FPT Telecom báo lãi sau thuế tăng 19% năm 2020

FPT Telecom báo lãi sau thuế tăng 19% năm 2020

Riêng quý IV/2020, FPT Telecom lãi sau thuế 494,3 tỷ đồng, tăng 18,6% so với cùng kỳ và là mức lợi nhuận cao nhất doanh nghiệp này từng ghi nhận trong 1 quý.

CTCP Viễn thông FPT (FPT Telecom – mã FOX) đã công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý IV/2020 với doanh thu thuần đạt 3.155 tỷ đồng, tăng 10,8% so với cùng kỳ. Giá vốn tăng chậm hơn với 5,3% giúp biên lãi gộp được cải thiện từ mức 4,9% lên mức 5,2% tương ứng lợi nhuận gộp thu về đạt hơn 1.633 tỷ đồng, tăng 16,6% so với quý IV/2019.

Trong kỳ, doanh thu tài chính tăng 6,4% so với cùng kỳ lên 103,2 tỷ đồng, chi phí tài chính lại giảm 8,8% xuống mức 61,2 tỷ đồng. Chi phí bán hàng tăng mạnh tới 44,6% lên hơn 517,5 tỷ đồng trong khi chi phí quản lý doanh nghiệp lại giảm nhẹ 2% xuống mức 550,3 tỷ đồng.

Kết quả, FPT Telecom lãi sau thuế 494,3 tỷ đồng, tăng 18,6% so với quý IV/2019 trong đó lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ đạt 460,9 tỷ đồng. Đây là mức lãi cao nhất trong một quý FPT Telecom từng ghi nhận kể từ khi lên sàn đầu năm 2017.

Tính chung cả năm 2020, FPT Telecom ghi nhận 11.466 tỷ đồng doanh thu thuần và 2.074 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tương ứng tăng 10,3% và 14,7% so với cùng kỳ. Với kết quả đạt được, FPT Telecom đã thực hiện được 97% kế hoạch doanh thu đồng thời vượt 2,5% mục tiêu lợi nhuận đề ra cả năm.

Lãi ròng sau thuế cũng tăng 13,7% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt gần 1.664 tỷ đồng trong đó lợi nhuận sau thuế thuộc về cổ đông công ty mẹ đạt 1.575 tỷ đồng, mức lợi nhuận kỷ lục trong một năm của FPT Telecom.

Tính đến hết năm 2020, tổng tài sản FPT Telecom đã tăng gần 21% so với đầu năm lên mức 16.081 tỷ đồng chủ yếu do tiền gửi có kỳ hạn hơn 2.400 tỷ đồng lên mức 6.606 tỷ đồng. Nhờ đó, doanh nghiệp này cũng thu về một khoản lãi tiền gửi không nhỏ đóng góp vào kết quả tăng trưởng lợi nhuận năm vừa qua.

Cùng với đó, nợ vay tài chính của FPT Telecom cũng tăng mạnh so với đầu năm lên 5.769 tỷ đồng trong đó chủ yếu là nợ ngắn hạn với 5.526 tỷ đồng, tăng gần 1.450 tỷ đồng so với đầu năm. Đáng chú ý, điều này đã đẩy tổng nợ phải trả ngắn hạn lên 10.717 tỷ đồng, vượt gần 1.400 tỷ đồng so với tài sản ngắn hạn, khiến FPT Telecom rơi vào tình trạng mất cân đối tài chính.

(Đổi tiêu đề bởi Brands Vietnam)

Thanh Hà
Nguồn BizLive