Số hoá cho “vua”

Số hoá cho “vua”

Chuyển đổi số đang diễn ra ở mọi quy mô và mọi ngân hàng tạo thành một cuộc chạy đua đầy sôi động.

Diện mạo các ngân hàng năm 2020 đang dần thành hình bằng những quyết định đầu tư công nghệ trong giai đoạn 2015 – 2018. Áp lực thay đổi của công nghệ và thị trường cũng đang “phả hơi nóng” lên ngân hàng trong câu chuyện tăng trưởng của thập niên tiếp theo, đặc biệt là trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 xuất hiện, thúc đẩy mọi hình thức giao dịch đều lên online.

Cuộc đua mọi quy mô

Sau một thời gian ngắn thử nghiệm ở một số ngân hàng thương mại, khung pháp lý cho việc mở tài khoản dựa trên hình thức định danh điện tử (eKYC) đã chính thức được quy định trong Thông tư 16 vừa ban hành của Ngân hàng Nhà nước, tạo bước ngoặt quan trọng trong quá trình chuyển đổi số của ngân hàng. Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước đã từng ví von eKYC như “tấm vé gửi xe” mà các ngân hàng phải có khi chuyển đổi số.

Trong số các ngân hàng đăng ký thử nghiệm eKYC đợt đầu tiên cũng không thiếu các ngân hàng có quy mô nhỏ nhưng tham vọng lớn. Bởi vì, ở thời điểm này, nếu không đầu tư công nghệ, gần như tổ chức đó sẽ sớm bước hụt chân. Theo Vụ Thanh toán Ngân hàng Nhà nước, trong hệ thống hiện có đến 95% tổ chức tín dụng đã có, đang xây dựng hoặc dự tính xây dựng chiến lược chuyển đổi số; có khoảng 70% tổ chức tín dụng cho biết đã sẵn sàng triển khai số hoá với các công nghệ Open, API, Data analytics, ISO 20022, Mobile...

Trên thực tế, quan điểm đầu tư công nghệ đến đâu còn phụ thuộc vào chiến lược cụ thể của từng ngân hàng trong từng thời kỳ. Hiệu quả của số hoá thúc đẩy các ngân hàng chuyển đổi số mạnh mẽ và mỗi ngân hàng có một chiến lược riêng. Có ngân hàng đầu tư mỗi năm từ vài trăm tỷ đến hàng ngàn tỷ đồng để xây dựng ngân hàng số riêng. Nhưng cũng có những ngân hàng đầu tư vừa phải cho số hoá, song song đó vẫn đẩy mạnh ngân hàng truyền thống do có các quan điểm khác biệt trong mục tiêu khách hàng.

Nguyễn Thùy Dương, Chủ tịch EY Consulting Việt Nam, nhận định, hiện nay có thể chia thành 5 mô hình ngân hàng gồm ngân hàng truyền thống chuyển đổi số; ngân hàng Neobank (các ngân hàng khi ra đời đã là ngân hàng ảo hoàn toàn); mô hình fintech (các công ty cung cấp dịch vụ tài chính ngân hàng thông qua công nghệ số); mô hình techfin (thường chỉ các công ty công nghệ mang đến các sản phẩm tài chính nhằm mở rộng dịch vụ như Google, Amazon, Facebook, Apple); mô hình kết hợp giữa ngân hàng truyền thống và ngân hàng số. Đến năm 2025, dự kiến khoảng 1/3 doanh thu ngân hàng truyền thống sẽ được quản lý bởi những mô hình mới như thanh toán bằng ví, quản lý tài sản... Tuy nhiên, theo bà Dương, Việt Nam mới chỉ ở giai đoạn đầu, ví dụ như các hoạt động tối ưu hoá, số hoá dịch vụ Internet banking, Mobile banking...

VietinBank cũng được xem là ngân hàng khá năng động khi đi đầu trong việc ứng dụng công nghệ mới để giảm chi phí. Ông Trần Công Quỳnh Lân, Phó Tổng Giám đốc VietinBank, cho biết, có một số quầy giao dịch có khả năng nhận diện gương mặt để biết thông tin và nhu cầu khách hàng, chuyển trực tiếp đến giao dịch viên chuẩn bị phục vụ. “Nhờ vậy, chúng tôi tiết kiệm được 30% thời gian xử lý giao dịch”, ông Lân cho biết. Kế hoạch sắp tới của VietinBank là đẩy mạnh các hoạt động nội bộ và giao tiếp với khách hàng thông qua chatbot. Một trường hợp khác là TPBank cũng đã đầu tư mạnh tay vào hệ thống LiveBank từ cách đây 3 năm. Nay nhờ eKYC và những tiến bộ về công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) mà có thể giúp đẩy nhanh hơn “trí thông minh” của các trụ ATM cũ kỹ này. “Những việc trước đây chúng ta khó tưởng tượng được thì đang dần trở thành hiện thực”, ông Nguyễn Hưng, Tổng Giám đốc TPBank, bình luận.

