Doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu quý III: Doanh thu giảm, lợi nhuận phân hoá

Doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu quý III: Doanh thu giảm, lợi nhuận phân hoá

Petrolimex cho biết trong quý III giá xăng dầu thế giới đã tăng trở lại sau chu kỳ giảm mạnh vào cuối quý I và biến động trong biên độ nhỏ nên không phải dự phòng giảm giá hàng tồn kho.

Báo cáo của Bộ Công Thương cho biết với việc kiểm soát dịch bệnh tốt, lệnh giãn cách xã hội được dỡ bỏ thì từ cuối tháng 5, nhu cầu tiêu thị xăng dầu trong nước bắt đầu hồi phục mạnh, thậm chí có hiện tượng một số cửa hàng xăng dầu thiếu hàng cục bộ. Tuy nhiên, đến cuối tháng 7, làn sóng COVID-19 thứ 2 tác động đến sự hồi phục tăng trưởng kinh tế và nhu cầu sử dụng nhiên liệu, năng lượng.

Trong quý III, cơ quan điều hành đã duy trì giá xăng các loại quanh mốc 15.000 đồng/lít và dầu hoả quanh 10.000 đồng/lít; tăng 28% so với mức thấp nhất năm vào tháng 5 nhưng vẫn thấp hơn khoảng 30% so với cùng kỳ năm trước.

Nguồn: Tổng hợp từ Petrolimex

Trong bối cảnh đó, doanh thu của các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đều giảm đến trên 40% so với cùng kỳ năm trước.

Cụ thể, Petrolimex (HoSE: PLX) – doanh nghiệp dẫn đầu mảng bán lẻ xăng dầu với 51% thị phần (2019) báo cáo doanh thu quý III đạt 27.461,9 tỷ đồng, giảm 43,5% so với cùng kỳ năm trước.

2 doanh nghiệp có thị phần bán lẻ xăng dầu lớn thứ 2 và 3 là PV Oil (20%) và Thalexim (8%) cũng ghi nhận doanh thu giảm lần lượt 44%, ghi nhận 11.579 tỷ đồng và giảm 45%, đạt 1.913 tỷ đồng.

Đơn vị: tỷ đồng

Tuy nhiên, xét về lợi nhuận thì có sự phân hoá rõ nét. Petrolimex vẫn đạt mức lợi nhuận gần tương đương cùng kỳ năm trước với 853 tỷ đồng, giúp xoá lỗ luỹ kế 9 tháng.

Tập đoàn hoạt động trong nhiều lĩnh vực như kinh doanh xăng dầu thành phẩm, kinh doanh sản phẩm hoá dầu, kinh doanh gas, dịch vụ vận tải… Trong đó, kinh doanh xăng dầu là hoạt động cốt lõi đóng góp khoảng 91% doanh thu và 83% lợi nhuận gộp, theo số liệu năm 2019.

Quý III mặc dù doanh thu Petrolimex giảm sâu nhưng lợi nhuận gộp giảm 3% đạt 3.136 tỷ đồng. Biên lãi gộp cải thiện mạnh từ 6,6% lên 11,2%, đây là yếu tố chính giúp lợi nhuận doanh nghiệp chỉ giảm 4% so với cùng kỳ năm trước.

Tập đoàn cho biết trong quý III giá xăng dầu thế giới đã tăng trở lại sau chu kỳ giảm mạnh vào cuối quý I và biến động trong biên độ nhỏ nên không phải dự phòng giảm giá hàng tồn kho.

Ngược lại, PV Oil (UPCoM: OIL) báo lỗ 24 tỷ đồng quý III, luỹ kế 9 tháng lỗ 265 tỷ đồng. Biên lợi nhuận gộp ghi nhận 4,2%, tăng so với mức 2,9% cùng kỳ năm trước; doanh thu tài chính tăng 58% đạt 153,5 tỷ đồng, các chi phí tài chính, chi phí bán hàng được tiết giảm nhưng không đủ để đơn vị thoát lỗ.

