chứng khoán SSI công bố báo cáo về triển vọng ngành chuyển phát nhanh năm 2021 có nhận định: ngành chuyển phát nhanh sẽ “tăng trưởng đúng xu hướng”. Báo cáo dự tính các cổ phiếu trong ngành chuyển phát nhanh tại Việt Nam đã tăng 32% so với đầu năm và tăng 78% từ mức đáy trong tháng 3/2020.

SSI nhận định, dịch COVID-19 đã thúc đẩy nhiều người làm việc tại nhà và các hoạt động trực tuyến, giúp thị trường thương mại điện tử phát triển. Đông lực ấy giúp thị trường vận chuyển và chuyển phát nhanh thương mại điện tử tăng trưởng mạnh.

Minh Anh
Nguồn Nhịp cầu Đầu tư