Hiệu quả của số hoá thúc đẩy các ngân hàng chuyển đổi số mạnh mẽ
Ảnh: TL

Ông Hưng cho biết AI tự động phân tích dữ liệu hành vi khách hàng, nhờ đó TPBank có thể chăm sóc khách hàng tốt hơn. Ngân hàng này đã tự phát triển được 70 robot ứng dụng trong quy trình hoạt động. Dự kiến số lượng robot do TPBank tự phát triển trong năm 2021 là 140. “Trên 80% ứng dụng công nghệ mới của TPBank có sử dụng AI”, ông Hưng nói.

Một xu hướng đáng chú ý là nỗ lực xây dựng hệ sinh thái của các ngân hàng có quy mô nhỏ đến trung bình. MSB, chẳng hạn, mới đây ra mắt thương hiệu TNEX, dù gọi là ngân hàng số nhưng thực chất là “chợ giao dịch” khuyến khích các tiểu thương, hộ kinh doanh và doanh nghiệp lên mua bán, đi kèm theo những ưu đãi và hỗ trợ từ phía ngân hàng.

Trước đó, Ngân hàng OCB cũng định hướng phát triển OCB OMNI thành nền tảng “ngân hàng mở”, tức mở cửa kết nối cho các fintech, các startup tích hợp thêm dịch vụ với mục tiêu cuối là phục vụ nhiều nhu cầu của một khách hàng. Hiện nay, OCB đã đưa vào hoạt động hơn 40 API với các sản phẩm đặc thù như tài khoản, tiết kiệm, chuyển tiền, thanh toán và kết nối thành công các đối tác Én Việt, Mecorp, Moca, MoMo, ZaloPay... trên OCB OMNI.

Hồi tháng 9, Ngân hàng Bản Việt cũng bắt tay với Timo Plus, thương hiệu ngân hàng số đầu tiên tại Việt Nam đang tìm kiếm một đối tác mới sau gần 5 năm bắt tay với VPBank. “Những khách hàng của Timo Plus vẫn đang sở hữu nhiều hơn một tài khoản. Điều này nói lên rằng thị trường vẫn có nhu cầu lớn về dịch vụ ngân hàng mà ngân hàng truyền thống có thể khai thác và chúng tôi cũng có kênh dịch vụ và nhóm khách hàng riêng để nhắm đến”, ông Nguyễn Bảo Hoàng, CEO Timo Plus, từng chia sẻ.

Ngân hàng số hiện vẫn chỉ ở điểm khởi đầu. Tiềm năng của thị trường thanh toán di động được kỳ vọng sẽ ngày càng bùng nổ, sau khi dữ liệu được khai phá. Các hoạt động bán hàng của ngân hàng không chỉ liên quan đến việc mở tài khoản dựa trên eKYC, mà còn có thể mở rộng ra nhiều loại dịch vụ, thậm chí là cho vay và nhiều sản phẩm tài chính khác. Sự tham gia nhiệt tình của nhóm ngân hàng từ lớn đến nhỏ cho thấy sức nóng của thị trường chuyển đổi số ngân hàng đang ngày càng tăng, nhưng đó còn là sự cạnh tranh về nguồn lực, gồm vốn đầu tư, nhân sự, chứ không chỉ đơn thuần là công nghệ.

Số mới, Thách thức cũ

Tại hội nghị về ngân hàng bán lẻ mới đây, ông Nguyễn Toàn Thắng, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, cho biết các ngân hàng đang tiếp tục tập trung phát triển mảng bán lẻ dựa trên nền tảng ứng dụng công nghệ số, cùng với việc đẩy mạnh quá trình chuyển đổi số. Theo Vụ Thanh toán Ngân hàng Nhà nước, có không ít ngân hàng đang kỳ vọng tỷ lệ tăng trưởng khách hàng nhờ chuyển đổi số sẽ đạt trên 50% trong 3-5 năm tới. Mặc dù chuyển đổi số được xác định là quá trình tất yếu, nhưng chuyển đổi như thế nào để đạt hiệu quả nhất lại là bài toán riêng của từng ngân hàng. Các tổ chức lớn thì ngại và chi phí chuyển đổi cao, các tổ chức quy mô nhỏ linh hoạt hơn nhưng lại thiếu nguồn lực.

Theo ông Nguyễn Trọng Đường, Giám đốc Trung tâm VNCERT, chuyển đổi số được xem là quá trình diễn ra liên tục trong nhiều năm, thay đổi tổng thể và toàn diện từ tổ chức cho đến cá nhân. “Ở phần nổi, chúng ta thấy công nghệ giúp mọi việc nhanh hơn, tiện lợi hơn. Nhưng để làm được như vậy là cả một khối lượng công việc khổng lồ bên dưới, từ liên thông dữ liệu, an toàn thông tin, kỹ năng, hiệu quả đầu tư, thiết kế quy trình, chấp nhận cái mới”, ông Đường nói.

