Khoảng trống kinh tế chia sẻ

Khoảng trống kinh tế chia sẻ

Chính sách quản lý đã không theo kịp các mô hình kinh doanh mới đang bùng nổ của nền kinh tế chia sẻ.

Cho đến bây giờ, đại diện Hiệp hội Taxi Hà Nội vẫn nhất quyết giữ quan điểm cho rằng “Grab thực chất là ứng dụng chuyển đổi số trong kinh doanh vận tải, chứ không hẳn là một loại hình kinh tế chia sẻ”. Và đại diện Bộ Tư pháp cũng thừa nhận “vẫn còn nhiều tranh cãi về việc Grab là doanh nghiệp vận tải hay không phải là doanh nghiệp vận tải”.

Trên thế giới, theo New York Times, kinh tế chia sẻ (sharing economy) là một trong những mô hình kinh doanh có tốc độ tăng trưởng phi mã, với hơn 23 tỷ USD đã được đầu tư mạo hiểm vào lĩnh vực này từ năm 2010 đến nay, hình thành nhiều kỳ lân như Uber, Lyft (chia sẻ xe), Airbnb (chia sẻ căn hộ), WeWork (chia sẻ văn phòng làm việc)...

Ảnh: reatimes.vn

Thực tế, mô hình kinh tế chia sẻ dù mới xuất hiện tại Việt Nam nhưng đã có tốc độ phát triển mạnh mẽ. Chẳng hạn, sau 2 năm thí điểm, cả nước đã có 866 đơn vị vận tải (doanh nghiệp, hợp tác xã vận tải) với 36.809 phương tiện và thu hút hàng chục ngàn lao động tham gia theo mô hình gọi xe công nghệ. Trong lĩnh vực lưu trú du lịch, ước tính đến tháng 1/2019, đã huy động được 18.230 cơ sở lưu trú tham gia mô hình Airbnb ở Việt Nam.

Trên thị trường cho vay tiêu dùng trong nước, có khoảng 100 công ty P2P lending (cho vay ngang hàng) đã đi vào hoạt động chính thức và đang trong giai đoạn thử nghiệm ở Việt Nam, phần lớn là các công ty của nhà đầu tư nước ngoài (Tima, Trust Circle, Lendomo, Wecash, Interloan)...

Tuy nhiên, các cuộc tranh luận gay gắt về hoạt động của Grab cho thấy chính sách quản lý đã không theo kịp những mô hình kinh doanh mới đang bùng nổ của nền kinh tế chia sẻ.

Theo Tiến sĩ Trần Thị Quang Hồng, Viện Khoa học pháp lý thuộc Bộ Tư pháp, đến nay vẫn chưa có cơ chế pháp luật tương ứng với mô hình kinh tế chia sẻ, trong khi thể chế kinh doanh truyền thống lại chưa được hoàn thiện. Nguyên nhân là hầu hết văn bản pháp luật hiện hành chưa có quy định cụ thể liên quan đến kinh tế chia sẻ như trong Luật Đầu tư 2014, Luật Doanh nghiệp 2014 và các quy định pháp luật khác như Luật Thuế, Luật Thương mại điện tử...

Sự chậm trễ và xung đột này khiến cả doanh nghiệp cũng như nhà phát triển công nghệ gặp rất nhiều khó khăn và thiệt hại khi muốn triển khai mô hình kinh doanh mới, còn người tiêu dùng không được bảo vệ.

Theo đánh giá của Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM), có nguy cơ các tập đoàn đa quốc gia thâu tóm doanh nghiệp kinh tế chia sẻ trong nước; gây ra rủi ro chính sách và pháp lý đối với các chủ thể tham gia thị trường kinh tế chia sẻ.

Cùng với đó, có những rủi ro phát sinh từ sự biến tướng khó lường, khó dự đoán và khó kiểm soát của mô hình kinh tế này. Chẳng hạn, trong lĩnh vực đặt dịch vụ du lịch trực tuyến, các doanh nghiệp đứng ở vị thế thống lĩnh đều từ nước ngoài như Agoda.com, Booking.com, Trivago.com, Hotels.com, hay Airbnb.com, Tripadvisor, Traveloka. Trong mô hình kết nối vận tải, theo ABI Research, Grab vẫn là hãng gọi xe công nghệ dẫn đầu tại Việt Nam, chiếm 74,6% thị phần.

Trong khi đó, việc kê khai thuế đối với doanh nghiệp kinh tế chia sẻ cũng gặp khó khăn do hệ thống pháp luật của Việt Nam hiện chưa ghi nhận loại hình kinh doanh này. Hoặc rủi ro kép về thuế và quản lý ngoại hối còn xảy ra đối với lĩnh vực cho vay ngang hàng trong trường hợp người tham gia giao dịch là người không cư trú sẽ dẫn tới khó khăn trong quản lý ngoại hối và thu thuế.

“Từ góc độ lĩnh vực fintech, kinh tế chia sẻ nâng cao hiệu quả hệ thống tài chính ngân hàng, gia tăng cạnh tranh, mang lại lợi ích nhiều hơn cho người tiêu dùng, tăng tính lành mạnh nếu kiểm soát tốt. Tuy nhiên, ngược lại, nếu không kiểm soát tốt sẽ là thách thức lớn, như rửa tiền, bảo mật... đe doạ tính an toàn của hệ thống ngân hàng”, ông Phạm Xuân Hoè, nguyên Phó Viện trưởng Viện Chiến lược Ngân hàng (Ngân hàng Nhà nước), nhận định. Sự biến thể của kinh tế chia sẻ có thể mang đến hệ luỵ rất lớn cho đời sống người dân, như câu chuyện vỡ nợ hàng loạt fintech tại Trung Quốc là một ví dụ. Còn tại Việt Nam, cuộc “đình công” quy mô nhỏ của tài xế Grab cũng cho thấy mặt trái của sức hấp dẫn mà startup này mang đến.

Cả rủi ro lẫn lợi ích của kinh tế chia sẻ cho thấy cần thay đổi tư duy, chấp nhận cái mới, thử nghiệm mô hình tiên phong, mạnh dạn dỡ bỏ rào cản pháp lý không phù hợp. Đồng thời, các bộ, ngành cần đánh giá sớm tác động của từng loại hình kinh tế chia sẻ trong lĩnh vực quản lý, qua đó đề xuất cơ chế phù hợp.

Hà Cúc
Nguồn Nhịp cầu Đầu tư