Theo giải trình, ảnh hưởng của biến động giá xăng dầu thế giới và tác động mạnh của dịch bệnh COVID-19 trong quý III làm cho tình hình kinh doanh xăng dầu của các đầu mối nói chung và PV Oil nói riêng gặp nhiều khó khăn. Sản lượng kinh doanh xăng dầu nội địa quý III giảm khoảng 9,1% so với cùng kỳ năm trước. Mặt khác, việc giá bán lẻ xăng dầu trong nước 15 ngày đầu tháng 10 thấp hơn giá gốc hàng tồn kho theo sổ sách kế toán tại ngày 30/9 nên doanh nghiệp phải tiến hành trích lập dự phòng giảm giá hàng tồn kho 66,4 tỷ đồng.

Với Thalexim (UPCoM: TLP), doanh thu giảm nhưng giá vốn giảm mạnh hơn đã giúp lợi nhuận gộp tăng 16% đạt 141,7 tỷ đồng. Biên lợi nhuận cải thiện từ 3,5% lên 7,4%. Tuy nhiên, chi phí tài chính, chi phí quản lý, chi phí bán hàng đồng loạt tăng đã đẩy lãi sau thuế cổ đông công ty mẹ giảm 37% xuống 15 tỷ đồng. Luỹ kế 9 tháng, doanh nghiệp còn lỗ 104 tỷ đồng, cùng kỳ năm trước lãi 48,6 tỷ đồng.

Đơn vị: tỷ đồng

Nhìn chung, mức độ tăng biên lợi nhuận là điểm mấu chốt giúp các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu cải thiện lợi nhuận trong bối cảnh sản lượng vẫn suy giảm và giá bán hồi phục so với các quý trước nhưng vẫn thấp so với cùng kỳ.

Theo FPTS, lợi nhuận gộp của Petrolimex dẫn đầu trong nhóm doanh nghiệp phân phối xăng dầu là nhờ số lượng cửa hàng xăng dầu sở hữu và tự quản lý (COCO) lớn, khoảng 2.700 cửa hàng trên cả nước, vượt trội so với PV Oil là 570 cửa hàng. Mặt khác, PLX cũng có tỷ trọng xăng dầu phân phối qua kênh COCO cao nhất đạt 58%, PV Oil là 26,4%.

Phân phối qua kênh COCO được nhận toàn bộ chi phí kinh doanh định mức và lợi nhuận định mức trên mỗi lít xăng dầu tiêu thụ trong khi qua đại lý, nhượng quyền thương mại (DODO) thì phải san sẻ chi phí và lợi nhuận, tỷ lệ chiết khấu tuỳ chính sách từng công ty.

Công ty chứng khoán này cũng cho biết lượng COCO lớn là lợi thế của Petrolimex mà PV Oil và Thalexim khó bì được bởi việc xin giấy phép mở cửa hàng xăng dầu phải trải qua hàng loạt các thủ tục. Dù tìm được quỹ, muốn xây dựng cửa hàng xăng dầu thì doanh nghiệp phải làm việc với cơ quan chuyên ngành như Sở Công Thương, cảnh sát phòng cháy chữa cháy, quy hoạch kiến trúc, xây dựng… để kiểm tra, thẩm định...

Bên cạnh kinh doanh xăng dầu thì các doanh nghiệp cũng mở rộng cung cấp dịch vụ khác tại cửa hàng xăng dầu nhưng tỷ trọng đóng góp trên doanh thu còn rất khiêm tốn.

Mảng dịch vụ chỉ đem về 1.198 tỷ đồng doanh thu cho Petrolimex trong 9 tháng, tăng 6% so với cùng kỳ năm trước và chiếm tỷ trọng 1,3% tổng doanh thu. PV Oil thu 144 tỷ đồng mảng dịch vụ, giảm 13,2% so với 9 tháng 2019 và đóng góp 0,34% tổng doanh thu. Thalexim ghi nhận 85,6 tỷ doanh thu mảng dịch vụ, giảm 33% và chiếm 4,9% tỷ trọng.

Ngọc Điểm
Nguồn CafeF