Các ngân hàng đang kỳ vọng sẽ tăng trưởng khách hàng nhờ chuyển đổi số
Ảnh: Quý Hoà

Trong bối cảnh đó, nếu như làn sóng chuyển đổi số đầu tiên còn chưa rõ về khái niệm một ngân hàng số, thì có thể thấy nhiều ngân hàng đang đi từng bước cụ thể hơn với mục tiêu đặt ra rõ ràng hơn so với giai đoạn cách đây 3 năm. Tuy nhiên, việc chuyển đổi hiện nay vẫn còn đặt ra những thách thức cũ. Theo Tiến sĩ Cấn Văn Lực, trước yêu cầu số hoá cấp thiết, bài toán mà các ngân hàng cần giải có thể gói gọn trong yếu tố con ngườicông nghệ. Bên cạnh đó, ngân hàng e ngại rủi ro thất bại, dễ dẫn tới sự hợp tác kém hiệu quả hay chậm đổi mới.

Đại diện Ngân hàng Bản Việt cũng nhìn nhận hiện nay tất cả các ngân hàng đều muốn phát triển nhanh ngân hàng số. “Tôi không nói rằng ngân hàng muốn từ bỏ mô hình ngân hàng truyền thống và thay thế bằng ngân hàng số, mà ngân hàng sẽ kết hợp giữa chi nhánh ngân hàng và dịch vụ số – khái niệm chúng tôi gọi là mô hình Phygital trong phát triển kinh doanh. Đây là sân chơi mà các ngân hàng cần thích nghi với lối tư duy mới và mô hình kinh doanh mới, cần vượt qua thói quen ’tuân thủ quá mức’, hay các tập quán mang nặng tính truyền thống mà ít chú trọng tới trải nghiệm của khách hàng”, ông Ngô Quang Trung, CEO Ngân hàng Bản Việt, cho biết.

Về phía công nghệ, nhiều lãnh đạo ngân hàng tin rằng công nghệ không phải là bài toán khó, nhưng thách thức vẫn là cơ chế chung chưa được hình thành, trong đó bao gồm xu hướng phát triển tự phát của eKYC và chưa có kho dữ liệu chung. Điều này liên quan đến vấn đề rủi ro bảo mật và lừa đảo trong các giao dịch tài chính nếu chỉ dùng hình thức định danh điện tử. “Chưa có khung pháp lý dành cho các ý tưởng về sản phẩm số hoá hoàn toàn mới, dẫn đến các ngân hàng dè dặt trong việc ra mắt sản phẩm mới. Do đó, vai trò của các cơ quan quản lý là rất quan trọng”, lãnh đạo EY Consulting Việt Nam nhận định.

Trong khi đó, tại Hội nghị ngân hàng bán lẻ hồi tháng 11, các nhà quản lý ngân hàng cũng xác nhận tình trạng khó khăn hiện nay là bài toán nhân sự nhảy việc. Theo đó, nhân sự về số hoá ở lĩnh vực tài chính ngân hàng được đánh giá là cực hiếm. Các ngân hàng không chỉ cạnh tranh lẫn nhau mà phải cạnh tranh với cả fintech, khi các ví điện tử chấp nhận trả mức lương cao hơn.

Nhân sự về số hóa ở lĩnh vực tài chính ngân hàng được đánh giá là cực hiếm
Ảnh: TL

Số liệu từ Ngân hàng Nhà nước cho biết thanh toán không tiền mặt vẫn tiếp tục tăng nhanh trong 9 tháng đầu năm 2020. Cụ thể, số lượng và giá trị giao dịch tăng trưởng lần lượt 75,2% và 30,4% so với cùng kỳ năm 2019; trong đó số lượng và giá trị giao dịch qua kênh điện thoại di động tăng mạnh, lần lượt gần 125% và 130%.

Ở khía cạnh cơ quan quản lý, Ngân hàng Nhà nước đang tiến từng bước để hình thành thị trường mà hoạt động thanh toán trở nên dễ dàng hơn cho tất cả các bên tham gia. Theo đó, hệ sinh thái thanh toán số trong thời gian qua đã thay đổi thói quen, hành vi tiêu dùng của một bộ phận lớn dân cư trong xã hội, khu vực chính phủ, dịch vụ hành chính công.

Theo ông Phạm Tiến Dũng, Vụ trưởng Vụ Thanh toán Ngân hàng Nhà nước, cơ quan quản lý đang thúc đẩy nhanh hơn việc hoàn thiện khung pháp lý. “Chúng tôi đang nghiên cứu, xem xét có nên đưa ra Luật Thanh toán hay không. Hiện đã có 84 quốc gia có Luật Thanh toán, gần Việt Nam nhất là Lào và Campuchia. Lý do là hiện nay, tham gia lĩnh vực thanh toán có rất nhiều chủ thể (fintech, Big Tech...) chứ không chỉ có tổ chức tín dụng. Ngoài ra, cũng xuất hiện nhiều hình thức thanh toán mới...”, ông Dũng cho biết.

Phương Anh
Nguồn Nhịp cầu Đầu tư