Hiệp định RCEP – Rộng mở thị trường, khốc liệt “đường đua”

Hiệp định RCEP – Rộng mở thị trường, khốc liệt “đường đua”

Hiệp định RCEP sẽ tạo ra nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ tham gia các chuỗi cung ứng mới. Tuy nhiên, các doanh nghiệp vẫn phải đối mặt với nhiều sức ép cạnh tranh.

Mới đây, Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) đã được các Bộ trưởng phụ trách về kinh tế và thương mại của 10 quốc gia ASEAN, trong đó có Việt Nam và 5 đối tác thương mại là Australia, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và New Zealand ký kết trước sự chứng kiến của lãnh đạo các nước.

Hiệp định RCEP được ký kết trong khuôn khổ Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 37 và các hội nghị cấp cao liên quan do Việt Nam – nước Chủ tịch ASEAN 2020 chủ trì.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã vui mừng tuyên bố, sau 8 năm đàm phán đầy khó khăn, những vướng mắc cuối cùng của hiệp định đã được giải quyết. Thủ tướng bày tỏ mong muốn, hiệp định sẽ sớm được các nước thành viên phê chuẩn và chính thức có hiệu lực để góp phần thúc đẩy thương mại, đầu tư, đem lại thịnh vượng chung cho tất cả các nước thành viên.

Với RCEP được ký kết, một khu vực thương mại tự do và kinh tế có thể nói là lớn nhất của thế giới đã được hình thành. Quy mô lên tới gần 27.000 tỷ USD xét về GDP, chiếm 30% tổng GDP toàn cầu, với khu vực thị trường có tới hơn 2,2 tỷ người tiêu dùng.

Ký kết thành công RCEP: Điểm nhấn của Việt Nam trong Năm Chủ tịch ASEAN 2020

Tờ Công Thương nhận định: Ký kết thành công Hiệp định RCEP được xem là điểm nhấn của Việt Nam trong năm Chủ tịch ASEAN 2020.

Tờ báo dẫn lời Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh khẳng định việc ký kết thành công hiệp định đã đánh dấu mốc quan trọng trong tiến trình hội nhập kinh tế của Việt Nam và tất cả các nước tham gia đàm phán.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh được sự uỷ quyền của Thủ tướng Chính phủ đã đặt bút ký Hiệp định RCEP vào sáng ngày 15/11/2020
Ảnh: VGP

Việc kết thúc đàm phán và ký kết Hiệp định này tại Hà Nội chính là một trong những sáng kiến do Việt Nam đề xuất trong năm Chủ tịch ASEAN. Tuy nhiên, thực tế việc này không hề đơn giản. Năm nay, do tình hình dịch bệnh, các cuộc đàm phán từ cấp Chính phủ cho tới cấp chuyên viên, cấp chuyên gia đều phải tiến hành trực tuyến.

Trong khi đó, đây đều là những vấn đề mang tính kỹ thuật, phải đảm bảo cân bằng về lợi ích và tìm ra được điểm hài hoà chung với các nước. ASEAN và Việt Nam với vai trò Chủ tịch ASEAN đã làm rất tốt việc này.

Phạm vi và quy mô của khu vực này đủ lớn để tất cả doanh nghiệp của các nước, kể cả doanh nghiệp lớn và đặc biệt doanh nghiệp nhỏ và vừa có cơ hội tính toán, xây dựng lại chiến lược của mình để tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Việt Nam là một nền kinh tế mà các doanh nghiệp chủ yếu là quy mô vừa và nhỏ.

Doanh nghiệp hồ hởi với RCEP

Các doanh nghiệp Việt Nam cũng đang rất kỳ vọng RCEP sẽ tạo ra một thị trường khổng lồ với nhiều lợi ích về thuế quan, trong khi những thị trường này lại không quá khó tính. Đây là thông tin được Bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập – Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết trên tờ Người lao động.

Việt Nam và các nước ASEAN, với hiệp định này hoàn toàn có cơ hội để trở thành trung tâm thu hút đầu tư nước ngoài.

Còn tờ Đầu tư nhận định, RCEP sẽ giúp Việt Nam tăng tốc thu hút đầu tư. Thậm chí, Việt Nam và các nước ASEAN, với hiệp định này hoàn toàn có cơ hội để trở thành trung tâm thu hút đầu tư nước ngoài.

