GrabMart: “Con gà đẻ trứng vàng” mới của Grab?

GrabMart: “Con gà đẻ trứng vàng” mới của Grab?

Dịch vụ giao thực phẩm, rau củ tận nhà GrabMart của Grab đã âm thầm hỗ trợ 13.000 cửa hàng bán lẻ trong khu vực, giao hàng nhanh trong vòng từ 20-30 phút.

Tờ Nikkei nhận định rằng, Grab đang nỗ lực tận dụng sự bùng nổ của dịch vụ giao rau củ và đồ ăn trong đại dịch trên khắp khu vực để kiếm lợi.

Công ty có trụ sở tại Singapore đã mở rộng ra 8 quốc gia gồm cả Indonesia và Thái Lan. Dịch vụ giao rau củ GrabMart của họ đã âm thầm hỗ trợ 13.000 cửa hàng bán lẻ trong khu vực, giao hàng nhanh trong vòng từ 20-30 phút.

Trong bài phỏng vấn với tờ Nikkei, Demi Yu – Giám đốc khu vực GrabFood và GrabMart nói rằng công ty đang theo đuổi chiến lược “bất kể thứ gì bạn có thể ăn” với dịch vụ giao tận nhà của họ. “Bất kể khi nào bạn đói hay bất kể khi nào bạn lên kế hoạch về bữa ăn sắp tới của mình… chúng tôi đều muốn bạn nghĩ tới Grab”.

Dịch vụ giao rau củ thử nghiệm của Grab ở Singapore và Malaysia trong giai đoạn tháng 10-12/2019. Kể từ tháng 3 năm nay, công ty đã nhanh chóng mở rộng ra thêm 6 quốc gia nữa khi đại dịch bùng phát mạnh mẽ.

Vai trò của công ty giới hạn việc vận chuyển: Họ không mua sản phẩm, thay vào đó công ty hợp tác với các nhà bán lẻ như cửa hàng tiện lợi và siêu thị để hình thành nên các kênh phân phối.

Ảnh: Zing

Grab cũng hợp tác với chuỗi cửa hàng FamilyMart ở Thái Lan, Malaysia và Indonesia cùng với Big C ở Việt Nam.

Sau khi khách hàng đặt đơn hàng, tài xế Grab sẽ đến siêu thị lấy đồ và giao hàng trong khoảng 30 phút.

Một vài siêu thị lớn ở Đông Nam Á đã có dịch vụ siêu thị trực tuyến riêng có thể cạnh tranh với GrabMart. Tuy nhiên Yu nghĩ rằng Grab có thể “sống chung” với những công ty này bởi họ cung cấp một loại hình dịch vụ khác: Giao những món hàng cần thiết ngay lập tức chứ không phải hàng tá sản phẩm mua 1, 2 lần trong tuần.

“Chúng tôi nghĩ quan trọng phải tập trung vào thứ gì làm tốt nhất – tức là dịch vụ giao hàng theo nhu cầu cung cấp giao dịch nhanh chóng và thuận tiện”.

Grab cũng bắt đầu hợp tác với những nhà sản xuất lớn, gần đây là Unilerver để bán kem tại 3 quốc gia.

Những đơn hàng được đặt thông qua ứng dụng Grab sau đó lái xe sẽ giao đến cho khách hàng.

Ảnh: Nikkei Asia

Những cửa hàng vật lý tại Đông Nam Á vốn đang bị tụt hậu trong kỷ nguyên kỹ thuật số có thể tăng doanh thu bằng việc sử dụng nền tảng GrabMart. Và với những công ty lớn như Unilerver, Grab mang lại thêm lợi ích cho việc thu thập dữ liệu marketing bằng việc có nhiều thông tin khách hàng hơn.

Chủ tịch Grab Ming Maa nói trong tuyên bố vào tháng trước rằng doanh thu đã quay trở lại bằng hơn 95% so với mức trước dịch trong giai đoạn từ tháng 7-9.

“Thậm chí khi các thành phố như Jakarta tái thực hiện các biện pháp phong toả, doanh nghiệp của chúng tôi vẫn tiếp tục phục hồi ổn định với doanh thu tập đoàn Q3 tăng lên 95% so với mức trước dịch COVID-19. Mảng thực phẩm của chúng tôi hiện tạo ra trên 50% lợi nhuận, phản ánh nhu cầu tiêu dùng tăng với dịch vụ giao đồ ăn trong bối cảnh bình thường mới”.

Giao đồ ăn đã cung cấp sự hỗ trợ cần thiết cho mảng kinh doanh gọi xe vốn đang chịu ảnh hưởng nặng nề vì đại dịch khi mà doanh số ở mức 60-70% trước dịch. Trong tương lai, Grab sẽ phụ thuộc vào mảng giao đồ ăn để trở thành một phần không thể thiếu được của hoạt động kinh doanh của họ.

Công ty lên kế hoạch mở rộng mảng giao đồ ăn và rau củ cho trên 394 thành phố – nơi họ hiện đã cung cấp dịch vụ gọi xe. Gojek – đối thủ chính tại Indonesia trong lĩnh vực gọi xe cũng cung cấp dịch vụ giao rau củ.

Nếu Grab có thể định hình chính mình như một công ty đáng tin cậy trong lĩnh vực giao đồ ăn và rau củ, họ có thể chiếm được thị phần lớn nhất trong mảng kinh doanh giao trực tuyến.

Vân Đàm
Nguồn CafeBiz