Tờ báo phân tích hiện tại, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và kể cả Singapore, Thái Lan, Malaysia đều đang tăng tốc đầu tư ra nước ngoài để mở rộng chuỗi sản xuất và cung ứng. Trong khi đó Việt Nam được đánh giá là một điểm đến an toàn và hấp dẫn. Cơ hội tăng tốc thu hút đầu tư từ các nước thành viên RCEP sẽ lớn hơn với Việt Nam, nhất là khi chúng ta đang xây dựng nhiều cơ chế, chính sách vượt trội để đón dòng vốn đầu tư đang dịch chuyển.

Cũng không chỉ trong nội bộ, sự thịnh vượng và quy mô thị trường to lớn của nội khối RCEP cũng sẽ biến khu vực này trở thành tâm điểm của giới đầu tư trên toàn cầu.

Ý nghĩa của RCEP với Việt Nam và các nước ASEAN trong thu hút đầu tư

Thời báo Kinh tế Sài Gòn đã có những phân tích sâu hơn nữa về sự khác biệt của RCEP so với những hiệp định thương mại tự do khác.

Cụ thể, RCEP lần đầu tiên đã thống nhất các khái niệm về xác nhận xuất xứ và hạn ngạch giữa các nước thành viên. Tức là nay chỉ cần một giấy xác nhận xuất xứ là đủ để áp dụng cho toàn khối. Vì thế, RCEP sẽ thúc đẩy những nước phát triển hơn đầu tư vào những nước đang phát triển trong khối, đặc biệt là trong những ngành cần sử dụng nhiều lao động như dệt may, giày dép...

RCEP sẽ thúc đẩy những nước phát triển hơn đầu tư vào những nước đang phát triển trong khối
Ảnh minh hoạ: Báo Đầu tư

Khi chi phí sản xuất được cắt giảm trong toàn khối sẽ làm lợi cho người tiêu dùng và các quốc gia thành viên, đồng thời cũng lan toả đến các phần còn lại của thế giới, gồm Mỹ và Châu Âu thông qua xuất khẩu.

Nếu so sánh với Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đã ký trước đó, RCEP có quy mô thị trường lớn gần gấp 5 lần.

RCEP tuy không được toàn diện như CPTPP, nhưng ngược lại RCEP lại tạo ra một khuôn khổ tự do thương mại mà có thể được củng cố thêm thông qua các vòng đàm phán trong tương lai. Các nước khác trên thế giới trong tương lai cũng có thể gia nhập RCEP.

Cơ hội lớn, thách thức nhiều

Cũng giống như nhiều Hiệp định thương mại tự do khác, bên cạnh những thuận lợi, doanh nghiệp sẽ phải đối mặt với những thách thức rất lớn khi thuế của nhiều mặt hàng giảm về mức 0%.

Bên cạnh những thuận lợi, doanh nghiệp sẽ phải đối mặt với những thách thức rất lớn khi thuế của nhiều mặt hàng giảm về mức 0%.

Hiệp định RCEP được cho là sẽ tạo ra nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ tham gia các chuỗi cung ứng mới. Tuy nhiên, các doanh nghiệp này vẫn sẽ phải đối mặt với sức ép cạnh tranh về chất lượng và giá trị của sản phẩm, đặc biệt là trong lĩnh vực hàng hoá, dịch vụ của Việt Nam.

Tờ Tiền phong phân tích, hiện tại đầu vào sản xuất của Việt Nam vẫn còn phụ thuộc nhất định vào các nguồn nhập khẩu, trong khi khả năng cải thiện vị trí trong chuỗi giá trị khu vực còn hạn chế. Mức độ tham gia cung cấp thương mại dịch vụ toàn cầu của Việt Nam còn khá khiêm tốn.

Tờ Công Thương cũng đề cập tới những thách thức mà các doanh nghiệp vừa và nhỏ ở các địa phương sẽ gặp phải. Đó là khó khăn về nguồn vốn, các doanh nghiệp này lại thiếu tính định hướng trong kế hoạch sản xuất kinh doanh...

Giải pháp cho vấn đề này, các chuyên gia kinh tế cho rằng yếu tố quan trọng là chính quyền và doanh nghiệp cần có sự hợp tác chặt chẽ với nhau. Trong đó chính quyền cần hướng dẫn doanh nghiệp một cách cụ thể về các mức thuế áp dụng với từng ngành hàng theo lộ trình đã cam kết để doanh nghiệp nắm được và vận dụng cho hiệu quả.

Ở chiều ngược lại, các chuyên gia cũng cho rằng, bản thân các doanh nghiệp cũng cần chủ động nắm bắt thông tin, cần nắm bắt nhanh và nghiên cứu kỹ hiệp định, từ đó, sẵn sàng hợp tác và nâng cao sức cạnh tranh với các doanh nghiệp nước ngoài, hạn chế rủi ro phát sinh.

Nguồn CafeF